Tăng bội chi để thực hiện một số dự án đầu tư công có tác động lớn
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 2/11, Quốc hội đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024...
Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với những nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm định, thẩm tra về nội dung này. Các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giúp cho hoạt động đầu tư công đạt được kết quả, góp phần hoàn thành mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị, các địa phương, các chủ đầu tư phải rà soát, đánh giá kỹ những dự án có khả năng giải ngân để tập trung bố trí vốn, tránh dàn trải dẫn đến nhiều dự án dở dang phải làm thủ tục gia hạn và gây lãng phí. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, cần quan tâm đến việc di dời hạ tầng kỹ thuật. Theo đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, việc này phải được chuẩn bị kỹ trong kế hoạch, lựa chọn tư vấn từ sớm, song song với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ nhận định, thời gian qua công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được nhiều địa phương tập trung quan tâm hơn, xác định đây là khâu rất quan trọng để dự án triển khai thực hiện được. Đại biểu kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thị trường thực tế cũng như có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
“Nhận thức việc bố trí tái định cơ là bố trí cuộc sống mới cho người dân nên cần phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng căn hộ và đảm bảo đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hướng đến làm sao người dân mong muốn Nhà nước thực hiện dự án tại nơi mình đang sống để có cuộc sống mới tốt hơn”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Cùng mối quan tâm với đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) đề nghị tăng bội chi để thực hiện một số dự án đầu tư công có tác động lớn tới đầu tư chung của nền kinh tế, cụ thể là sớm đầu tư hai tuyến đường sắt Lào Cai - cảng Hải Phòng và Đồng Nai - cảng Cái Mép - Thị Vải.
Đại biểu lý giải, hai cảng này xuất nhập hàng trăm triệu tấn hàng hóa hàng năm, trong khi đó hai tuyến này cũng đã có kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030, vì vậy đề nghị đẩy việc đầu tư lên sớm hơn là có cơ sở. Đại biểu Đinh Ngọc Minh khẳng định, đây là hai tuyến đường sắt có ý nghĩa rất lớn cho nền kinh tế, sẽ góp phần tạo hạ tầng lớn quốc gia khi đất nước đang tăng trưởng chậm, đồng thời giúp giảm được chi phí logistic cho doanh nghiệp.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Đinh Ngọc Minh còn đề xuất thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong khi chờ sửa nghị định mới. Theo đó, Chính phủ dành khoảng 5.000 tỷ hỗ trợ hạ tầng sản xuất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, để khi nền kinh tế phục hồi thì doanh nghiệp có đà để tập trung vào sản xuất, xuất khẩu được ngay.
Đặc biệt, để giảm đầu tư của Nhà nước, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu điện như mùa hè năm 2022 ở miền Bắc, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho khu vực miền Bắc áp dụng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, để tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời.
“EVN mua điện này đúng giá mà người dân đang mua của EVN, EVN không cần phải bù lỗ, để đảm bảo cho điện sản xuất trong những năm tới. Đồng thời phải sớm đổi mới được EVN, không biến độc quyền nhà nước về điện thành độc quyền của doanh nghiệp”, đại biểu Đinh Ngọc Minh nhấn mạnh.
Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) thống nhất với các báo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội.
Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đại biểu cho rằng, nếu giải ngân tốt sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu đề ra.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, việc đầu tư cho các đường cao tốc như: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và một số dự án khác có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, nếu các khoản chi không hết trong năm thì địa phương phải trả về ngân sách hoặc Nhà nước phải thu hồi.
Tình hình thực tiễn hiện nay cho thấy, việc triển khai các dự án đường cao tốc đang tiến hành khá thuận lợi, khả năng cao đảm bảo về tiến độ các tuyến đường. Tuy nhiên, nếu thu hồi lại thì các dự án này sẽ gặp khó khăn trong nguồn vốn, lại phải làm lại các thủ tục để lấy một nguồn vốn khác phục vụ cho việc đầu tư. Mặt khác, việc xây dựng các tuyến đường cao tốc cũng không thể nào ngưng được. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài nguồn tăng thu tiết kiệm chi khoảng 13.000 tỷ đồng cho các đường cao tốc này để tiếp tục thực hiện.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến vào một số vấn đề như: Cân đối hài hòa nguồn thu cho chính quyền địa phương, tăng cường quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa, đề xuất giải pháp đột phá phát huy vai trò của kinh tế nhà nước...