Tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế
Ngày 25/8, tại TP Hồ Chí Minh, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế khu vực miền Nam.
Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao và đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao.
Đại biểu tham dự có lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng các Viện cấp cao 1,2,3 cùng đại diện lãnh đạo Viện thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự thuộc Viện cấp cao 3; VKSQS các Quân khu 7, 9.
Về phía địa phương có các đồng chí Viện trưởng, Phó Viện trưởng phụ trách và Trưởng phòng được phân công thụ lý, kiểm sát giải quyết án tham nhũng, kinh tế, chức vụ của VKSND 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở khu vực phía Nam, cùng Viện trưởng các VKSND cấp huyện trực thuộc; cán bộ, công chức làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự thuộc VKSQS Trung ương, VKSQS các cấp có trụ sở đóng trên địa bàn…
Thời gian qua, công tác phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng, chức vụ kinh tế đã có những đóng góp tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, qua đó tạo hiệu ứng tích cực, tạo sự đồng tình trong dư luận, giúp củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng.
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND các cấp đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong hoạt động công tố; chủ động phối hợp với cơ quan tố tụng cùng cấp thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hiệu quả nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.
Hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế được tổ chức nhằm đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, và nguyên nhân của những hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ trong thời gian qua, nhất là các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo các cấp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Sau khi nghe báo cáo rút kinh nghiệp công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế, Hội nghị được nghe ý kiến chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí qua clip trình chiếu được ghi hình tại hội nghị được tổ chức tại Hà Nội ngày 21/8/2023.
Hội nghị được nghe 7 ý kiến tham luận đại diện cho VKSND các tỉnh, thành phố trong khu vực và Viện cấp cao 3. Các ý kiến nêu ra các vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn công tác, cũng như chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp nhiều giải pháp để giúp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ 3 đã báo cáo chuyên đề “Quán triệt một số nội dung trong Chỉ thị 26-CT/TW ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 04-HĐ/TW ngày 9/12/2020 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc”.
Đồng thời nghe đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14 báo cáo chuyên đề “Giải đáp vướng mắc về nhận thức, lý luận và áp dụng pháp luât trong công tác giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế và Quy định của ngành Kiểm sát nhân dân về thỉnh thị, trả lời thỉnh thị”.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao nhấn mạnh, đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, và thời gian qua với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những thành quả nhất định.
Về những vướng mắc mà VKSND các địa phương quan tâm như chứng cứ điện tử, công tác giám định, định giá để xác định thiệt hại…, đồng chí Nguyễn Huy Tiến yêu cầu Viện kiểm sát các cấp cần vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật đã có để áp dụng hiệu quả vào công tác được giao; bên cạnh đó, trong công tác phối hợp báo cáo thỉnh thị giải quyết án cũng phải gắn với quy định của Đảng về phân cấp quản lý cán bộ. Đối với yêu cầu thu hồi tài sản do phạm tội mà có, cần xem đây là yêu cầu trọng yếu, trong đó chủ động xử lý ngay từ giai đoạn điều tra truy tố, thay vì chờ đến giai đoạn hoàn tất xét xử và chuyển sang thi hành án.
Đồng chí Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao cũng lưu ý, sau Hội nghị này các đại biểu cần nghiêm túc quán triệt tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế tại địa phương của mình.
Trước đó, Hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế đã được tổ chức khu vực miền Bắc vào ngày 21/8 tại Hà Nội, và khu vực miền Trung vào ngày 23/8 tại Đà Nẵng.