Tân Trào - Một tất yếu lịch sử
Ngót một thế kỷ qua, Tân Trào - Tuyên Quang trở thành địa danh thân thiết và thiêng liêng. Nói Tân Trào là nói đến Đảng Cộng sản Việt Nam, đến Bác Hồ, đến Việt Minh, đến Cách mạng tháng 8 năm 1945, đến đồng bào các dân tộc, đến Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Ngót một thế kỷ qua Tân Trào được nhắc đến với một niềm khát vọng về một cuộc đổi đời.

Khu di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Nhìn trên bản đồ, xã Tân Trào giống hình một con hà mã thu mình, đầu hướng về phía Thanh La. Tân Trào ở đông bắc huyện Sơn Dương. Trung tâm xã cách 12 cây số với quốc lộ 13A - con đường nối Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái - Tây Bắc. Tân Trào giáp giáp xã Phú Đình huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên về phía đông; giáp xã Bình Yên về phía nam; giáp xã Minh Thanh về phía bắc- tây bắc.
Đồi núi Tân Trào khá hiểm trở. Những ngọn núi cao, những đồi bát úp, xen nhau với những triền ruộng bám theo dòng sông, dòng suối. Núi Bòng đá dựng, tựa bức thành thiên tạo, che chở Tân Trào từ phía tây, làm địa giới giữa Tân Trào và Thanh La, Minh Khai. Núi Hồng, quanh năm mây vờn, án ngữ phía đông, làm ranh giới tự nhiên giữa Tuyên Quang và Thái Nguyên. Pù Mảng, khá cao, án ngữ phía nam; Nản Đeng - tiếng Tày là núi Đỏ - cũng là dải núi cao, che chở phía tây nam.
Ngòi Thia, Khuôn Ních, Khuôn Pén, Khe Cả, Khe Bong từ các triền núi đổ vào sông Phó Đáy - con sông hiền hòa có ưu điểm vượt trội là lưu vực mấy trăm cây số vuông nằm trong lãnh thổ nước ta, nguồn nước được chủ động kiểm soát, không chịu áp lực chặn dòng từ bên ngoài. Phó Đáy còn có tên là Để Giang.
Câu đối trong đình làng Cả:
Để Giang tả bão linh nguyên hội
Ngọc tỉnh hữu triều thụy khí chung
(Sông Để Giang vòng bên trái, nguồn linh thiêng tụ hội
Giếng ngọc chầu bên phải, khí lành chung đúc về)
Phó Đáy trở thành dòng sông lịch sử, dòng sông tầng tầng di tích thời kỳ cách mạng Tháng tám và thời kỳ Kháng chiến chín năm.
Trên có núi, dưới có sông
Có đất ta trồng, có bãi ta vui
Sông trong thơ Bác chính là sông Phó Đáy. Dòng sông cũng đã đi vào thơ ca:
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy
Hình sông, dáng núi nhiều lớp nhiều tầng tô điểm cho bức tranh sơn thủy thêm ngoạn mục, thêm hùng vĩ; vừa tạo nên thế hiểm cho Tân Trào.

Bác Hồ ở và làm việc tại Lán Hang Bòng. (Ảnh tư liệu).
Nằm dưới chân núi Bòng là xóm Bòng. Cách một cánh đồng vừa đủ tầm mắt là thôn Cả. Qua sang tả ngạn sông Phó Đáy, cách bờ chừng ba bốn quăng dao là xóm Thia. Con đường chính của xã qua giữa xóm. Đi khoảng bốn cây số về phía đông là làng Tân Lập. Vào sâu nữa ta gặp các xóm nhỏ Khuổi Kịch, Khuổi Phát, Lũng Tẩu, Ngòi Nho.
Tên làng, tên xóm nhiều lần thay đi đổi lại. Xưa, làng Tân Lập có tên là Kim Long.
Kim Long cảnh đẹp như tiên
Ai mà đã đến thì quên đường về
Cách mạng tháng Tám, Kim Long đổi thành Tân Trào; thôn Cả gọi là Hồng Thái. Sau cách mạng, Tân Trào đổi thành Tân Lập. Năm 1948, Kim Long lấy lại tên Tân Lập, hợp với Hồng Thái thành xã Tân Trào. Là ngẫu nhiên hay hữu ý.
Hai làng Kim Long, Kim Liên
Khác nhau một chữ mà liền non sông
và Núi Hồng gợi liên tưởng câu ca xứ Nghệ:
Núi Hồng ai đắp mà cao
Sông Lam ai bới, ai đào mà sâu
Trên đất Tân Trào, từ lâu đời, người Tày, người Kinh, người Nùng, người Dao, người Sán Dìu, người Hoa chung sống khai phá, chinh phục thiên nhiên tạo lập đồng ruộng xóm làng. Nhưng khi đất nước bị thực dân Pháp rồi phát xít Nhật thống trị, bà con Tân Trào, như đồng bào cả nước bị áp bức bóc lột đến cùng cực.
