Tăng binh: Lực lượng nhà sư khuấy đảo Nhật Bản

Tăng binh xuất hiện vào Thời kỳ Heian (794 – 1185), khi Phật giáo chia rẽ thành nhiều trường phái như Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Tiểu thừa…

Lãnh chúa Oda Nobunaga, người mở đầu cho sự kết thúc của Thời đại Tăng binh kéo dài 7 thế kỷ và bộ giáp của ông. Ảnh: Ancient-origins.net

Lãnh chúa Oda Nobunaga, người mở đầu cho sự kết thúc của Thời đại Tăng binh kéo dài 7 thế kỷ và bộ giáp của ông. Ảnh: Ancient-origins.net

Nhật Bản không phải cái nôi của đạo Phật như Ấn Độ, cũng không phải khởi nguồn của công phu Thiếu Lâm như Trung Quốc, nhưng lại từng là vùng đất của những nhà sư cường bạo nhất: Tăng binh (Sohei). Ở một số thời điểm, thế lực tăng binh này còn hùng hậu đến nỗi điều khiển và khống chế được cục diện chính trị.

Võ văn toàn diện

Tăng binh xuất hiện vào Thời kỳ Heian (794 – 1185), khi Phật giáo chia rẽ thành nhiều trường phái như Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Tiểu thừa… và có phái được giới hoàng gia ủng hộ, có phái lại không. Mâu thuẫn giáo lý, chính trị khiến các chùa rơi vào thù địch lẫn nhau, cuối cùng hình thành 4 thế lực mang tên 4 chùa lớn: Tōdai-ji, Kōfuku-ji, Enryaku-ji và Mii-dera.

Ban đầu, giữa các chùa chỉ “chiến tranh lạnh”. Triều đình Nhật Bản quản lý hệ thống tăng thống, phong tăng vị và chỉ định nơi trụ trì cho các tăng quan. Đôi khi, tăng quan xuất thân từ chùa này bị giao chức trách trụ trì chùa khác vốn đối địch. Năm 949, 56 nhà sư từ chùa Tōdai-ji đã vây quanh dinh thự của một nhà quan ở Kyoto, biểu tình thể hiện sự bất mãn.

Suốt thế kỷ thứ X, các cuộc biểu tình của nhà sư liên tiếp nổ ra và nó luôn diễn tiến tới ẩu đả, khiến một số người bị thương hoặc bị giết. Các nhà sư buộc phải tự vũ trang. Họ cũng bắt đầu nhận con em của phật tử và trẻ mồ côi, dạy dỗ võ thuật với mục đích huấn luyện thành tăng binh bảo vệ chùa.

Vũ khí thường thấy nhất ở tăng binh là kích (naginata), kiếm (kenjutsu) và cung tên (kyūdō). Ngoài thành thạo các vũ khí gây đổ máu, họ còn nghiên cứu và rèn luyện quyền trượng (gậy dài), tay không đối kháng để có thể kiềm chế địch nhân theo cách nhân đạo nhất.

Bên cạnh luyện võ, tăng binh còn chú trọng luyện văn như học chữ viết, đọc sách kinh, nghiên cứu điển tích, điển cố Phật giáo và các kiến thức thế tục. Họ hiểu biết từ thi ca, nhạc, họa đến nghi lễ dân gian, nghi thức cung đình đến thiên văn, toán học, y học…

 Tăng binh Nhật Bản khét tiếng giỏi võ thuật và thông thạo đa binh khí. Ảnh: Pinterest.com

Tăng binh Nhật Bản khét tiếng giỏi võ thuật và thông thạo đa binh khí. Ảnh: Pinterest.com

Sùng thiện và cường bạo

Tăng binh là sự kết hợp của 2 vai trò, nhà sư và chiến binh. Họ am tường triết lý Phật giáo, yêu thích hành thiện tích đức và là những cao thủ võ thuật hàng đầu. Nhân danh đức tin, họ không nương tay với kẻ thù.

Trên bất cứ chiến trường nào, tăng binh cũng là lực lượng cường bạo nhất. Năm 1141, sau hơn 1 thế kỷ mâu thuẫn, xung đột vũ trang giữa chùa Enryaku-ji và chùa Mii-dera đã nổ ra. Các tăng binh của chùa Enryaku-ji không chỉ đánh bại các tăng binh của chùa Mii-dera, mà còn châm lửa, thiêu trụi ngôi chùa của kẻ địch.

Thập niên 1180, Nhật Bản rơi vào Nội chiến Genpei (1180 – 1185). Hai gia tộc Taira và Minamoto đua nhau tuyển mộ tăng binh, mở rộng sức mạnh quân sự để tiêu diệt lẫn nhau. Các sư trụ trì phải chọn về phe 1 trong 2 nhà, đẩy sự đối địch giữa các chùa vào trạng thái gay gắt nhất.

Giữa bạo loạn, một số tăng binh làm nên danh tiếng, nổi bật nhất là nhà sư Saito Musashibo Benkei (1155 - 1189). Ông phục vụ dưới trướng Tướng Minamoto no Yoshitsune (1159 – 1189), khét tiếng dũng cảm, thiện chiến và trung thành. Ngoài bảo vệ Yoshitsune trên chiến trường, Benkei còn phụ trách dạy dỗ các con cháu của Yoshitsune, biến họ thành những tinh anh được người đời công nhận và ca tụng.

