Tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTP về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025, để tổ chức tốt việc đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong cơ quan Bộ Tư pháp quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động, thành viên các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị tổ chức và thực hiện nghiêm các nội dung sau:

1. Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền về tổ chức đón Tết Ất Tỵ năm 2025; phê duyệt, ban hành và chủ động triển khai Kế hoạch tổ chức công việc trong dịp Tết Ất Tỵ năm 2025 theo đúng phương châm “vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”.

2. Phân công công việc hợp lý, bảo đảm chất lượng, tiến độ công việc của cơ quan, đơn vị tổ chức trước và sau các ngày nghỉ Tết Ất Tỵ năm 2025, không để chậm trễ công việc, không để ảnh hưởng đến người dân trong việc giải quyết những thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp; phân công công chức lãnh đạo trực cơ quan, sẵn sàng giải quyết các công việc phát sinh trong thời gian nghỉ Tết. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngành Tư pháp khẩn trương tập trung ngay vào công việc theo đúng quy định.

3. Bảo đảm cho công chức, viên chức và người lao động nghỉ Tết theo quy định của pháp luật; tổ chức thăm hỏi, động viên, chúc Tết cán bộ lão thành cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo…; công chức, viên chức, người lao động, thành viên các đoàn thể đang công tác hoặc đã nghỉ hưu có hoàn cảnh khó khăn.

4. Thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về những điều đảng viên không được làm.

5. Tăng cường công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực; thực hiện nghiêm việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho các hoạt động lễ hội, vui chơi…; không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; không tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cán bộ lãnh đạo các cấp chỉ được dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công (trừ việc tham gia với danh nghĩa cá nhân).

6. Tăng cường quán triệt, chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết công việc, tăng cường các biện pháp phòng, ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

7. Xây dựng và phân công tổ chức thực hiện Kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn công sở; phòng, chống cháy nổ cơ quan, đơn vị theo đúng yêu cầu tại Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tổng vệ sinh, trang trí cơ quan, công sở xanh, sạch, đẹp; tăng cường phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

8. Các đơn vị xây dựng pháp luật chủ động đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ trong thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc xây dựng, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã và chuẩn bị có hiệu lực .

9. Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo:

a) Đẩy mạnh giải quyết các việc thi hành án có điều kiện thi hành, đặc biệt là các việc còn tồn đọng trước Tết, nhằm giải tỏa lo lắng và tạo tâm lý phấn khởi cho người dân, góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết.b) Chú trọng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động đương sự tự nguyện thi hành án. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và 15 ngày sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.10. Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và chủ động, kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh trong triển khai thực hiện Công văn số 7334/HĐPH-PBGDPL ngày 19/12/2024 của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương về việc truyền thông, phổ biến các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật dịp Tết Ất Tỵ 2025 và một số vấn đề dư luận quan tâm.

11. Cục Trợ giúp pháp lý hướng dẫn, phối hợp với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý để người dân biết và tiếp cận kịp thời khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật; thực hiện tốt việc trực trợ giúp pháp lý tại Tòa án, trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự 24/24 giờ; tập trung thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan đến chế độ, chính sách, nhất là các chính sách an sinh xã hội để người dân yên tâm, phấn khởi đón Tết.

12. Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo giải quyết kịp thời các yêu cầu về hộ tịch, lý lịch tư pháp, công chứng, chứng thực của người dân.

b) Chỉ đạo Trang thông tin điện tử trực thuộc Sở tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, để Nhân dân hiểu rõ, đồng thuận và giám sát thực hiện.

c) Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện nghiêm các nội dung tại mục 11 của Chỉ thị này.

13. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự các cấp:

a) Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tổ chức tốt việc tiếp công dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.b) Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; tăng cường tuyên truyền, vận động và có biện pháp phù hợp không để công dân khiếu nại, tố cáo tập trung trong những ngày Tết Nguyên đán; bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự.

PV

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tang-cuong-cac-bien-phap-bao-dam-don-tet-nguyen-dan-at-ty-2025-vui-tuoi-lanh-manh-an-toan-tiet-kiem-post537294.html