Tản văn mới của Nguyễn Ngọc Tư: Thử giọng
Cạnh mấy con chữ tằn tiện bất cứ ai cũng nhìn được bằng mắt thường, còn có bạt ngàn khoảng trống. Thứ khoảng trống tươi tốt làm nên chồi rễ bất cứ gì người đọc gieo vào, cơi nới đến vô hạn, chứa đựng được hết thảy...
"Ông nội tôi là cha ruột của tôi”, mấy chữ mở đầu này anh dành dụm cho câu chuyện của mình, từ hồi mười bảy tuổi. Thật lòng, anh nghĩ chỉ chừng ấy, vỏn vẹn tám từ ấy, là đủ sức nặng của một truyện ngắn rồi. Những câu chuyện cực ngắn nổi tiếng mà anh từng đọc cũng một nhúm ít ỏi vậy thôi. Nhiều thì được hai câu, kiểu “Người sống sót duy nhất của trái đất đang ăn tối. Đột nhiên có tiếng gõ cửa”, nhưng Hemingway lại mài bén một con dao khoan xoáy vào trái tim người đọc chỉ bằng bảy chữ: “Để bán: giày trẻ con, chưa dùng”, hoặc như một truyện cực ngắn khác của Augusto Monterroso mà dung lượng đếm không hết các đầu ngón tay: “Tỉnh dậy, con khủng long vẫn ở đó”. Không, anh không có ý đặt tác phẩm của mình ngang với mớ nọ, chỉ muốn nói những truyện chớp, truyện khói vẫn luôn tồn tại, thu mình đâu đó, như một con thú săn mồi nhẫn nại, rình chờ chộp lấy người đọc, siết chặt, ám ảnh họ, mở ra cho họ một cõi thẳm hệt như những tác phẩm hàng ngàn, vạn chữ khác.
“Ông nội tôi là cha ruột của tôi”, khéo làm sao, vừa khởi đầu vừa là một câu chốt hạ hoàn hảo. May mắn nếu độc giả thấy từng này đã đủ (anh tin vẫn tồn tại những người đọc lý tưởng kiểu vậy), nhưng nếu không, họ sẽ tự thêm thắt vào, bằng tài thêu dệt, bịa đặt thiên bẩm. Cả những người hời hợt, nông nổi nhất cũng sẽ linh cảm được sự rậm rạp, tối tăm trong câu chuyện mang vẻ ngoài đơn bạc này. Từ hữu hạn, họ sẽ trải truyện ra mênh mông, cả chiều ngang và rộng, thành năm ba ngàn chữ, vài ba trăm trang in hoặc miên viễn, vô cùng. Bởi lẽ, bên trong đôi dấu nháy kép, cạnh mấy con chữ tằn tiện bất cứ ai cũng nhìn được bằng mắt thường, còn có bạt ngàn khoảng trống. Thứ khoảng trống tươi tốt làm nên chồi rễ bất cứ gì người đọc gieo vào, cơi nới đến vô hạn, chứa đựng được hết thảy.

Nhưng những tòa báo đời nào chịu in một truyện cực ngắn kiểu vậy. Họ bảo chỉ nhiêu chữ đây bọn tôi không cách nào trình bày, hoặc nó lọt thỏm thảm hại bên cạnh một minh họa bự chảng, hoặc như anh đòi hãy cho truyện cả một trang, với bao nhiêu chữ ấy, còn lại là khoảng không gì rờn rợn, thì nó quá sức dị thường. “Ai chấp nhận mua tờ báo mà có trang chỉ tám chữ thôi? Trăm phần trăm thiên hạ sẽ nghĩ mình in lỗi”, họ nói. Ở cái thời mọi đồng tử đều no căng hình ảnh, thời của lấp đầy, vơ vào hết thảy, thời mà quãng lặng của buổi hòa nhạc, khoảng nghỉ giữa hai màn kịch, hay một bãi đất bỏ không đều khiến người ta nóng ruột, có bao nhiêu độc giả đọc được khoảng trống, hiểu được trong ấy chập chùng nếp gấp, những ngã rẽ quay ngoắt, sự nhập nhoạng của đạo đức, trên cái nền hiện thực đắng cay… “Ông cứ kiếm về đây cho tôi một người tỉnh tuồng nào chịu bỏ ra nửa ngày chỉ để nhìn một mảng tường trắng, hoặc bầu trời không gợn mây, một mặt sông phẳng lặng, tới lúc đó tụi này sẽ đăng cái truyện với nhuận bút gấp đôi”, một biên tập viên có lần vỗ vai anh thân mật, nửa đùa nửa thật.
