Tăng cơ hội học đại học, sau đại học cho con em đồng bào Tây Nguyên là chính sách mang tầm quốc gia
'Tây Nguyên có hơn 6 triệu dân, hơn 30% là đồng bào thiểu số, tỷ lệ người học ĐH chỉ xấp xỉ 2%. Nên việc thu hút con em đồng bào học đại học hoặc cao hơn là chính sách quốc gia' - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có chuyến thăm và làm việc với các trường ĐH tại Tây Nguyên. Tại buổi làm việc ĐH Đông Á - Phân hiệu tại Đắk Lắk, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao khi nhà trường sẵn sàng mở phân hiệu, đầu tư ở khu vực Tây Nguyên – một trong những khu vực mà nhu cầu giáo dục đại học rất lớn.
“Khu vực Tây Nguyên rộng lớn trên 6 triệu dân, nhưng tỷ lệ người học đại học mới xấp xỉ 2%, con số này còn rất thấp. Đặc biệt, trên 30% dân số khu vực Tây Nguyên là đồng bào các dân tộc thiểu số, nên việc gia tăng số người học đại học, thu hút con em đồng bào dân tộc học trình độ đại học hoặc cao hơn là một chính sách mang tầm quốc gia”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, dù là trường công hay trường tư khi tham gia phát triển giáo dục đại học ở khu vực này đều rất được Bộ khuyến khích, mong các cơ sở giáo dục gặt hái được những thành công, đồng thời mong muốn ĐH Đông Á lưu ý đến những chính sách để thu hút con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
“Bộ GD&ĐT mong muốn ĐH Đông Á lưu ý đến những chính sách để thu hút con em đồng bào các dân tộc thiểu số, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho các em, định hình rõ hơn các cơ chế tạo điều kiện cho các em được đến học tập tại trường”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Báo cáo tại buổi làm việc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng ĐH Đông Á - cho biết, từ tháng 11/2022, Bộ GD&ĐT đã cho phép ĐH Đông Á thành lập phân hiệu tại Đắk Lắk. Từ năm 2023, phân hiệu của trường tại Đắk Lắk sẽ tuyển sinh và đào tạo ở các khối ngành mà Tây Nguyên cần.
Cụ thể, khối ngành sức khỏe và khoa học cuộc sống (trong đó có ngành dược, điều dưỡng, nông nghiệp, thực phẩm); khối ngành sư phạm (có ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học); khối ngành kinh tế (gồm: du lịch, dịch vụ);khối ngành kỹ thuật - công nghệ (gồm: CNTT, kỹ thuật ô tô; kỹ thuật xây dựng, trí tuệ nhân tạo); khối ngành ngôn ngữ (với các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc).
Về khối Ngoại ngữ, trường đào tạo và kết nối với các tổ chức khảo thí quốc tế cấp các chỉ ngoại ngữ quốc tế thuộc: tiếng Anh; tiếng Hàn - Topik; tiếng Trung - HSK; tiếng Nhật – TopJ, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí vừa có thêm cơ hội hội nhập, cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên ở Tây Nguyên.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, trong 10 năm đến, ĐH Đông Á tại Tây Nguyên sẽ mở thêm các ngành đào tạo đáp ứng chiến lược phát triển Tây Nguyên như: các ngành thuộc về dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao; giống cây trồng và vật nuôi, các ngành thuộc về du lịch, giải trí, văn hóa, các khối ngành luật quốc tế, trọng tài quốc tế, sở hữu trí tuệ; các ngành thuộc trí tuệ nhân tạo, các ngành thuộc giáo dục, sư phạm…
“Dự kiến trường sẽ đào tạo 20.000 sinh viên (bình quân 2.000 sinh viên/năm). Trong đó, đào tạo khoảng 2.000 giáo viên các bậc mầm non, tiểu học, trung học phổ thông có năng lực ngoại ngữ; 18.000 sinh viên ở các khối ngành, trong đó có 5.000 sinh viên khối ngành kinh tế và du lịch, và đặc biệt có khoảng hơn 5.000 sinh viên học và làm việc ở các nước phát triển như Nhật, Đài Loan, Đức, Úc”- Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào nói.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, ĐH Đông Á cũng sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học mạnh mẽ, hợp tác với các trường đại học, các nhà khoa học trong và ngoài nước tạo thành cộng đồng các nhà khoa học ở các lĩnh vực mà Tây Nguyên đang cần.
Trong giai đoạn 10 năm đầu này, nhà trường dự định sẽ đầu tư khoảng hơn 500 tỉ đồng cho cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thiết bị nghiên cứu để phát triển các khoa thành các khối ngành và rất cần sự hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT cũng như chính quyền địa phương để ĐH Đông Á thuê đất nông nghiệp để làm trang trại, tổ chức thực nghiệm, nghiên cứu, lai tạo giống, phát triển dược liệu, chế biến thực phẩm.
“Nhà trường cũng đề xuất với Chính phủ hỗ trợ chính sách cho các trường ĐH ở khu vực Tây Nguyên được vay vốn với lãi suất 0% để hoàn thiện công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, nhất là đào tạo khoảng 2.000 giáo sinh có năng lực ngoại ngữ và hội nhập với phương pháp dạy học tiếp cận với các nước phát triển cho Tây Nguyên trong vòng 10 năm tới” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào bày tỏ.