Tăng cường can thiệp, tham vấn cho trẻ em tại cộng đồng
Xâm hại trẻ em là hành vi phạm pháp, để lại hậu quả nặng nề về tinh thần ở trẻ. Thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội (Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh An Giang) đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành, địa phương… đẩy mạnh công tác can thiệp, tham vấn cho trẻ em tại cộng đồng. Qua đó, thúc đẩy và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em.
Trung tâm Công tác xã hội là đơn vị thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công tác xã hội; kết nối các vấn đề liên quan đến trẻ em và gia đình với các tổ chức, ban, ngành và các dịch vụ an sinh xã hội. Qua đó, giúp các gia đình giải quyết những khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, từng bước phối hợp hoàn thiện hệ thống dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Từ khâu can thiệp, phòng ngừa, phát hiện kịp thời các trường hợp có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đến việc phối hợp huy động hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập cho trẻ em.
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Nguyễn Văn Nguyễn cho biết, hàng năm, đơn vị quản lý, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội đễ hỗ trợ cho trẻ em. Việc can thiệp, tham vấn khẩn cấp cho trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, bị bỏ rơi… được tiếp nhận từ trung tâm, địa phương, cộng tác viên; từ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) và đường dây nóng (18008077).
Sau khi tiếp nhận thông tin, trung tâm liên hệ và phối hợp cán bộ, cộng tác viên nắm thông tin, đánh giá mức độ tổn hại, nhu cầu của trẻ và gia đình. Từ đó, phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp cho trẻ về tâm lý, kiến thức, hướng dẫn các kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Đồng thời, kết nối các nguồn lực để hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho trẻ và gia đình.
Theo ông Nguyễn, năm 2022, Trung tâm Công tác xã hội đã kết nối can thiệp, tham vấn hỗ trợ 32 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bỏ rơi. Bên cạnh đó, phối hợp cùng địa phương và gia đình hỗ trợ giải quyết khó khăn, tiền thuốc, tiền ăn và hỗ trợ mua sách giáo khoa để các em tiếp tục theo học (theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP).
Trung tâm còn kết nối với địa phương và gia đình, hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được phẫu thuật tim với số lượng 30 trẻ; hỗ trợ phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch cho 23 trẻ; hỗ trợ phẫu thuật, điều trị khuyết tật chân, tay 52 trẻ; hỗ trợ 112 trẻ mồ côi. Đồng thời, hỗ trợ cho hơn 7.000 trẻ thuộc gia đình nghèo, khó khăn bằng học bổng, sinh kế, xe đạp và những phần quà trong dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6)… với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, do các tổ chức, cá nhân giúp đỡ.
Ông Nguyễn Văn Nguyễn cho biết, công tác can thiệp, tham vấn hỗ trợ trẻ em thời gian qua dù được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và gia đình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, trẻ em bị xâm hại, bạo hành, bỏ rơi đa phần là những gia đình có cha, mẹ ly hôn, gia đình liên quan đến tệ nạn xã hội, gia đình khó khăn về kinh tế, đi làm xa gửi lại người thân nên thiếu sự chăm sóc, giáo dục. Do đó, khi trẻ bị xâm hại, bạo hành thì không kịp phát hiện, tố giác.
Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác cấp xã còn ít, kiêm nhiệm nhiều và thường xuyên thay đổi nên khó khăn trong thực hiện, cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Mặt khác, nguồn lực ngân sách bố trí cho công tác trẻ em còn hạn chế, đặc biệt kinh phí thông tin, tuyên truyền thường xuyên. Ngoài ra, việc phối hợp trao đổi thông tin, hỗ trợ can thiệp trẻ bị xâm hại hoặc trẻ có nguy cơ bị xâm hại giữa các ban, ngành liên quan có lúc thiếu chặt chẽ trong việc tham gia hỗ trợ bảo vệ trẻ…
Trung tâm Công tác xã hội mong muốn các cấp, ngành tiếp tục hỗ trợ hoạt động thông tin, truyền thông về những tác hại của việc xâm hại, bạo hành trẻ em để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. Bên cạnh, tiếp sức cùng địa phương vận động nguồn lực để trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trung tâm đề nghị UBND cấp huyện hỗ trợ cán bộ cấp xã trong hoạt động nắm thông tin kịp thời, đầy đủ khi trẻ em bị xâm hại, bạo hành, đặc biệt là trẻ em trong nhóm có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành. Từ đó, giảm tối thiểu vụ việc xảy ra đến trẻ, góp phần hạn chế những tổn thất tinh thần, thể chất mà trẻ phải chịu đựng…