Anh thỏa hiệp. Chỉ là bày mọi thứ ra giấy thôi mà, anh tưởng vậy. Hồi ấy anh tưởng vậy. Tin mình đã nuôi nấng chuyện đủ lâu, mọi thứ đã chín kỹ, chín rục trong đầu, đã đủ xương thịt, đủ chi tiết cho một chuyện khó tin trở nên thuyết phục. Ngồi vào bàn viết chỉ là thao tác vật lý để mở ra những nếp gấp, làm rõ hơn những bóng mờ, phơi bày những góc khuất ghê người. Ngôi kể vẫn là “tôi”, dĩ nhiên rồi, đâu ngôi nào quyền lực hơn có thể tức thì gây ảo giác chuyện người, việc thật, làm mờ đi ý thức đây không gian hư cấu, tức thì kéo người đọc sà ngồi ngay bên cạnh, ở khoảng cách có thể nghe được những lời thì thầm. Hóng hớt bí mật kẻ khác, ôi cái thú vui của người đời, muôn thuở.
Bởi câu chuyện được anh nuôi giấu, nung nấu lâu đến nỗi như thể một bí mật nhức nhối, một viên sỏi lớn dần trong niệu quản, một mảnh đạn trong tủy sống, nên khao khát viết ra càng mãnh liệt. Viết là thoát. Nhưng lần nào bắt tay vào, anh cảm giác mình đang bôi chữ ra cho đầy giấy, để đánh đổi khoản nhuận bút con con. Chữ có lấp lánh đến đâu, anh trau chuốt bao nhiêu cũng không sao sánh nổi vẻ đẹp mênh mông, sự vang của khoảng trống. Mình đang tầm thường, cặn bụi hóa, hoặc đổ bê tông rào nhốt, cầm tù câu chuyện, mấy ý nghĩ kiểu ấy làm anh lo rằng anh sẽ hoàn thành tác phẩm trong trạng thái ê chề, như cái lần anh mài đi miết lại cố lấy cho được tấm bằng lái xe. Chỉ là làm cho xong, tuyệt chẳng còn hứng thú. Một tác phẩm được viết với từng ấy bải hoải, hẳn mùi của ngán ngẩm ngấm vào đến dấu chấm, phẩy, trong mỗi khoảng trắng giữa các dòng.
Và hơn một lần, anh đã phải xóa bản văn bị tính từ, thán từ lẻn vào (chúng không bao giờ bỏ qua cơ hội được hiện diện, khi một tác giả buông thả, mệt mỏi), chúng khiến câu chuyện trở nên ủy mị, lâm ly. Nhưng riêng câu chuyện này, tuyệt đối không được kể bằng cái giọng văn lã chã ấy. Càng không nên mang không khí căng thẳng, đe dọa. Nó phải thật khô, lạnh, như cuộc đời vốn dĩ. Trải ra trên trang viết là thứ văn tối giản, gầy còm, chỉ da bọc lấy những nhánh xương. Khi sự thật mở cái miệng tanh lợm nuốt trộng “tôi” vào trong hố thẳm khôn cùng của nó, cậu ta chỉ bình thản nằm đó, trên một ghế lười màu xám. Nằm, như cơ thể, bao gồm cả cái đầu sắp lút mất vào đầm lầy, nhưng cậu vẫn không thôi chơi rubic. Vặn. Xoay. Chỉ vậy thôi. Cậu trộn các màu sắc lại, rồi sắp soạn chúng thành hàng, thành dãy. Những ngón tay cậu ướt mướt mồ hôi, ghì níu lấy khối rubic nhỏ, bấu những đầu ngón đã tê dại vào nó, như thể bằng cách đó cậu sẽ không chìm.
“Tôi” ấy, kẻ kể chuyện đời mình trong tác phẩm của anh, phải bằng chất giọng vô cảm, như kể về người xa xôi nào khác. Vẻ bình thản ấy được luyện tập thành thạo, đến nỗi không có dây thanh quản nào bị lạc đi, không có sự run rẩy nào mà không được kiểm soát, tuyến lệ bị gây mê, khuôn miệng chuẩn xác chẳng chút nào lệch méo, cơ mặt tuyệt đối không có bó nào co giật, như thể những đau đớn, vỡ ra đã hóa thạch, và cậu đã giữ được khoảng cách đủ xa với chính cuộc đời mình. Hệt như anh với chính anh hồi mười bảy tuổi. Kẻ mà dù đẩy xa qua cõi khác, thỉnh thoảng anh vẫn nghe cậu ta e hèm luyện giọng:
“Ông nội tôi là cha ruột của tôi”.
Nguyễn Ngọc Tư - Minh họa: Kim Duẩn
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tan-van-moi-cua-nguyen-ngoc-tu-thu-giong-46904.html