Tăng cường các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP
Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (Chương trình OCOP) với sự vào cuộc của các cấp, các ngành đến các chủ thể đã tạo ra những sản phẩm OCOP cho năng suất cao và chất lượng tốt. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP của địa phương được biết đến và tiêu thụ rộng rãi ở thị trường không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới, bên cạnh nâng cao năng lực cho các chủ thể của chương trình, cần tăng cường liên kết trong quảng bá, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi về khâu tiêu thụ cho các sản phẩm.
Với việc chủ động triển khai hỗ trợ kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, trong năm 2023, trên cơ sở sản phẩm OCOP do các địa phương giới thiệu, Sở Công thương đã khảo sát, đánh giá, lựa chọn sản phẩm đáp ứng các điều kiện của nhà phân phối. Qua kiểm tra, khảo sát cho thấy vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở sản xuất (CSSX) có các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP và các CSSX có các sản phẩm đăng ký tham gia chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2023.
Đó là một số sản phẩm chưa có đầy đủ giấy chứng nhận CSSX đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, thủ tục công bố tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; bao bì, nhãn mác hàng hóa chưa tuân thủ theo các quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa...
Một trong những nguyên nhân là do hầu hết các CSSX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ nên khó khăn trong việc đầu tư kinh phí để thực hiện kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm, đầu tư mẫu mã sản phẩm theo yêu cầu của nhà phân phối khi đưa vào hệ thống siêu thị và các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.
Mặt khác, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, CSSX chưa quan tâm đến việc kiểm nghiệm để đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm. Chưa có sự đầu tư xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn, chất lượng để đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Khả năng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu của các CSSX, doanh nghiệp còn thấp, dẫn đến các sản phẩm của địa phương kém tính hấp dẫn so hơn với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường về mặt hình thức.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, CSSX hoàn thiện sản phẩm, trong năm 2023, Sở Công thương đã lựa chọn hỗ trợ, hoàn thiện bao bì nhãn mác cho 2 sản phẩm là cốm gạo lứt của Công ty Cổ phần Nông sản Quảng Trị và rượu tía tô của Hợp tác xã nông nghiệp sạch Đông Triều (HTX Đông Triều).
Đây cũng là sản phẩm mới, được lựa chọn tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023 của HTX Đông Triều. Giám đốc HTX Đông Triều Nguyễn Đức Việt cho biết: “HTX đã có 5 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh gồm bột tía tô, bột diếp cá, bột rau má, miến nghệ, miến tía tô.
Năm 2023, HTX được Sở Công thương hỗ trợ kinh phí hoàn thiện bao bì nhãn mác sản phẩm rượu tía tô tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Các chủ thể sản xuất sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng việc quảng bá, giới thiệu rộng rãi để người tiêu dùng biết tới vẫn còn hạn chế. Vì vậy trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tỉnh có thêm nhiều chính sách đối với các đơn vị có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh như hỗ trợ xây dựng kênh bán hàng, quảng bá sản phẩm”.
Xác định khâu tiêu thụ, tìm kiếm và phát triển thị trường là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích chủ thể chủ động, tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP, Sở Công thương cũng đã tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Theo đó, đã có rất nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được kết nối bày bán tại các điểm bán hàng của các đơn vị như Cơ sở sản xuất Liên Giang, Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Vinh Phát Quảng Trị, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên và Công ty TNHH Tinh dầu thiên nhiên Huyền Thoại.
Thời gian gần đây, người tiêu dùng đã hình thành thói quen lựa chọn, chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín. Do vậy, việc xây dựng và phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền đóng vai trò quan trọng để đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng.
Ngành Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.
Tiếp tục chú trọng công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Đồng thời thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý sản phẩm OCOP, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm sau khi được đánh giá, xếp hạng...
Bên cạnh nỗ lực của các ngành chức năng, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP cần bắt kịp xu thế, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart, bán hàng trên nền tảng tiktok... và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.
Tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn. Tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, đáp ứng sản lượng, nâng cao chất lượng khi cung ứng ra thị trường.