Tản văn: Gia đình tôi
Chúng tôi thương ba mẹ gồng gánh nuôi nấng các con. Ba mẹ đem đến cho chúng tôi tình yêu thương vô bờ bến, một tuổi thơ đầy ắp tiếng cười...
Nhí à !!!... ăn cơm
Tiếng kêu quen thuộc đó là của ba gọi tôi mỗi khi giờ cơm đến. Cái tên Nhí đã theo tôi từ khi mới chào đời, vì tôi là đứa trẻ sinh thiếu cân, thiếu tháng. Gia đình tôi cũng như những gia đình khác, không giàu sang cũng chẳng khốn khó.
Nhưng để có được như ngày hôm nay thì ba mẹ tôi đã phải đổ nhiều mồ hôi, công sức mới tạo dựng được. Ba tôi là công nhân, hằng ngày phải vất vả với cả núi công việc, đôi khi lại chẳng về nhà. Mẹ thì có nghề may, công việc ấy đôi lúc cũng làm bà râm ran đau nhức cả người.
Cuộc sống của ba mẹ tôi rất đỗi cực khổ nhưng không vì nản chí mà bỏ cuộc. Họ vươn lên bằng chính thực lực và đôi tay trắng của mình.
Rồi chị tôi chào đời, chị mang nụ cười đến cho ba và cả mẹ tôi. Vì nhà tôi còn khốn khó nên việc cho chị học thêm là không thể. Chị học bằng sự tiếp thu, hiểu biết của bản thân nhưng lại hơn hẳn năng lực của tôi bây giờ.
Chị tôi ngoan lắm, không đòi hỏi, đua đòi như những đứa trẻ khác vì chị biết điều đó là không thể. Đôi khi tôi lại có ý nghĩ sợ chị ganh tị vì chính tôi cũng rất ngổ ngáo lại hay đua đòi mà được chiều tất.
Chúng tôi thương ba mẹ gồng gánh nuôi nấng các con, không quản gian khó, khổ nhọc. Ba mẹ đem đến cho chúng tôi tình yêu thương vô bờ bến, một tuổi thơ đầy ắp tiếng cười... Tôi được mặc đẹp, đi học; được có bữa cơm no cũng là nhờ công sức lớn lao của ba mẹ.
Thời gian trôi nhanh, tôi nhận thấy đôi mắt ba đã quầng thâm vì thức khuya dậy sớm. Thân hình gầy guộc của mẹ, mái tóc đen của ba ngày nào giờ đã thay màu.
Ba mẹ tôi vươn lên trong cuộc sống bằng hai bàn tay trắng để con mình có cuộc sống tốt hơn. Đôi khi, nghe tụi bạn bảo mà tôi phát ghét: “Ba mẹ bà làm công nhân sướng chết cực nỗi gì?”... Lúc ấy, tôi muốn quát cho tụi bạn nhưng lại nhẹ nhàng giải thích: “Công nhân thì công nhân, cực thì vẫn cực. Ba tôi phải thức khuya dậy sớm với cả núi công việc để theo kịp chỉ tiêu, thế thì làm công nhân là sướng sao? Còn mẹ tôi, phải bỏ ra cả hàng giờ đồng hồ mới có được một bộ đồ theo ý khách hàng, đôi khi còn bị khách mắng vào mặt. Vậy là sướng à?”.
Ngày tôi chào đời, đôi vai ba mẹ lại nặng gánh hơn. Tôi là một đứa trẻ rất ngỗ nghịch. Sống trong sự chiều chuộng, yêu thương của gia đình nên tôi cũng chẳng biết nghe ai.
Nhưng ông bà nội lại chịu được cái tính nghịch ngợm ấy của tôi. Ông thương tôi lắm, đưa đón tôi đi học mỗi ngày. Mỗi khi tôi bật lên khóc vì muốn phá phách, ông dỗ mãi mà chẳng được thì lại đem quà bánh đến và thành công.
Ông đem tất cả sự yêu thương, vỗ về dành tặng cho những người thân trong gia đình. Nhưng rồi, ông tôi đã qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Nụ cười của mọi người tắt nghẹn, ba tôi cũng vậy.
