Tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trốn đóng BHXH
Sáng 27/5, thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhiều Đại biểu Quốc hội tiếp tục hiến kế các giải pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Cho ý kiến về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đa số các đại biểu cho rằng việc mở rộng các chế tài xử lý như Chính phủ trình là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, cần quy định rõ thời gian chậm đóng bao lâu thì được xem là trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng như quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng.
Một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm chiếm dụng đối với cả tiền đóng và tiền hưởng BHXH, bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi chiếm dụng loại hình bảo hiểm thất nghiệp bởi thực tế có những doanh nghiệp vẫn trích, trừ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương nhưng doanh nghiệp lại chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, cần công bố danh sách các doanh nghiệp, công ty trốn đóng, chậm đóng để người lao động nắm được và cân nhắc khi xin vào làm việc.
Theo số liệu thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam, mặc dù tỉ lệ số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế , bảo hiểm thất nghiệp so với số tiền phải thu đã giảm dần qua từng năm, năm 2016 chiếm 3,75% đến năm 2022 là 2,91% và năm 2023 là 2,69%, nhưng về con số tuyệt đối thì số tiền chậm đóng tăng qua từng năm, đến năm 2023, con số này đã lên đến trên 13 nghìn tỉ đồng (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng)./.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!