TAND tối cao giải đáp một số vướng mắc trong xét xử

Qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử, TAND tối cao nhận được phản ánh của các Tòa án về một số vướng mắc khi giải quyết các vụ việc. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, TAND tối cao vừa có Công văn số 163/TANDTC-PC giải đáp một số vướng mắc liên quan đến lĩnh vực hình sự, dân sự, thi hành án hình sự, áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND…

1. Điều 63 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên, trong đó phải có điều kiện “Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”. Trường hợp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong bản án có tuyên cha mẹ bị cáo phải bồi thường cho bị hại. Tuy nhiên, Điều 105 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi không quy định về điều kiện phải bồi thường, nếu cha mẹ của phạm nhân không thực hiện việc bồi thường thì phạm nhân là người dưới 18 tuổi có được giảm mức hình phạt đã tuyên không (các điều kiện khác đều đảm bảo)?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Hình sự năm 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2017) về giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi thì không quy định điều kiện bồi thường là một trong các điều kiện được xét giảm. Do đó, việc cha mẹ của người dưới 18 tuổi không thực hiện việc bồi thường thì họ vẫn được giảm mức hình phạt đã tuyên.

2. Quy định “Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn” tại điểm a khoản 1 Điều 182 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được hiểu như thế nào?

Trả lời: Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 182 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được hiểu là người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ mà dẫn đến hậu quả quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên ly hôn.

Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Theo đó, quan hệ vợ, chồng chỉ kết thúc khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án.

 Quang cảnh phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm một vụ án hình sự. (Ảnh minh họa)

Quang cảnh phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm một vụ án hình sự. (Ảnh minh họa)

3. Đối với các tội phạm thực hiện hành vi vi phạm kéo dài thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ thời điểm nào, ngày tội phạm thực hiện hay ngày hành vi bị phát hiện?

Trả lời: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nêu trên được xác định như sau: Trường hợp hành vi phạm tội kéo dài đã kết thúc thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ thời điểm tội phạm kết thúc; trường hợp hành vi phạm tội kéo dài chưa kết thúc thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ thời điểm hành vi tội phạm bị phát hiện.

4. Một người có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 158 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong thời gian bao lâu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp con ở cùng nhà với cha mẹ (nhà thuộc quyền sở hữu của cha mẹ) mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” theo quy định tại Điều 158 của Bộ luật Hình sự không?

Trả lời: Điều 158 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không quy định xâm phạm chỗ ở của người khác trong thời gian bao lâu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 158 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Trường hợp con ở chung với cha mẹ mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, thì hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ” theo quy định tại Điều 185 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

5. Nguyễn Văn A gửi xe ô tô tại địa điểm do Nguyễn Văn B quản lý, được phép hoạt động, có thu tiền gửi xe. Nguyễn Văn C đã lấy trộm xe ô tô của Nguyễn Văn A. Trường hợp này xác định ai là bị hại?

Trả lời: Trường hợp này, Nguyễn Văn A là bị hại vì xe ô tô thuộc sở hữu của A, Nguyễn Văn B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

6. Trường hợp bị cáo chấp hành xong hình phạt tù của bản án đã tuyên trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hoặc bị cáo đang tại ngoại nhưng trước đó đã bị tạm giữ, tạm giam mà thời hạn tạm giữ, tạm giam bằng thời hạn phạt tù của bản án đã tuyên thì Tòa án có ra quyết định thi hành án phạt tù không?

Trả lời: Trường hợp trên, Tòa án không ra quyết định thi hành án phạt tù. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án gửi bản án cho cơ quan thi hành án hình sự theo quy định.

7. Trường hợp người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đang bị đưa vào cơ sở cai nghiện để cắt cơn, giải độc chờ lập hồ sơ. Khi Tòa án mở phiên họp thì cơ quan nào có thẩm quyền dẫn giải đối tượng này đến phiên họp và thủ tục thực hiện như thế nào?

Trả lời: Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) không quy định biện pháp dẫn giải. Đây là biện pháp hạn chế quyền con người, không được quy định bởi luật thì không được áp dụng. Do đó, trường hợp này không được áp dụng biện pháp dẫn giải.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/tand-toi-cao-giai-dap-mot-so-vuong-mac-trong-xet-xu-165907.html