Không chịu sống đời nô lệ, một khi được giác ngộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhân dân nơi đây đã hăng hái tham gia cách mạng. Từ cuối năm 1939, Khuổi Kịch, Khuổi Phát, Ngòi Nho đã là cơ sở cách mạng đầu tiên của vùng bắc Sơn Dương, tháng 2 năm 1945, Việt Minh xã Tân Trào được thành lập.
Bây giờ việc nước theo cùng Việt Minh
(Về Tân Trào)
Cách mạng bùng nổ với khí thế ngút trời, một ngày bằng hai mươi năm, câu ca dao năm xưa mang ý nghĩa mới:
Kim Long đất hiểm tứ bề
Kẻ địch muốn chết thì về Kim Long.
Những ngày này, nước Đoan Ngọ mấp mé bờ sông Phó Đáy, trên cánh đồng lúa đã đỏ đuôi, ánh nắng cuối chiều dát vàng trên khắp sườn non. Bầu trời Tân Trào buổi hoàng hôn bừng lên rực rỡ. Mặt trời cách mạng- lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, một con người mà sự nghiệp có sức ảnh hưởng toàn cầu, sau ba mươi năm bôn ba khắp năm châu bốn biển đã trở về Tổ quốc, về Tân Trào để hiện thực hóa đường lối cứu nước mà Người đã tìm ra - con đường cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Vì sao Tân Trào trở thành trung tâm chỉ đạo cách mạng tháng Tám?
Vì sao không sớm hơn, cũng không thể muộn hơn, sự kiện đó diễn ra đúng thời điểm tháng 5 năm 1945?
Hồi ký “Từ Pác Bó đến Tân Trào” của anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, nhận được thư hỏa tốc của Ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng báo tin Bác đang trên đường về xuôi, từ Chợ Chu, anh Văn vội lên đường. Buổi chiều đến bản Nà Kiên xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn (nơi gặp nhau của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân từ Cao Bằng xuống và Đội Cứu quốc quân từ Bắc Sơn - Võ Nhai lên), anh Văn nhìn thấy Bác ngồi trên mình ngựa, có vẻ mệt sau một chặng đường xa, mặt võ vàng, râu để dài, duy đôi mắt Bác vẫn tinh anh. Anh Văn báo cáo với Bác về nghị quyết của hội nghị quân sự Hiệp Hòa. Bác chăm chú nghe, bình tĩnh, điềm đạm, nhận xét hội nghị tiến hành rất tốt. Rồi Bác nói:
- Cần chọn ngay trong vùng Thái Nguyên hoặc Tuyên Quang một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài.
Anh Văn lên ngựa về Kim Quan Thượng (nay là xã Trung Yên), trụ sở phân khu ủy, trao đổi với bí thư phân khu ủy Song Hào. Cả hai người thống nhất nhận định: Từ sau khởi nghĩa Thanh La, toàn vùng Kim Quan, Minh Khai, Thanh La, Kim Long, Kim Trận chính quyền cách mạng đã thành lập ở khắp làng xã. Song, xét kỹ về địa thế thì Kim Long có ưu điểm vượt trội là vùng rừng núi hiểm trở, xa đường lớn.
Tân Trào đã được chọn. Anh Văn trở lên Nghĩa Tá.
Sau ba ngày nghỉ, sức khỏe hồi phục nhiều, ngày 20, Bác và đoàn công tác cùng anh Văn hành quân sang Tuyên Quang, theo hướng xuôi dòng Phó Đáy.
Phân khu ủy Nguyễn Huệ đón Bác tại đình Hồng Thái. Mọi người ngồi xuống sàn đình nghe Bác nói:
- Ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn, nhưng với bản chất ngoan cố, tới đây quân Nhật vẫn sẽ tấn công hòng tiêu diệt cách mạng, khủng bố nhân dân. Vì thế cần đề cao cảnh giác, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, chủ động đối phó. Xây dựng vùng giải phóng thành căn cứ vững chắc tiến lên giải phóng các tỉnh trung du, đồng bằng và thành phố. Bây giờ các chú về lo công việc, để Bác còn đi tiếp.

Đình Hồng Thái, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, nơi Bác Hồ dừng chân đầu tiên khi người từ Pác Bó (Cao Bằng) về tới Tân Trào (21-5-1945).
