TAND huyện Thạch Thành (Thanh Hóa): Quyết tâm vượt khó, đảm bảo tiến độ giải quyết các loại án
Thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, công chức, TAND huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) đã chủ động vượt khó, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án.
TAND huyện Thạch Thành đóng trên địa bàn một huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa, với diện tích rộng, có nhiều dân tộc sinh sống. Trình độ dân trí có những nơi còn hạn chế, điều kiện về cơ sở vật chất và đời sống của nhân dân những năm gần đây đã được cải thiện, song vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, vấn đề giải quyết án cũng gặp không ít những thách thức.
Những năm qua, số lượng án của TAND huyện Thạch Thành thụ lý liên tục tăng qua các năm, trong khi nhân sự tại đơn vị mới biên chế 8 cán bộ, công chức (trong đó có 4 thẩm phán, 3 thư ký và 1 kế toán). Vì vậy, để đảm bảo tiến độ, chất lượng giải quyết xét xử các loại án cần đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của tập thể và mỗi cá nhân.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số các vụ án đơn vị phải giải quyết, xét xử là 348 vụ, việc các loại; đã giải quyết 230 vụ việc, đạt tỷ lệ 66,09%. Hòa giải thành án dân sự, kinh doanh thương mại, hòa giải thành về con cái, tài sản, án phí trong các vụ án về hôn nhân gia đình là 138 vụ việc, đạt tỷ lệ 72,25%. Áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 7/7 trường hợp, đạt tỷ lệ 100%. Các vụ án đã giải quyết cơ bản đảm bảo chất lượng.
Các bản án, quyết định của TAND huyện Thạch Thành có tính khả thi, tạo thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự. Đơn vị đã ra 71 quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn quy định, xét giảm thời gian thử thách của án treo cho 11 trường hợp. Đơn vị cũng đã công bố trên cổng thông tin điện tử của Tòa án được 215 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; tổ chức được 2 phiên tòa rút kinh nghiệm.
Về việc thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TAND huyện Thạch Thành có 1 hòa giải viên, là người có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác tại ngành Tư pháp, có trình độ chuyên môn, nhiều kinh nghiệm và có kỹ năng trong công tác hòa giải, nhiệt tình trong công việc. Do đó, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã hòa giải thành chuyển Tòa án ra quyết định công nhận được 45 vụ việc các loại, hòa giải đoàn tụ được 6 vụ án ly hôn.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, chưa được đầu tư thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác xét xử trực tuyến, nhưng xác định công tác xét xử trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của Quốc hội và chỉ đạo của Chánh án TANDTC, TAND huyện Thạch Thành đã chủ động khắc phục, tổ chức được 4 phiên tòa trực tuyến.
Để đạt được những kết quả trên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chánh án TAND huyện Thạch Thành chia sẻ: “Mỗi cán bộ, công chức trong đơn vị luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khắc phục khó khăn, phấn đấu nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, đơn vị luôn quán triệt tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, các phong trào thi đua của ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động là những biện pháp để đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của đơn vị”.
Chánh án Nguyễn Thị Cúc chia sẻ thêm, để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, ngay từ đầu năm, thực hiện sự chỉ đạo của TAND tỉnh Thanh Hóa về công tác thi đua, khen thưởng, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào thi đua yêu nước năm 2023, tổ chức ký giao ước thi đua giữa Thủ trưởng đơn vị và Ban chấp hành công đoàn cơ quan; tổ chức cho cán bộ, công chức, người lao động đăng ký thi đua năm. Trong đó, đơn vị đăng ký được TANDTC tặng “Cờ thi đua TAND” năm 2023. Tất cả cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị đều hăng hái đăng ký thi đua.