Ba thương ông nhiều lắm, thương từng ngọn tóc phơi sương, thương từng giọt mồ hôi thấm đẫm vị mặn của sự vất vả. Kể từ ngày hôm ấy, ba tôi ít nói và khó tính hẳn ra. Mẹ nhìn mà thương lắm!
Ba còn viết cả truyện ngắn về ông nội và được đăng trên báo. Thời gian cứ trôi đi, đã mười mấy năm trời ròng rã, hình ảnh của ông vẫn luôn ở trong tâm trí chúng tôi. Còn cái tính ngang ngược cứ thế theo tôi mãi, làm ba mẹ buồn, lo lắng, đôi khi tôi còn thấy ba mẹ rơi nước mắt vì chính sự phá phách của tôi.
Tôi chưa bao giờ chứng minh cho ba mẹ thấy tôi đã rất biết ơn công lao nuôi dưỡng, hi sinh cho tôi bấy lâu nay. Chắc hẳn, ba mẹ đã chẳng còn tin tưởng vào cái bổn phận làm con của tôi nữa!
Nhưng trái với những suy nghĩ trong đầu tôi thì ba mẹ lại còn đặt niềm tin vào tôi, niềm mong mỏi một ngày nào đó con của ba mẹ sẽ thành công trên mọi nẻo đường. Ba, mẹ và chị tôi đã cho tôi thấy rằng gia đình là nơi đáng để tôi tin tưởng và dựa vào những lúc khó khăn nhất.
Chị tôi hay bảo: Sống dựa vào năng lực bản thân mà vươn lên, không phải dựa vào năng lực của người khác. Nghị lực không phải đứng lên sau khi vấp ngã, mà là em bước được bao xa sau khi đứng lên.
Và rồi, tôi cũng lớn khôn hơn dưới sự bảo bọc và chăm sóc của cả nhà. Tôi cố học, đạt thành tích để bù đắp lại những gì cha, mẹ, chị và những người xung quanh đã vun đắp cho tôi.
Những bữa cơm gia đình hàng ngày quây quần bên nhau thật đầm ấm, chia sẻ những công việc hàng ngày của ba, của mẹ, việc học hành của tôi và những công việc sắp tới của chị.
Khi đi học về muộn, ba luôn bảo mọi người ráng chờ một chút con Nhí về ăn chung cho vui. Những lúc như thế tôi cảm thấy mình hạnh phúc biết bao, được gia đình quan tâm làm tăng thêm động lực cho tôi trên con đường học tập.
Chị hai sắp đi lấy chồng, thời gian này chị dành rất nhiều thời gian nói chuyện, chăm sóc tôi, nhất là chuyện xung quanh đời sống xã hội, kinh nghiệm có được trong những năm chị sống xa gia đình miệt mài trên giảng đường đại học.
Chị dạy tôi cách giúp đỡ ba, mẹ việc trong nhà. Hai chị em tôi ngủ chung với nhau trong căn phòng nhỏ bé suốt mười mấy năm qua, đùa giỡn, giận hờn, những lời tỉ tê của hai đứa con gái dậy thì và thậm chí đánh nhau cũng trong căn phòng này, ba, mẹ chạy đến can ngăn, giải hòa và chị, em lại bắt tay “hòa bình” rồi giỡn tiếp.
Biết bao nhiêu kỷ niệm trong căn phòng nhỏ, nhưng tôi biết rồi đây tôi sẽ ngủ một mình, căn phòng sẽ trở nên rộng lớn, trống trải, sẽ không còn nghe thấy tiếng chị nhắc tôi ngủ sớm, không còn giành với tôi cái mền, cái gối ôm và không còn nhận của tôi những “cú đá” vào lưng khi tôi ngủ mớ.
Đối với tôi, cuộc sống như thế này là quá đủ, sống trong niềm hạnh phúc, yêu thương của người thân là niềm vui không thể nào tả nổi. Tôi mong trong một tương lai gần, những giọt nước mắt của ba mẹ tôi là những giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy tôi trưởng thành. Cho dù mai sau, dẫu có thế nào đi nữa, tôi vẫn muốn nói một câu: “Tôi yêu gia đình tôi”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-van-gia-dinh-toi-post664234.html