Tăng cường chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số tại xã Yên Hoa, tỉnh Tuyên Quang
Trạm Y tế xã Yên Hoa tích cực theo dõi sự phát triển sức khỏe dinh dưỡng định kỳ cho trẻ em, đồng thời, chấm biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu bị suy dinh dưỡng, trạm y tế sẽ hướng dẫn bà mẹ và người chăm sóc trẻ cho ăn đúng cách, ăn đủ chất.
Xã Yên Hoa là một xã vùng cao thuộc tỉnh Tuyên Quang, đã trải qua những biến đổi lớn sau khi được tái cơ cấu theo Nghị quyết 1684/NQ-UBTVQH15, chính thức có hiệu lực từ ngày 16/6/2025. Theo nghị quyết này, xã Yên Hoa được thành lập từ việc sáp nhập xã Khâu Tinh và xã Yên Hoa cũ, tạo nên một đơn vị hành chính mới với diện tích tự nhiên và quy mô dân số được mở rộng đáng kể. Quá trình sáp nhập không chỉ là sự thay đổi về địa giới mà còn đánh dấu một bước ngoặt trong việc kiện toàn bộ máy hành chính, tối ưu hóa quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tích cực theo dõi sự phát triển sức khỏe dinh dưỡng định kỳ cho trẻ em
Để nâng cao sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ em, trong những năm qua, Trạm Y tế xã Yên Hoa đã triển khai nhiều hình thức truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi như: tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi tại các buổi họp thôn, chi hội phụ nữ… Đặc biệt tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên, phụ nữ có thai, các cặp vợ chồng trong độ tuổi nuôi con nhỏ. "1.000 ngày đầu đời là giai đoạn vàng phòng chống suy dinh dưỡng, từ khi bà mẹ có thai đến khi trẻ dưới 2 tuổi phải ăn đủ chất để phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em."

Các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng đến Trạm Y tế xã tiêm chủng theo lịch để phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Cán bộ Trạm Y tế hướng dẫn y tá thôn bản và chi hội phụ nữ thôn truyền thông cho phụ nữ sau sinh đảm bảo nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài thời gian cho trẻ bú ít nhất từ 18–24 tháng. Hướng dẫn bà mẹ và người chăm sóc trẻ cho trẻ ăn bổ sung hợp lý bằng các loại thực phẩm sẵn có tại địa phương, theo hình thái VAC (vườn – ao – chuồng) sau 6 tháng để phòng chống suy dinh dưỡng. Vận động các gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh để phòng chống bệnh tiêu chảy dẫn đến suy dinh dưỡng. Đồng thời, vận động các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng đến Trạm Y tế xã tiêm chủng theo lịch để phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Chị Đào Thị Thanh – Trưởng Trạm Y tế xã Yên Hoa cho biết: "Chúng tôi tích cực theo dõi sự phát triển sức khỏe dinh dưỡng định kỳ cho trẻ em theo các tiêu chí sau: trẻ suy dinh dưỡng được cân đo hàng tháng; trẻ dưới 2 tuổi cân đo theo quý; trẻ dưới 5 tuổi được cân đo tổng thể 6 tháng/lần. Đồng thời, chấm biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, chúng tôi hướng dẫn bà mẹ và người chăm sóc trẻ cho ăn đúng cách, ăn đủ chất."
Nhờ vậy, công tác chăm sóc dinh dưỡng với trẻ đã có những bước chuyển biến tích cực. