Tản văn: Bay theo những cánh chuồn

Tuổi thơ ai mà chẳng có những lần đuổi bướm, hái hoa, nhón bắt chuồn chuồn làm rộn cả ngày hè.

Nguồn ảnh: vn.lovepik.com

Nguồn ảnh: vn.lovepik.com

Khung cửa sổ mở ra trước mắt tôi là một màu xanh mát của khu vườn, của những chùm hoa nắng chan hòa vàng ươm như rót mật. Mỗi lần ngồi vào bàn làm việc, ngước mắt nhìn ra ngoài trời với khoảng không gian giữa miên man cây lá, lòng tôi lại thấy êm dịu thư thái, tập trung hơn.

Chiều nay, đang mải miết cặm cụi trên trang giấy chợt nghe tiếng cô bé nhà bên nhí nhảnh: “Chuồn chuồn có cánh thì bay, có thằng cu Tý thò tay bắt chuồn”. Tôi ngẩng lên, hình ảnh hai đứa trẻ đang ở bên bờ rào khiến tôi mỉm cười thích thú. Tuổi thơ ai mà chẳng có những lần đuổi bướm, hái hoa, nhón bắt chuồn chuồn làm rộn cả ngày hè.

Tuổi thơ của chúng tôi hầu như những buổi trưa nào cũng trốn bố mẹ đầu trần chân đất tụ họp, lang thang khắp xóm mà chẳng biết đến cái nắng nôi là gì. Đứa nào đứa nấy da bắt nắng đen nhẻm, tóc vàng hoe xơ xác. Hôm thì lũ trẻ xóm tôi rủ nhau chơi chuyền, ô quan, bắn bi, bán đồ hàng, đánh khăng… vui đáo để.

Đồ hàng của chúng tôi là những quả ổi, quả duối, những bông hoa dâm bụt, hoa bìm bìm được hái về bày bán trên cái sàng, cái rổ, cái rá của mẹ.

Thú vị nhất là chuyện đi nhón chuồn chuồn. Chuồn chuồn cũng có nhiều loại, theo hình dáng khiến chúng có tên gọi khác nhau.

Chuồn chuồn ngô đầu to như hạt ngô, giữa không trung đầy nắng gió kiêu hãnh, oai phong với những sọc vằn ngang có màu vàng, đen, xanh xen lẫn. Chuồn chuồn ớt có chiếc áo đỏ chót như màu lửa như quả ớt, dập dờn bên bờ ao, lượn lờ trên những luống rau đay, đậu trên bờ rào, giậu cúc tần, không thể lẫn vào đâu.

Chuồn chuồn kim chẳng khác nào em út trong nhà, thân nhỏ như cái kim với bộ cánh mỏng mảnh, mắt lồi ra, hay đậu ở những chỗ râm mát để nghỉ ngơi thong thả. Loài chuồn chuồn rất hay đỏm dáng, thường bay là là trên mặt ao, đậu trên những cánh lục bình soi bóng mình dưới nước.

Lũ trẻ trong xóm tôi thường lang thang, rong ruổi theo những cánh chuồn. Nhiều khi mệt phờ người, tóc bết mồ hôi nhưng chẳng thể ngăn nổi niềm vui thơ trẻ. Khi thì quanh bờ ao, lúc lại men theo triền đê, bên những hàng rào dâm bụt. Đôi khi nhìn chúng đã đậu yên chỗ, mắt lim dim, tưởng chừng như đang ngủ ngon giấc đấy nhưng chẳng phải dễ dàng để mà bắt được.

Chuồn chuồn rất tinh. Lần nào chúng tôi cũng bảo nhau đi thật nhẹ, thật khẽ, đôi ngón tay như thể đã chạm tới để tóm được rồi ấy vậy mà chỉ cần liếc một cái phát hiện ra “kẻ địch” là chúng lại vụt bay đi. Tiếc ngẩn ngơ.

Chúng tôi bàn nhau tìm những cành cây thật dài và dính nhựa quả hồng xiêm vào đầu cành rồi cắm ở một vài nơi, rình nấp trong bụi cây chờ đợi. Quả nhiên có chú chuồn chuồn ngờ nghệch bị trúng kế. Chân bị nhựa hồng xiêm dính chặt. Chỉ đợi có thế, lũ chúng tôi khoái chí cười vui như nắc nẻ chỉ việc chạy lại và gỡ từng chú ra.

Nâng niu, ngắm nghía một hồi, tôi và cái Mận rủ nhau đi hái đọt lá tre, ngọn cỏ non để bón cho chúng ăn. Nhiều lần phải kiên trì vì có lẽ do sợ hãi chúng không ăn ngay, sau chắc vì đói bụng mới nhấm nháp dần. Chúng tôi buộc nó vào một sợi chỉ và đầu dây kia buộc vào ngọn cây si xanh ở trước hiên nhà, sớm chiều chăm bẵm.

Chuồn chuồn gió có đủ màu sắc. Mẹ tôi thường xem đàn chuồn chuồn bay để dự đoán thời tiết. Khi mẹ đi gặt ngoài đồng, ở nhà tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại lời của mẹ: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. Quả đúng như vậy, nhìn đàn chuồn chuồn bay sà xuống thấp là trời sẽ mưa, bay vút lên cao thì yên tâm trời nắng. Nhờ thế, nhiều lần một mình phơi cả sân thóc to đùng cho mẹ, tôi đã cào thóc, quét dọn, chạy mưa được kịp thời.

Những cánh chuồn dang rộng đôi cánh bay giữa không trung đầy nắng và gió ngày ấy như chở mang niềm hy vọng của chúng tôi với bao ước mơ xanh tươi, trong veo, đẹp đẽ. Dẫu ngược xuôi với cuộc sống bộn bề mưu sinh nhưng những ký ức rong ruổi cùng những cánh chuồn luôn chập chờn bay về trong giấc mơ tôi. Trong trẻo và tươi ngần.

Vũ Thị Thanh Hòa (Giáo viên Trường THCS Cộng Lạc, Tứ Kỳ, Hải Dương)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-van-bay-theo-nhung-canh-chuon-post698088.html