Tận tụy làm công bộc của dân bản

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã có dịp đi về trên những bản làng vùng cao Quảng Trị, tiếp xúc với những người cán bộ cơ sở lặng thầm đóng góp công sức vì sự bình yên, đổi mới của quê hương mình. Trở lại huyện miền núi Đakrông lần này, thêm một lần nữa, tôi nhận ra những 'công bộc' của Nhân dân địa phương mà tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu đều có những nét chung. Họ như những rễ cây bám chặt sâu dày vào bản sắc, truyền thống, mạch nguồn quê hương, kết tinh thành phẩm chất rắn rỏi như đá núi, thô mộc như vựa đất, bền bỉ, vững chãi như non cao và chân chất, thủy chung như những suối nguồn. Anh Hồ Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông là một người như thế.

Anh Hồ Văn Việt đang làm việc tại trụ sở UBND xã Hướng Hiệp -Ảnh: Đ.T

Anh Hồ Văn Việt đang làm việc tại trụ sở UBND xã Hướng Hiệp -Ảnh: Đ.T

Người của bản làng

Lẽ thường, nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy, nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng. Gặp anh Hồ Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp tại nơi làm việc để tìm hiểu việc bản, việc dân, ấn tượng ban đầu của tôi là đang trò chuyện với một người cán bộ cơ sở chân chất, cởi mở và có sự hiểu biết tường tận về quê hương mình. Và câu chuyện với anh Hồ Văn Việt thực sự khiến tôi xúc động.

Chắp nối những câu chuyện kể, có thể tóm lược “lý lịch trích ngang” của anh Hồ Văn Việt ngắn gọn thế này: Sinh năm 1984 tại thôn Ruộng, xã Hướng Hiệp, sau khi tốt nghiệp Trường PTDTNT tỉnh năm 2004, anh theo học tại Trường Trung học Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị (cũ) rồi liên thông theo ngành kinh tế Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

Sau khi trở về quê hương hoạt động trong phong trào đoàn, anh Việt vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng (tháng 6/2010) và từ tháng 10/2011, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Xã đoàn Hướng Hiệp; đến tháng 3/2019 đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã; từ tháng 4/2022 đến nay là Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp.

Tôi hỏi anh Việt: Làm Phó Chủ tịch UBND xã, có thuận lợi, khó khăn gì nhiều so với những công việc mà trước đây từng đảm trách? Anh Việt cười hiền bảo rằng, ở cương vị nào thì cũng có những thuận lợi, khó khăn, thử thách. Mặt thuận lợi thì mình cố gắng tận dụng, phát huy; mặt khó khăn thì nỗ lực khắc phục, tháo gỡ dần. Khó nhiều thành khó ít, khó ít thành không khó nữa để luôn trôi tròn công việc.

“Điều thuận lợi nhất mà tôi nhận được là trong quá trình công tác, bản thân luôn được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của đồng chí, đồng nghiệp và sự động viên, tin tưởng của Nhân dân”, anh Việt giảng giải thêm.

Anh Hồ Văn Việt (đứng) cùng cán bộ xã xử lý công việc -Ảnh: Đ.T

Anh Hồ Văn Việt (đứng) cùng cán bộ xã xử lý công việc -Ảnh: Đ.T

Hướng Hiệp, quê hương của anh Việt nằm ở một địa thế khá thuận lợi, nhưng đến nay vẫn là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Đakrông. Nói thuận lợi là vì xã chỉ cách thành phố Đông Hà hơn 30 km, có Quốc lộ 9 đi qua, diện tích đất tự nhiên rộng lớn với khoảng 14.200 ha, dân số 1.411 hộ, hơn 5.400 khẩu. Nhưng thực tế, khó khăn cũng từ... thuận lợi đó mà ra.

Do diện tích đất tự nhiên rộng lớn nên địa bàn xã Hướng Hiệp trải dài trên một địa hình xa xôi, phức tạp, giáp với xã Linh Trường (Gio Linh) ở phía Bắc; giáp với xã Cam Tuyền, Cam Thành (Cam Lộ) ở phía Đông; giáp với xã Hướng Linh, Hướng Sơn (Hướng Hóa) ở phía Tây; mật độ dân số thưa với 38 người/km2. Dân số đông, nhưng trong số 1.411 hộ dân thì đồng bào dân tộc Vân Kiều có đến 1.213 hộ với trên 5.028 khẩu, đời sống còn nhiều khó khăn; xã có 681 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 48,26%.

