Tân Tổng thống Biden thúc đẩy cơ hội cân bằng mới với Châu Á

Do các ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc nên Mỹ đang tập trung các chính sách đối ngoại với châu Á thay vì đặt ra các ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Trang SCMP dẫn tin, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giành quyền bá chủ kinh tế và chiến lược châu Á đang ngày càng gia tăng ở cả trong và ngoài khu vực. Giới quan sát nhìn nhận diễn biến này có thể tiếp tục gia tăng và tạo ra các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Ảnh minh họa. Nguồn: Kyodo

Ảnh minh họa. Nguồn: Kyodo

Ngay sau khi vào Nhà Trắng, tân Tổng thống Biden đã ký các sắc lệnh hành pháp về vấn đề biến đổi khí hậu, thương mại và các vấn đề khác. Các phản ứng đầu tiên của chính quyền Mỹ mới được cho là chưa đưa ra bất kỳ tín hiệu cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Trung Quốc từng hi vọng sẽ có các đột phá mới trong quan hệ với Mỹ hậu nhiệm kỳ Trump. Ông Wang Huiyao – Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu tại Bắc Kinh đã kêu gọi thúc đẩy hợp tác, ít cạnh tranh giữa hai nước nhằm giảm đi "sự thâm hụt lòng tin đã tồn tại trong bốn năm qua".

"Cần phải xây dựng thêm các cơ chế đối thoại và tăng cường hợp tác song phương cũng như đa phương", ông Wang nhấn mạnh. Trung Quốc và Mỹ nên xây dựng một quỹ chống đại dịch toàn cầu và có "tiềm năng tuyệt đối" để thúc đẩy Trung Quốc và Mỹ hợp tác giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu cũng như cải cách các quy tắc thương mại thế giới", ông gợi ý.

Giới quan sát chỉ ra rằng, trong những ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, ông Biden sẽ bị hạn chế đưa ra các quyết định cải thiện mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc vì các quan điểm phân cực trong nội bộ Mỹ và cả những đồng minh của Mỹ.

Kịch bản trong các tuần tiếp theo của chính quyền mới có thể sẽ là các cơ hội nắm bắt hoặc bị bỏ lỡ trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ. Điều này nằm ở sự lựa chọn và định hướng của nhà lãnh đạo mới của Mỹ.

Washington có thể thừa nhận các hành vi hiện tại của Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy kinh tế và vươn tầm ảnh hưởng lớn hơn ở trong và ngoài châu Á giống như một hình ảnh phản chiếu hành vi của nước Mỹ từng làm trong suốt các thập kỷ hậu chiến tranh.

Tiềm năng thực sự của Đông Á đã bị cản trở bởi các ảnh hưởng gây chia rẽ từ các cuộc chiến tranh có sự tham gia của Mỹ trong quá khứ đến hiện tại là các xung đột công nghệ thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Chính quyền mới của ông Biden đang vẽ ra kịch bản giống với thời lãnh đạo tiền nhiệm Barack Obama nhằm hồi phục quan hệ của Mỹ với châu Á. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng phải nhận định một thực tế tiềm năng kinh tế của châu Á sẽ không thể nhận ra nếu không có các diễn biến thay đổi trong quan hệ Mỹ-Trung hay Mỹ - châu Á.

Châu Á được biết đến là châu lục giàu có về nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên. Đây được xem là các lợi thế mạnh để phát triển kinh tế và chính trị. Theo trang SCMP, châu Á cũng phụ thuộc vào các siêu cường bên ngoài để duy trì cân bằng quyền lực không ổn định.

Đứng đầu trong số các cường quốc này có Mỹ.

Trung Quốc hiện đang gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ ở châu Á nhưng đây có thể được xem là một phản ứng trước sự hiện diện thống trị của Mỹ cũng như mối quan hệ đồng minh thân thiết là Mỹ và Nhật Bản. Mối quan hệ này, theo giới quan sát, vẫn được xem là quan trọng dưới thời tân Tổng thống Biden. Nếu châu Á vẫn muốn đạt được sự phát triển về kinh tế, chính trị và khai thác hoàn toàn tiềm năng vốn có thì không nên để bị phân chia giữa quyền lực của Mỹ hay Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, châu Á cũng không nên bị phân chia thành các khối thương mại và đầu tư, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Toàn điện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vốn đã trở thành các diễn đàn cạnh tranh khu vực Trung Quốc – Mỹ tại châu Á. Thay vào đó, tân Tổng thống Joe Biden có thể lựa chọn việc đưa nước Mỹ trở lại thông qua hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương và Trung Quốc có thể hoàn toàn sẵn sàng tham gia hiệp định này, ông Wang cho biết. Điều này sẽ là khởi đầu hữu ích để hợp lý hóa các hiệp định kinh tế và thương mại tại châu Á và cả thế giới thông qua các cải cách Tổ chức Thương mại thế giới.

Chính quyền mới của ông Biden có thể mang lại cơ hội mới nhằm cải cách thể chế. Tuy nhiên, mọi cơ hội được đánh giá vẫn là mong manh trừ khi các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cùng định hướng hợp tác ba bên.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tan-tong-thong-biden-thuc-day-co-hoi-can-bang-moi-voi-chau-a-20210125153536932.htm