Tăng cường các biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi

Thời tiết đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, có những ngày nhiệt độ lên tới 39 - 40o C, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Để ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết và nâng cao sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm, người dân đã chủ động chuẩn bị tốt chuồng trại, thức ăn cũng như các biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi.

Vào những ngày cao điểm nắng nóng, anh Đặng Văn Trang, xã Bình Dương (Vĩnh Tường) thường xuyên bơm nước làm mát cho đàn bò sữa. Ảnh Thế Hùng

Vào những ngày cao điểm nắng nóng, anh Đặng Văn Trang, xã Bình Dương (Vĩnh Tường) thường xuyên bơm nước làm mát cho đàn bò sữa. Ảnh Thế Hùng

Trái ngược với thời tiết oi nóng ngoài trời, không khí trong các chuồng nuôi thỏ của HTX chăn nuôi Tam Đảo, xã Yên Dương (Tam Đảo) luôn được giữ ở trạng thái thoáng mát. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX cho biết, nhiệt độ thích hợp để thỏ sinh trưởng và phát triển là 20 - 28o C; trong trường hợp nắng nóng, độ ẩm cao, thỏ rất dễ bị viêm phổi, cảm nóng. Do đó, ngay từ đầu HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng 2 chuồng lạnh với diện tích 900m2 để chống nóng cho thỏ.

Ngoài ra, trong những ngày nắng nóng, HTX cũng chủ động điều chỉnh giờ cho ăn sớm hơn vào buổi sáng và muộn hơn vào buổi chiều, đồng thời, bổ sung thêm thuốc bổ và điện giải vào chế độ ăn, uống hàng ngày của thỏ nhằm tăng sức đề kháng.

Anh Thắng cho biết: “Đối với các hộ nuôi thỏ trong chuồng hở, thời điểm này gần như sẽ cho thỏ tạm dừng sinh sản để tránh nguy cơ bị chết, song nhờ đầu tư chuồng lạnh kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý, HTX vẫn đảm bảo được tỷ lệ sinh sản của đàn thỏ lên tới 80%".

Không chỉ riêng con thỏ, những ngày nắng nóng nhiệt độ, ẩm độ trong chuồng nuôi cao, cơ thể gà cũng phải chống đỡ với những điều kiện bất lợi, gà thường bỏ ăn, giảm đẻ và rất dễ chết.

Để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, cũng như duy trì năng suất trứng cho đàn gà, ngoài việc sử dụng các quạt thông gió, ngay từ khi xây dựng chuồng trại, gia đình bà nguyễn Thị Bảy, chủ trang trại chăn nuôi gà đẻ ở xã Thanh vân (Tam Dương) đã chú trọng sử dụng tôn lạnh, lắp đặt hệ thống phun mưa trên mái và phun sương trong chuồng để giảm nhiệt độ một cách nhanh chóng. Các trang thiết bị phục vụ chống nóng luôn được gia đình quan tâm kiểm tra bảo dưỡng trước mỗi mùa nắng nóng.

Khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, ngoài việc vận hành hệ thống phu mưa, phun sương, gia đình bà Bảy còn kết hợp với việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết và thường xuyên cung cấp chất điện giải trong nước uống cho gà để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tránh chất độn chuồng quá dày sẽ sinh nhiệt cao, làm tăng nhiệt độ của chuồng nuôi.

Được biết, trước đây, do chưa có nhiều kinh nghiệm, ngay năm đầu tiên, gia đình bà Bảy đã thiệt hại hàng chục con gà do cảm nắng. Tuy vậy, nhờ những biện pháp chống nóng hợp lý mà những năm gần đây, đàn gà với quy mô hơn 2,5 nghìn con của gia đình bà Bảy luôn đảm bảo sức khỏe, cho khai thác trứng với năng suất và chất lượng cao.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm nay có nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Trong các tháng 8 - 9, nhiệt độ phổ biến tại khu vực Bắc Bộ dự kiến cao hơn từ 0,5 -1oC so với trung bình những năm trước. Đây là điều kiện bất lợi làm giảm sức đề kháng, vật nuôi có thể bị chết, cảm nắng, cảm nóng, gây thiệt hại về kinh tế cho sản xuất chăn nuôi.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 nghìn con trâu, bò, 460 nghìn con lợn và gần 12 triệu con gia cầm. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống nắng nóng, bảo vệ an toàn cho vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi bên cạnh việc giữ chuồng trại thoáng mát, trang bị các thiết bị làm mát, cần bố trí mật độ nuôi phù hợp cho từng loại vật nuôi, lứa tuổi.

Những ngày nắng nóng, tăng cường khẩu phần thức ăn xanh và bổ sung các loại vitamin đặc biệt là Vitamin C. Song song với đó cần tăng cường vệ sinh, tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng tiêu độc để chống những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè.

Tiêm phòng đẩy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách li, điều trị, xử lý kịp thời, đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nghiễm.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78952/tang-cuong-cac-bien-phap-chong-nong-cho-dan-vat-nuoi.html