Tăng cường bảo vệ rừng đặc dụng Xuân Nha
Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp tham gia tuần tra bảo vệ rừng cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha và tổ bảo vệ rừng bản Chiềng Hin, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ. Sau cơn mưa lớn, con đường mòn vào sâu trong rừng trơn trượt, cành gai, dây leo vươn ra chằng chịt. Trưởng bản Chiềng Hin Ngần Văn Thiệp phải cầm dao đi trước phát cây mở đường.
Trên đường đi, ông Nguyễn Hùng Chiến, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha thông tin nhanh: Rừng đặc dụng Xuân Nha có diện tích quy hoạch 18.173 ha, nằm trên địa bàn 4 xã, gồm Tân Xuân, Xuân Nha, Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ và Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu. Trong đó, diện tích có rừng là 15.202 ha, độ che phủ đạt gần 84%. Rừng đặc dụng Xuân Nha có ranh giới 15,6 km tiếp giáp tỉnh Thanh Hóa, 10,7 km tiếp giáp đường biên giới Việt - Lào. Đây là khu rừng có nhiều loài động, thực vật quý hiếm; đa dạng về hệ sinh thái và sinh cảnh, với nhiều kiểu rừng có giá trị về bảo tồn nguồn gen và nghiên cứu khoa học. Trong rừng đặc dụng Xuân Nha còn một số loại gỗ quý, như pơ mu, sến, dổi; đặc biệt là thông đỏ, thuộc nhóm IA, là loài đặc hữu có tên trong sách đỏ Việt Nam và xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn. Trong rừng đặc dụng Xuân Nha hiện có 16 bản, với 1.232 hộ, 6.180 nhân khẩu sinh sống và 11 bản giáp ranh, với 1.000 hộ, khoảng 4.500 nhân khẩu. Các hoạt động sản xuất và đời sống của bà con đều có tác động trực tiếp và gây áp lực rất lớn đến rừng đặc dụng.
Với mục tiêu quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng đặc dụng, bảo tồn đa dạng sinh học, những năm qua, Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện Mộc Châu, Vân Hồ; cấp ủy, chính quyền các xã chỉ đạo, triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ công tác bảo vệ rừng, gắn với ổn định đời sống nhân dân sống trong rừng đặc dụng. Đồng thời, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn và các bộ phận nghiệp vụ tăng cường bám sát cơ sở, phối hợp với các đoàn thể, ban quản lý các bản tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ và PCCCR, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến các cộng đồng dân cư.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, từ nhiều năm nay, cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi rừng đặc dụng Xuân Nha đã ý thức được việc bảo vệ rừng, các bản đều thành lập tổ bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra, bảo vệ và PCCCR. Trưởng bản Chiềng Hin Ngần Văn Thiệp chia sẻ: Bản có 91 hộ đồng bào dân tộc Thái, hiện bản đang nhận khoán bảo vệ 520 ha rừng đặc dụng. Mặc dù cả bản còn 51 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, nhưng từ nhiều năm nay, công tác bảo vệ PCCCR được thực hiện tốt, tổ bảo vệ rừng của bản có 20 thành viên, mỗi tháng phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra bảo vệ rừng ít nhất 2 lần. Từ nhiều năm nay, ở bản không còn tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trái phép; nhất là từ khi bản được nhận tiền khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thì chất lượng và diện tích rừng đã tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển rừng bền vững, tạo thêm sinh kế cho người dân, giảm áp lực phụ thuộc vào rừng, Ban quản lý đặc dụng Xuân Nha đã phối hợp đơn vị tư vấn xây dựng phương án quản lý bền vững rừng đặc dụng Xuân Nha giai đoạn 2021-2030; lập Dự án bảo tồn và phát triển khu rừng đặc dụng Xuân Nha giai đoạn 2021-2025. Trong đó có các hạng mục trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, làm giàu rừng, làm đường băng cản lửa, đường tuần tra rừng, xây dựng nhà trạm bảo vệ rừng, vườn thực vật. Hiện nay, đơn vị đã triển khai một số mô hình trồng rừng bằng tre bát độ, cây ăn quả và cây mắc ca, vừa tăng độ che phủ và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Hùng Chiến, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha, cho biết thêm: Cùng với triển khai hiệu quả các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng, đơn vị thường xuyên phối hợp các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến và kinh doanh lâm sản trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức tuần tra các khu rừng trọng điểm thuộc khu vực giáp ranh biên giới. Cập nhật các điểm biến động rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn để tích hợp vào quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh xác định diện tích dịch vụ môi trường rừng để thực hiện chi trả và tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng bản nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tang-cuong-bao-ve-rung-dac-dung-xuan-nha-51163