Tân Thủ tướng Nepal: Từ bài toán cân bằng Trung-Ấn tới thách thức mang tên Covid-19
Dưới thời Thủ tướng Sher Bahadur Deuba, Nepal sẽ hướng tới cân bằng quan hệ với cả Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời cố gắng kết nối với Mỹ và đồng minh.
Sau nhiều tháng biến động chính trị, quá trình chuyển giao quyền lực ở Kathmandu đã có kết quả tuần trước. Theo giới quan sát, việc ông Sher Bahadur Deuba được bổ nhiệm làm Thủ tướng Nepal có thể cài đặt lại quan hệ của quốc gia này với Ấn Độ và Trung Quốc.
Phát biểu trước Quốc hội sau khi chiến thắng, tân Thủ tướng khẳng định sẽ “đa dạng hóa” quan hệ với các quốc gia. Về tổng thể, dưới thời ông Deuba, Nepal sẽ cố gắng đạt thế “cân bằng ngoại giao” với cả Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời củng cố “mối quan hệ bền chặt truyền thống với các quốc gia dân chủ” như Mỹ, Anh, Nhật Bản...
Theo ông Geja Sharma Wagle, học giả về quan hệ quốc tế, cựu cố vấn của Thủ tướng Nepal, Nepal sẽ dành “ưu tiên cao” cho láng giềng. Việc Kathmandu có lãnh đạo mới là cơ hội để nước này cải thiện quan hệ với New Delhi sau nhiệm kỳ của ông KP Sharma Oli, nhà lãnh đạo được xem là "thân Bắc Kinh".
Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Nepal Ranjit Rae đánh giá một điểm cộng khác là đảng Quốc đại cầm quyền của ông Sher Bahadur Deuba được cho là có truyền thống thân thiết với Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nepal có thể ưu tiên phát triển quan hệ với Mỹ. Vào tháng 4, khi còn là lãnh đạo phe đối lập ở Quốc hội, ông đã ủng hộ thỏa thuận tài trợ cơ sở hạ tầng trị giá 500 triệu USD từ cơ quan MCC (Millennium Challenge Corporation) của Mỹ.
Thách thức đầu tiên về mặt chính sách của Nepal dưới thời Thủ tướng Deuba sẽ là kiểm soát đại dịch Covid-19 và tìm nguồn cung vaccine, với ngoại giao vaccine là ưu tiên hàng đầu.
Tính đến ngày 23/7, theo thống kê của trang worldometers, quốc gia 29 triệu dân ghi nhận 674.726 ca mắc Covid-19, trong đó 9.661 ca tử vong.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Deuba hôm 19/7, hứa giúp đỡ Nepal chống dịch. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận cách thức để tăng cường hợp tác và phối hợp, đồng thời khẳng định “mối liên kết độc nhất và giao lưu nhân dân hàng thiên niên kỷ là cơ sở cho tình hữu nghị đặc biệt giữa Ấn Độ và Nepal”.
Cuối tháng trước, Nepal đã nhận khoảng 1,8 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc dưới hình thức tài trợ và đồng ý mua thêm 4 triệu liều.
Khoảng 1,5 triệu liều vaccine Covid-19 Johnson & Johnson, do Mỹ tài trợ thông qua cơ chế Covax, đã đến Nepal vào tuần trước. Ngay hôm sau, đồng minh của Mỹ là Nhật Bản thông báo họ cũng sẽ gửi 1,6 triệu vaccine Covid-19 AstraZeneca tới Nepal.