Tăng cường bảo hộ thương hiệu sản phẩm OCOP

Sau 5 năm triển khai, Chương trình

Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) ngày càng khẳng định được thương hiệu, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng phát triển sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình OCOP cũng đang tồn tại một số hạn chế cần sớm khắc phục như còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, mã số mã vạch cho sản phẩm. Mặc dù đã được hướng dẫn đăng ký bảo hộ sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa nhưng nhiều sản phẩm OCOP chưa tiếp tục hiệu chuẩn hoàn thiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Sản phẩm OCOP “Bánh nhãn Hải Hậu” đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Trong giai đoạn 2016-2020, Nam Định là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện Chương trình OCOP. Trong chỉ đạo thực hiện, UBND tỉnh định hướng các ngành, các địa phương cần nhận thức mục tiêu trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (39 sản phẩm 4 sao và 212 sản phẩm 3 sao), trong đó có 4 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao là Nghêu thịt đóng hộp Lenger và gạo sạch Toản Xuân). Số lượng chủ thể sản phẩm OCOP là 143 cơ sở sản xuất thuộc 9 huyện và thành phố Nam Định. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nguồn kinh phí mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2019 có 19 chủ thể có sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng cho vấn đề về bao bì, nhãn mác; quản lý chất lượng sản phẩm; xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong nước; chi phí thiết lập mã QRcode; xúc tiến thương mại; thưởng sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao. Năm 2020, tổng kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất là trên 4,1 tỷ đồng với các nội dung hỗ trợ: tạo mã QRcode cho các cơ sở sản xuất; thiết kế và in nhãn mác, bao bì sản phẩm; xây dựng câu chuyện sản phẩm; xác lập quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng website bán hàng trực tuyến; truyền thông trực tuyến sản phẩm OCOP; hỗ trợ sản phẩm du lịch nông thôn; điểm bán hàng OCOP tại các huyện, thành phố… Năm 2021, tỉnh tiếp tục hỗ trợ tạo lập thương hiệu, quản lý, duy trì và phát triển cho nhiều đặc sản địa phương (trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP). Qua đó nâng cao vị thế của các sản phẩm đặc sản trên thị trường, góp phần đem lại lợi ích kinh tế, điển hình là nhãn hiệu tập thể Hiệp hội nông sản sạch Nam Định.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN), theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ áp dụng, triển khai các mô hình nghiên cứu khoa học, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên nội dung hỗ trợ xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP nói riêng còn rất ít. Theo đánh giá chung của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, đa phần các sản phẩm OCOP của tỉnh ta có đặc điểm chung là sản xuất đại trà, quy mô hộ cá thể, thị trường hẹp, hệ thống đóng gói, bao bì, nhãn mác chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, các sản phẩm này vẫn cần được nâng cao hơn nữa về chất lượng, quản lý sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, ứng dụng KH và CN vào khâu chế biến, cải thiện bao bì, tổ chức các mô hình liên kết sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây là một trong những trở ngại lớn cho các doanh nghiệp, cơ sở khi tham gia vào các hệ thống phân phối hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường về chất lượng và hình thức hạn chế khả năng mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm; giá trị sản phẩm chưa được nâng cao và quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế của người sản xuất chưa được đảm bảo. Để tăng cường bảo hộ thương hiệu sản phẩm OCOP, tỉnh chỉ đạo các ngành hữu quan tiếp tục tiến hành xác định danh mục sản phẩm OCOP làm căn cứ đề xuất đăng ký bổ sung với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các đơn vị sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh thực hiện việc đăng ký bảo hộ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy theo đúng quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, Sở KH và CN đang thực hiện dự án KHCN “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của tỉnh Nam Định” với mục tiêu hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP của các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; xây dựng phương án phát triển thương mại và hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm được công nhận OCOP của tỉnh; xây dựng cuốn đăng bạ cho các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh (đạt 4 sao trở lên). Triển khai dự án, hiện nay Sở KH và CN đang tiến hành khảo sát xác định sản phẩm, chủ thể OCOP phục vụ hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại nhằm mục tiêu đánh giá tổng thể về thực trạng sản xuất, chế biến và thương mại của các chủ thể, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên; đánh giá hiện trạng sử dụng nhãn hiệu, hệ thống nhận diện và các yếu tố liên quan đến bao bì, nhãn mác ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng tiêu thụ của các sản phẩm OCOP này. Từ đó lựa chọn trong các sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên để hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP.

Sở hữu trí tuệ là một trong những công cụ để bảo vệ cho các hoạt động sản xuất, chế biến và thương mại, tổ chức quảng bá và phát triển thương mại sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý. Việc khai thác các thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) giúp các sản phẩm OCOP Nam Định phát huy được các giá trị, đặc biệt về chất lượng, văn hóa và tổ chức cộng đồng. Đồng thời, góp phần thúc đẩy việc bảo hộ các sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với những thương hiệu mạnh của địa phương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202206/tang-cuong-bao-ho-thuong-hieu-san-pham-ocop-2551484/