Lặng thầm cống hiến

Đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, anh Việt luôn trăn trở mở hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho bà con dân bản nơi quê hương mình. Anh đã đề xuất nhiều giải pháp và cùng cấp ủy, chính quyền động viên Nhân dân khai thác hết tiềm năng về đất đai để đưa vào sản xuất theo phương châm “đất nào cây đó”.

Do vậy, mặc dù là địa bàn vùng khó, nhưng tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của xã luôn đạt 100% kế hoạch đề ra với tổng diện tích 789 ha; trong đó duy trì diện tích lúa nước 236 ha, năng suất bình quân đạt gần 50 tạ/ha.

Các diện tích gieo cấy giống lúa mới được nhà nước hỗ trợ như ĐD 2, Thiên Ưu... cho năng suất cao hơn hẳn so với các giống lúa cũ do bà con tự gieo trồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt trên 1.337 tấn, tăng 34 tấn so với năm 2022.

Anh Việt còn tham mưu lãnh đạo xã mở hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng “đa cây đa con”. Trong vụ đông xuân 2023-2024, xã duy trì diện tích cây ngô 46 ha, năng suất đạt 19 tạ/ha; cây chất bột có củ trên 306 ha; cây lạc diện tích có tăng lên, đạt 27 ha nhờ sự hỗ trợ 4.400 kg lạc giống từ nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Một góc bản làng xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông -Ảnh: Đ.T

Một góc bản làng xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông -Ảnh: Đ.T

Thế mạnh của địa phương là chăn nuôi và trồng rừng. Tổng đàn gia súc của xã đã lên tới 3.330 con, tổng đàn gia cầm 9.980 con với trọng lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 105 tấn. Mỗi năm, trung bình người dân trong xã trồng rừng tập trung khoảng 150 ha, góp phần phủ xanh đất trống và trồng rừng thay thế dần diện tích đất trồng sắn đã bị thoái hóa.

Anh Việt cho biết, làm cán bộ cơ sở nơi địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trên lĩnh vực kinh tế thì phải vừa chỉ đạo, vừa vận động, “cầm tay chỉ việc” cho người dân mới mong đạt được kết quả tốt. Nói tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là nói chung chung, còn khi bắt tay vào làm là phải cụ thể.

Ví dụ như vận động người dân thu gom phân trâu bò, phân chuồng để bón cho cây trồng; tăng lượng phân chuồng bón lót để cho cây trồng tốt hơn, năng suất cao hơn thì phải sâu sát với dân. Vận động người dân bón vôi để khử trùng cho đất, dự trữ rơm rạ để làm chất độn chuồng và thức ăn cho gia súc thì phải đến tận hộ dân để bày cho dân biết.

Vận động người dân không bỏ hoang đất canh tác, tận dụng triệt để diện tích đất canh tác để đưa vào sản xuất làm tăng diện tích cây trồng; chuyển đổi diện tích đất thiếu nước không trồng lúa được sang trồng các loại cây màu; chuyển diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng lạc, đậu xanh hoặc trên đất trồng lúa thiếu nước sang trồng ngô, đậu xanh...thì phải có kế hoạch cụ thể, triển khai tích cực và kiểm tra, giám sát thường xuyên mới đạt được hiệu quả trên thực tế.

Về Hướng Hiệp hôm nay, dẫu vẫn còn bộn bề khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi đã cảm nhận được sức vươn lên của một vùng đất trên con đường đổi mới cùng quê hương, đất nước. Trong thành quả chung này của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hướng Hiệp, có sự đóng góp công sức của những cán bộ tận tụy như anh Hồ Văn Việt.

Có thể khẳng định, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, là gốc của mọi công việc và là công bộc của Nhân dân như Bác Hồ căn dặn. Có được những cán bộ của dân bản như anh Hồ Văn Việt và nhiều cán bộ khác nữa đang lặng thầm cống hiến trí tuệ, sức lực cho quê hương, Hướng Hiệp nhất định sẽ giàu có, tươi đẹp hơn trong tương lai gần...

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tan-tuy-lam-cong-boc-cua-dan-ban-188440.htm