Tan vỡ sau 3 tháng kết hôn vì chuyện 'nhà anh nhà tôi'
Có được ngôi nhà bố mẹ cho khi kết hôn là mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, nếu không tự lập mà cậy 'nhà anh nhà tôi' thì chuyện tan vỡ là điều khó tránh.
Một nhóm các nhà nghiên cứu người Pháp đã tiến hành khảo sát 100 cặp vợ chồng ở thành phố Lyon, vừa làm lễ kỷ niệm “Đám cưới Bạc” trong năm 2012, tức là họ đã chung sống hạnh phúc với nhau được 25 năm, xem khi mới xây dựng gia đình, những cặp này đã bắt đầu như thế nào? Nhận xét đầu tiên được rút ra là 86% các cặp vợ chồng này đều không có sự giúp đỡ của cha mẹ hai bên về mặt tài chính.
Thế mà không ít người khi tìm hiểu vẫn coi khả năng kinh tế của hai bên gia đình như một trong những yếu tố quyết định để có hôn nhân hạnh phúc.
Có người còn nói có vần có điệu: “Nhà mặt phố, bố làm to” hoặc “Đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu”. Thực ra, sự lệ thuộc về kinh tế bao giờ cũng kéo theo những lệ thuộc khác. Điều này không phải chỉ trong thời kinh tế thị trường mà người ta đã nhận ra từ lâu.
Bạn đã phải đi vay ai một món tiền kha khá chưa? Từ hôm ấy, tiếng nói của người ấy đối với bạn có trọng lượng hơn! Bất cứ ai bao bọc cho bạn nhà cửa để ở, xe cộ để đi, cơm ăn áo mặc hàng ngày thì chắc chắn bạn đã lệ thuộc hoàn toàn vào người đó. Mỗi câu nói của người ấy là một mệnh lệnh bất kể bạn có thích hay không.
Tất nhiên, tình hình sẽ không đến nỗi như thế, nếu người đó lại là cha mẹ bạn, bởi vì cha mẹ bao giờ chẳng thương con? Chỉ có điều là cha mẹ thường muốn con sung sướng theo quan niệm của cha mẹ. Vậy nhỡ ra, cái quan niệm đó không trùng hợp với mong muốn của vợ chồng bạn thì sao? Điều này rất dễ xảy ra trong thời đại chúng ta, khi mà nếp nghĩ giữa hai thế hệ có khoảng cách lớn do hoàn cảnh xã hội thay đổi.
Diệu Hoa là con gái út một gia đình giàu có. Khi gả chồng cho con, bố mẹ cô không muốn con gái phải về làm dâu trong một gia đình đông con, nhà gái bỏ tiền mua cho con một căn hộ xinh xắn. Để đáp lại, gia đình nhà trai trang bị các tiện nghi cần thiết trong nhà. Tưởng là hai bên cha mẹ cùng lo để đôi trẻ có một mái ấm hạnh phúc đầy đủ. Không ngờ ngay sau lễ cưới ít lâu, gia đình nhà trai, nhất là hai cô chị, ngồi đâu cũng phàn nàn về việc cưới xin tốn kém mà rước phải nàng dâu đoảng vị, chẳng được tích sự gì.
Nghe những chuyện không hay đó đến tai nhà gái thì cả hai bố mẹ vợ đều nổi giận, bắt con đem trả hết những đồ mà nhà trai mua sắm cho. Thế là từ đó, hai bên thông gia không nhìn mặt nhau nữa, đôi vợ chồng trẻ cũng sinh ra lục đục.
Đến khi anh chồng đánh vợ một cái tát thì bố mẹ vợ đuổi anh ta ra khỏi nhà. Ba tháng sau, họ đưa nhau ra tòa ly hôn.
Những chuyện con cái đã trưởng thành nhưng không có khả năng tự lập, lệ thuộc vào cha mẹ nhưng lại không nghe theo sự điều khiển của cha mẹ, muốn sống theo ý mình, lâm vào cảnh lục đục xảy ra không ít.
Nhiều đôi chưa đến nỗi tan vỡ nhưng đành phải chấp nhận sự can thiệp ngày càng sâu của cha mẹ. Dĩ nhiên, cha mẹ nào cũng muốn con hạnh phúc nhưng vì trong con mắt cha mẹ, dù con đã bao nhiêu tuổi vẫn cứ là “trẻ con” và vẫn cứ “ngu dại” nên bất cứ việc gì từ lớn đến nhỏ, cha mẹ cũng can thiệp vào làm cho có khi mâu thuẫn vợ chồng từ bé xé ra to.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, khi vợ chồng có mâu thuẫn, họ phải tự giải quyết với nhau, chỉ có như thế mới trưởng thành được. Nếu mọi mâu thuẫn đều trông chờ cha mẹ phân xử thì mãi mãi họ vẫn chỉ là hai đứa trẻ.
Vả lại, cha mẹ không thích hợp với vai trò “quan tòa” chút nào, vì trước hết họ không khách quan, họ thường nghĩ con mình đúng, con người khác sai. Và thông thường cách phân xử như vậy chỉ làm đôi vợ chồng trẻ đã lục đục lại càng lục đục thêm.
Các nghiên cứu về đời sống gia đình cũng khẳng định, khi hai người kết hôn với nhau, lý tưởng nhất là có thể sống tự lập mà không có sự tài trợ đáng kể của hai bên gia đình
Nhiều nước phát triển hiện nay, đi kèm với tờ giấy đăng ký kết hôn là một tờ phiếu được thuê nhà giá rẻ hay mua trả góp, nếu họ có nhu cầu. Đó là chưa kể một số nước Bắc Âu như Thụy Điển, thanh niên đến tuổi trưởng thành có thể được cấp một căn hộ, nếu họ muốn sống riêng. Và đa số thanh niên đã sống tách ra khỏi gia đình ngay từ khi họ mới trưởng thành.
Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, vợ chồng trẻ có khả năng mua một căn hộ riêng, hay được cha mẹ mua nhà riêng cho là chuyện hãn hữu. Đa số vẫn phải sống chung với cha mẹ, anh em dù muốn hay không muốn. Những đôi vợ chồng nào tuy sống chung với cha mẹ nhưng vẫn tự lập được về mặt kinh tế, có khi còn hỗ trợ ông bà thì thường khả năng độc lập của họ về mọi phương diện cao hơn và họ dễ có hạnh phúc hơn.
Có thể rút ra một nhận xét tổng quát: “Hoàn cảnh kinh tế ban đầu của các cặp vợ chồng mới cưới rất chênh lệch nhau, điều đó không có gì lạ nhưng họ có xây dựng được hạnh phúc hay không, lại không phụ thuộc vào khả năng kinh tế ban đầu của họ cao hay thấp mà ở chỗ họ sống tự lập hay phụ thuộc vào cha mẹ? Kinh nghiệm cho thấy, càng phụ thuộc nhiều thì hạnh phúc càng mong manh”.