Ra gần đến bến Thia, anh Văn thưa với Bác:
- Trước mặt ta là sông Phó Đáy. Qua sông đi chừng bốn cây số là đến làng Kim Long, địa điểm chúng tôi chuẩn bị để Bác đến làm việc. Kim Long có sông Phó Đáy án ngữ đường vào, có núi Hồng chắn sau lưng, có đường đi các ngả đông, tây lẫn lên ngược về xuôi. Đủ cả nhân hòa, địa lợi.
Bác vui vẻ nói:
- Thiên thời thì đang đến. Vậy nên đặt cho Kim Long tên mới là TânTrào. Nghĩa của nó là sóng mới. Sóng đây là sóng cách mạng đang lên như triều dâng. Hẳn các chú đã biết vì sao chúng ta phải nhanh chóng chuyển về đây?
Anh Văn đáp:
- Trước tình hình mới, căn cứ địa Cao Bằng không còn đáp ứng được là trung tâm chỉ đạo cách mạng nữa.
- Đúng thế. Phát xít Nhật sẽ bại. Phải chuẩn bị họp hội nghị Trung ương và sớm lập ra một nhà nước dân chủ hợp hiến. Cao Bằng xa Trung ương, không thuận tiện liên lạc và tổ chức các hội nghị lớn. Bác muốn sớm đến nơi ở mới bắt tay triển khai công việc.
Nhìn dòng nước đăm đăm. Bao nhiêu hình ảnh về những dòng sông vùn vụt qua nhanh. Giọng Bác vang lên như mệnh lệnh:
- Dù có gặp sóng xô thác lũ cũng không dừng lại. Khôn khéo lựa con nước mà sang, nếu không, có thể chẳng bao giờ sang được.
Mọi người, xắn cao quần, tháo giày dép, buộc lại quai túi, lục tục bước lên mảng. Ra đến mép nước, anh Văn giục:
- Khẩn trương lên. Vận mạng của đất nước ở cả lần sang sông này. Con thuyền cách mạng mà Bác là thuyền trưởng không thể lỡ chuyến.
Bác nói:
- Trong mọi trường hợp, bất luận nước cả sóng to cũng phải tuyệt đối vững tin vào người cầm lái.
Mọi người hiểu rằng, Bác không chỉ nói về chuyện sang sông.
Sau khi vượt sông Phó Đáy, Bác cùng đoàn đi về phía làng Kim Long. Đến làng, vào nhà Nguyễn Tiến Sự, chủ nhiệm Việt Minh là một người dong dỏng cao, mặc bộ đồ màu chàm, may kiểu người Nùng, bộ râu thưa, đôi mắt tinh anh; một người tầm thước, phong độ giống nhà giáo và hai người ngoại quốc mang thứ máy móc mà ở đây chưa thấy bao giờ. Những người khác chia nhau vào những nhà khác trong làng.

Đồng chí Vũ Kỳ báo cáo công việc với Bác tại Thác Dẫng, sông Phó Đáy. Ảnh: Tư Liệu
Ngược thời gian, được biết, sau khi có cuộc gặp với tướng Sê nôn, tư lệnh Sư đoàn số 14 không quân Mỹ đem lại kết quả làm hài lòng: Đồng minh thừa nhận Việt Minh đứng trong mặt trận chống phát xít, đồng ý giúp Việt Minh huấn luyện về vô tuyến điện, về quân sự; Việt Minh cung cấp cho Đồng Minh tình hình quân Nhật ở Đông Dương.
Vừa từ Côn Minh về lại Pác Bó, dừng chân một tuần, Bác đã gấp rút chuẩn bị cho cuộc hành trình, thành lập một tiểu đội đặc biệt. Tiểu đội có 10 người: Đặng Văn Cáp, Vân Anh, Lưu Minh Đức, Cao Khải, Giang Lâm, Nhận Nhúc, Sầm Thình, Nông Đình Tuấn, Đỗ Văn và Đinh Đại Toàn, một số trong đó đã cùng Bác về nước năm 1941. Tiểu đội được học tập chính trị và huấn luyện quân sự với những bài cơ bản như sử dụng vũ khí thông thường, tính huống gặp địch... Đội hình hành quân còn có mười thanh niên do đoàn thể lựa chọn chuẩn bị ra nước ngoài học về vô tuyến điện, do tình hình thay đổi nên ở lại nhận nhiệm vụ mới. Trước lúc lên đường Bác tập hợp toàn đoàn, phân công nhiệm vụ cho từng người mang máy móc, phụ tùng vô tuyến điện. Bác căn dặn: Đây là chuyến công tác khẩn trương, gian khổ, đi đường dài, phải hết sức giữ bí mật. Nếu bất trắc gặp địch phải tuân theo sự chỉ huy thống nhất, hành động kịp thời mau lẹ, nếu gặp địch nên tránh đụng độ để bảo toàn lực lượng.
Như mọi ngày, đúng năm giờ Bác đã dậy, đứng trên phiến đá phăng bên bờ suối đi mấy đường quyền. Tuy còn yếu nhưng thấy người khoan khoái, tâm trạng phấn chấn. Trở vào Hang, Bác bó tài liệu và chiếc máy chữ vào túi vải chàm. Chiếc máy chữ hiệu HERMES 830264, luôn được giữ gìn cẩn thận như một báu vật.
Đinh Đại Toàn lên hang báo cáo:
- Thưa Bác, Tiểu đội Bảo vệ hiện có chín đội viên. Riêng Đặng Văn Cáp đã được cử đi trước xuống Lam Sơn. Số thanh niên gồm, Nông Ích Dương, Nông Hồng Đức, Đàm Hưng Hào, Nguyễn Kim Hùng, Đinh Ngọc Hưng, Nguyễn Tuấn Khanh, Quốc Phong, Giáp Ngọc Thu, Trần Văn Trúc, Hoàng Thanh Vân đều đủ mặt sàng chờ lệnh.
Bác nói:
- Còn hai nhân viên kỹ thuật viên vô tuyến điện cũng cho vào biên chế của Tiểu đội Bảo vệ. Từ đây đặt tên cho Ph. Tam là Đạm và Mácxim là Nguyễn.
Những người tham gia chuyến công tác đứng thành hai hàng, hướng ra con đường hẹp. Hàng trước là Tiểu đội bảo vệ, hàng sau là mười thanh niên học sinh. Nhiều người trong đoàn mặc quần áo chàm hoặc nâu, may kiểu Nùng, kiểu Thổ. Vài người mặc áo quần nâu miền xuôi. Một hai người mặc áo kiểu Tây đã cũ. Mấy phút sau, đứng trước hàng quân, Bác nói:
- Mọi người cần chuẩn bị tinh thần không ngại khó, không ngại khổ, phải tuân thủ nội quy, kỷ luật, tuyệt đối giữ bí mật.
Bây giờ tất cả chú ý nghe phổ biến hiệu lệnh hành quân.
Sau cùng, cầm chiếc còi, thổi làm mẫu rồi Bác nói:
- Ba hồi còi ngắn, dồn dập là báo hiệu gặp địch. Lập tức phân tán đội hình, ẩn náu không để địch phát hiện ra người, hoặc dấu hiệu khả nghi.
Hai hồi thư thả, cách đều là báo địch đã đi xa, cần nhanh chóng tập trung trở lại theo đúng đội hình cũ để tiếp tục hành quân.
Chú Toàn nhắc lại xem nào. Đứng ở hàng trên, Đinh Đại Toàn nhắc lại hoàn toàn chính xác. Bác nhắc tiếp:
- Ai cũng phải nhẩm cho thật thuộc, để lúc gặp việc không bị lúng túng.
Bác đội mũ, vai đeo túi dết, tay chống gậy nhập vào đi giữa đoàn.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 4 tháng 5, Bác và đoàn công tác xuất phát từ lán Khuổi Nậm Pác Bó. Bắt đầu cuộc hành trình. Rong ruổi dặm dài/Chiếc gậy cầm tay/Khăn vắt vai
Ngày 5 tháng 5, tới Lam Sơn. Bác và đoàn công tác lưu lại đến ngày 8 tháng 5. Tại đây Bác làm việc với một số đồng chí cán bộ Trung ương - Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt- và liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng.
Ngày 17 tháng 5, ra đi từ 4 giờ sáng, chiều tối thì đến Nà Kiên xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn.
Ngày 21 tháng 5 năm 1945, tại làng Kim Long. Cuộc hành trình Pác Bó - Tân Trào kết thúc.
Trải 500 cây số đường rừng, qua 10 huyện của 4 tỉnh, trèo đèo lội suối, vượt qua đỉnh núi quanh năm mây phủ, có nơi chưa từng in dấu chân người, trên chặng đường dài có lúc gặp địch, tình huống nguy hiểm. Hành trình gian khổ hoàn thành trong 20 ngày, cho thấy tính chất khẩn trương chớp lấy thời cơ ngàn năm có một để tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa.
Pác Bó - Tân Trào là hành trình lịch sử, hành trình dẫn đến thành công của Cách mạng tháng Tám.
Tân Trào một tất yếu lịch sử, là trung tâm chỉ đạo cách mạng Tháng Tám, là tổng hành dinh của vị tổng chỉ huy tối cao, nơi Bác Hồ làm việc ./.
(còn nữa)
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tan-trao-mot-tat-yeu-lich-su-211726.html