Tăng cường bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh và thu hút đầu tư tại Sóc Trăng

Với chủ trương 'Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường', thời gian qua, cùng sự tham gia vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững. Công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhất là việc lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường trong công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như thu hút các dự án đầu tư đã được Sóc Trăng hết sức quan tâm.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng, trong việc lồng ghép chính sách bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nội dung định hướng phương án bảo vệ môi trường, tài nguyên và ứng phó biến đổi khí hậu do các ngành chức năng đề xuất (ngành Tài nguyên và Môi trường, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã được tích hợp đưa vào Quy hoạch tỉnh. Quá trình xây dựng dự thảo Quy hoạch tỉnh đã được lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và thông qua Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì). Kết quả, Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 25/8/2023 bao gồm 4 phương án chính về bảo vệ môi trường.

Sóc Trăng tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tỉnh và thu hút các dự án đầu tư. Ảnh: QUANG BÌNH

Sóc Trăng tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tỉnh và thu hút các dự án đầu tư. Ảnh: QUANG BÌNH

Theo đó, thứ nhất, phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được định hướng với 3 nội dung chủ yếu như sau: Phân vùng với 3 loại gồm vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và các vùng khác, trong đó, vùng bảo vệ nghiêm ngặt gồm khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm: nội thành, nội thị của các đô thị đặc biệt, loại I, loại II, loại III trên địa bàn tỉnh; khu vực có nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước; khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Cù Lao Dung; khu bảo tồn loài - sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú.

Vùng hạn chế phát thải, gồm: hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước; khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường khác cần được bảo vệ; vùng đệm của khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Cù Lao Dung và bãi bồi ven biển huyện Trần Đề; vùng đệm của khu bảo tồn loài - sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước; các xã ven biển có vùng đất ngập nước, ngập mặn; toàn bộ khu dân cư tập trung của các đô thị loại IV, loại V.

Vùng khác là các vùng còn lại trên địa bàn quản lý của tỉnh. Từng bước di dời các nghĩa trang ra khỏi khu vực đô thị, ngừng chôn lấp các nghĩa trang tại khu vực nông thôn không đạt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến các chương trình, kế hoạch phát triển của các địa phương. Tiếp tục thực hiện dự án xây dựng nghĩa trang tập trung đã được quy hoạch. Bảo tồn các loài - sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước, khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Cù Lao Dung. Bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng đất ngập nước tự nhiên, vùng đất chưa sử dụng không thuộc hệ sinh thái rừng. Xây dựng và phát triển một số cơ sở bảo tồn nhằm bảo vệ và phát triển các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm.

Thứ hai, phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên được định hướng với 3 nội dung chủ yếu như sau: Nghiên cứu tiến hành điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, không làm ảnh hưởng tới cảnh quan trong các dự án khai thác, chế biến khoáng sản. Thực hiện đúng các quy định pháp luật đối với khu vực cấm khai thác và khu vực tạm thời cấm khai thác khoáng sản. Khoanh định quy hoạch thăm dò, khai thác 16 khu mỏ khoáng sản, gồm: 7 khu cát sông, 9 vùng triển vọng khoáng sản khu vực biển ven bờ.

Thứ ba, phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra được định hướng với 3 nội dung chủ yếu như sau: Thực hiện phân bổ tài nguyên nước theo thứ tự ưu tiên: nước cho sinh hoạt; nước cho sản xuất công nghiệp; nước cho hoạt động nông nghiệp và nước cho kinh doanh du lịch, dịch vụ. Hạn chế khai thác nước dưới đất và phòng ngừa, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất; xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt các khu vực có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước; xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định. Xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, các công trình phòng, chống hạn, mặn, thực hiện các biện pháp trữ nước trong mùa khô. Xây dựng các tuyến đê bao, kè chống sạt lở ven sông, ven biển, các công trình trạm bơm chống ngập úng. Tăng cường trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển.

Thứ tư, phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu được định hướng với các nội dung chủ yếu như sau: Chủ động ứng phó có hiệu quả với các tác động bất lợi của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Chủ động phòng tránh thích nghi với triều cường, ngập úng, bảo vệ dân cư ở các lưu vực sông, bảo đảm sản xuất. Xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có phân vùng rủi ro đối với từng loại thiên tai trên địa bàn; xác định các khu vực ưu tiên phòng, chống đối với từng loại thiên tai. Có phương án phòng, chống triều cường của các tuyến sông, bờ biển, phương án đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống đê và kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai hiệu quả. Kết hợp đồng bộ với các công trình, dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Về lồng ghép chính sách bảo vệ môi trường trong thu hút các dự án đầu tư thì tỉnh sẽ thực hiện thu hút đầu tư với các định hướng chính như: ưu tiên thu hút các dự án xử lý chất thải có công nghệ hiện đại, tận dụng tài nguyên, năng lượng từ chất thải. Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thực hiện quy trình thủ tục thẩm định chủ trương đầu tư, thủ tục môi trường, đảm bảo kịp thời sàng lọc, loại bỏ các dự án có công nghệ lạc hậu, phát sinh nhiều chất thải, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách về môi trường theo quy định. Khuyến khích các nhà đầu tư đề xuất, nghiên cứu, triển khai các sáng kiến về xử lý chất thải; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải hiệu quả, bền vững.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, việc thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt một số kết quả khả quan. Đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (Khu Công nghiệp An Nghiệp, Khu Công nghiệp Trần Đề...) thì các dự án đầu tư trong khu công nghiệp đều áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp đạt cột B trở lên; vận hành, quản lý hệ thống theo hình thức đối tác công tư PPP. Các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đều thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép về môi trường trước khi triển khai thực hiện, vận hành dự án.

PHƯƠNG ANH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-tiem-nang-va-phat-trien/202412/tang-cuong-bao-ve-moi-truong-trong-quy-hoach-tinh-va-thu-hut-dau-tu-tai-soc-trang-5215449/