Tăng cường bảo vệ lưới điện cao áp vào mùa khô
Vào mùa khô, tình trạng người dân thả diều, đốt nương rẫy gần khu vực hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) thường gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn điện. Trước tình hình trên, ngành chức năng đang tăng cường nhiều giải pháp nhằm vận hành an toàn lưới điện cao áp, phòng ngừa sự cố đáng tiếc xảy ra.
Lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở người dân không thả diều, vật bay gần hành lang an toàn lưới điện cao áp
Ghi nhận của P.V, những ngày vừa qua thời tiết nắng nóng, có gió lớn nên chiều tối thường có nhiều người dân tập trung tới công viên, khu đất trống để vui chơi và thả diều. Cụ thể tại bãi đất trống trên đường D4, trong khu dân cư Việt Sing (khu phố 4, phường An Phú, TP.Thuận An), có nhiều phụ huynh dẫn con em đến đây để hóng mát, thả diều gần HLATLĐCA 220kV. Tương tự, công viên gần ngã tư cầu Ông Bố (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An) cũng trở thành điểm thả diều của nhiều người vào những buổi chiều mát. Tuy nhiên, điểm thả diều này lại gần khu vực lưới điện cao thế, làm tăng nguy cơ gây mất an toàn điện. Nếu diều đang bay rồi rơi xuống, vướng vào đường dây điện đang vận hành thì có nguy cơ dẫn đến sự cố lưới điện, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân.
Cùng với hoạt động thả diều đe dọa an toàn lưới điện cao áp, tình trạng người dân phát quang, đốt cỏ dẫn đến cháy lan vào HLATLĐCA thường diễn biến khó lường vào mùa khô. Trước tình trạng trên, ngành điện lực đã và đang tăng cường nhiều giải pháp bảo đảm an toàn lưới điện cao áp, phòng ngừa sự cố đáng tiếc xảy ra.
Ông Nguyễn Vỹ, Phó Giám đốc Truyền tải điện Miền Đông 2, Công ty Truyền tải điện 4, cho biết thời gian qua đơn vị đã chủ động triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn HLATLĐCA 220kV, 500kV vào mùa khô trước nguy cơ thả diều, đốt nương rẫy. Từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã ký kết 8 phương án phối hợp bảo vệ lưới điện cao áp với công an các địa phương có đường dây điện đi qua; đồng thời ký kết 34 biên bản phối hợp và 32 hợp đồng bảo vệ HLATLĐCA với UBND các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng, triển khai 18 phương án chống cháy HLATLĐCA; tổ chức phát quang tại khu vực có cây, cỏ khô để ngăn ngừa sự cố do cháy trong và gần HLATLĐCA, nhằm bảo đảm vận hành an toàn lưới điện vào mùa khô.
Song song đó, đơn vị còn phối hợp với Đài Truyền thanh các huyện, thị, thành phố tuyên truyền trên loa đài các quy định về an toàn điện; nhắc nhở người dân ở những nơi đông dân cư, khu nhà trọ không dựng giàn giáo, vật dụng có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện. Đơn vị còn phát hơn 2.100 tờ rơi, 1.500 tập vở cho các em học sinh, lắp 7 panô, 36 biển báo… có nội dung tuyên truyền về an toàn điện. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương cho các cá nhân, tổ chức hiện đang sinh sống, hoạt động gần HLATLĐCA ký 187 bản cam kết về ngăn ngừa nguy cơ sự cố lưới điện, không vi phạm quy định về bảo vệ HLATLĐCA.
“Trong những ngày gần đây, đơn vị quản lý vận hành lưới điện thường xuyên phát loa tuyên truyền, khuyến cáo người dân không thả diều, vật bay gần khu vực HLATLĐCA; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương xử lý những trường hợp cố tình vi phạm để bảo đảm cung ứng điện an toàn, liên tục và ổn định trong giai đoạn cao điểm nắng nóng. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh phải nhắc nhở, nghiêm cấm và tham gia giám sát con em không thả diều gần đường dây điện, mà chọn thả diều ở những nơi có khoảng không gian rộng, không có đường dây, trạm điện ở gần để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và con em mình. Trong trường hợp diều vướng vào dây điện, người dân không được tự ý trèo lên cột điện, dùng cây gỡ diều mà phải báo ngay cho đơn vị chức năng xử lý tránh nguy cơ sự cố do vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện”, ông Vỹ khuyến cáo.
Việc thả diều, vật bay, đốt nương rẫy gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện là hành vi bị cấm, được quy định tại Điều 4 Nghị định 14/2014/NĐ- CP, ngày 26-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực. Nếu thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện thì sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng (theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022 ngày 31-1-2022 quy định về xử phạt vi phạm quy định về an toàn điện).
Các trường hợp gây ra sự cố nghiêm trọng như hỏa hoạn, tai nạn do điện giật, sự cố mất điện trên diện rộng… sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.