Công trạng của tăng binh làm rạng danh chùa, nhưng cũng mang tới hiểm họa. Kẻ thù của họ trả đũa bằng cách đốt chùa, giết tăng, ni, phật tử. Để tránh sự cố đáng tiếc, nhiều tăng binh chọn con đường làm lính đánh thuê.

Các nhóm tăng binh kiêm lính đánh thuê cũng hợp tác với nhau, hình thành lực lượng đánh thuê chuyên nghiệp. Họ nêu cao tinh thần lấy cường bạo đối cường bạo, luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu.

Đỉnh cao và suy tàn

 Tăng binh tinh thông cả võ thuật lẫn… văn chương, một số người còn là thi sĩ. Ảnh: Japan-experience.com

Tăng binh tinh thông cả võ thuật lẫn… văn chương, một số người còn là thi sĩ. Ảnh: Japan-experience.com

Kết thúc Nội chiến Genpei, Nhật Bản bước vào thời bình. Các tăng binh cũng buông bỏ vũ khí, dành trọn tâm huyết vào sửa sang, dựng lại chùa chiền. Từ nửa cuối thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XVI, thế giới tăng binh khá yên bình song, ẩn dưới bề mặt phẳng lặng này lại là sóng ngầm dữ dội.

Tại các khu vực nông thôn yên ả, Phật giáo Chân tông với giáo lý “hết lòng vì tín niệm” xuất hiện, thu hút nông dân. Các nhà sư trụ trì chùa Phật giáo Chân tông tự gọi bản thân là Nhà sư Nổi loạn (Ikkō-ikki), âm thầm xây dựng lực lượng và sẵn sàng kích động bạo loạn.

Thời kỳ Sengoku (1467 – 1615), Nhật Bản rơi vào loạn nội chiến trầm trọng hơn cả những năm Genpei, các tăng binh thuộc thế lực Nhà sư Nổi loạn có nhiều đất dụng võ. Năm 1488, Ikkō-ikki Rennyo (1415 – 1499), trụ trì chùa Hongan-ji, Echizen kích động cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của tầng lớp samurai và chiếm được thành Kaga. Thừa thắng, ông chiếm thêm các vùng Nagashima, Ishiyama Hongan-ji và Mikawa.

Trước sự bành trướng của thế lực Nhà sư Nổi loạn mới nổi, 2 lãnh chúa hùng mạnh nhất đương thời là Oda Nobunaga (1534 - 1582) và Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616) không thể làm ngơ. Năm 1564, Ieyasu dẫn quân mở Trận Azukizaka, tấn công lực lượng tăng binh của Nhà sư Nổi loạn ở Mikawa. Không ngờ, ông không chỉ bại trận mà còn mất khá nhiều samurai vào tay kẻ địch (bị tăng binh cảm hóa).

Quá tức giận, Ieyasu triệu tập các tăng binh của thế lực Phật giáo Tịnh độ, tàn sát tăng binh và phật tử đối thủ. Thế lực Nhà sư Nổi loạn bị mất nhiều tăng binh, tạm thời dừng đối chọi.

Cuối thập niên 1560, Lãnh chúa Oda Nobunaga, dưới sự ủng hộ của tăng binh thuộc Phật giáo Đại thừa dẹp sạch chiến loạn, thống nhất Nhất Bản. Chớp cơ hội, tăng binh Phật giáo Đại thừa xóa sổ các phe phái tăng binh chống đối cũ và mới, trở thành thế lực tôn giáo mạnh nhất.

Đang dưới trướng Nobunaga và trên đỉnh cao danh vọng, thế lực tăng binh Phật giáo Đại thừa đột ngột quay đầu, kết liên minh với 2 gia tộc lớn, Azai và Asakura – kẻ thù không đội trời chung của Nobunaga, làm ông nổi giận lôi đình. Ngày 29/9/1571, Nobunaga dẫn 30 nghìn binh, bao vây thành trì của tăng binh Phật giáo Đại thừa trên núi Hiei, tàn sát hàng nghìn người, không tha cả phụ nữ và trẻ em.

Diệt xong tăng binh Phật giáo Đại thừa, Nobunaga vây quét tăng binh Nhà sư Nổi loạn. Mùa Hè năm 1574, ông liên minh với Hải tặc Kuki Yoshitaka, vây hãm chặt thành trì của Nhà sư Nổi loạn ở Nagashima, khiến khoảng 20 nghìn người chết đói và gần chết đói, sau đó đốt sạch toàn bộ khu vực, thiêu trụi cả nhà cửa lẫn kẻ sống sót thành than.

Thập niên 1580 - 1590, tàn binh tăng binh các giáo phái khác nhau liên minh với Ieyasu và Lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi (1537 - 1598), chống lại Nobunaga. Năm 1603, Ieyasu thành công lật đổ Nobunaga, chiếm quyền kiểm soát đất nước. Tuy nhiên, thế lực tăng binh đã không hồi phục mà tàn lụi triệt để. Ngày nay, họ chỉ còn trong những trang truyện tranh.

Thi San (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tang-binh-luc-luong-nha-su-khuay-dao-nhat-ban-post697608.html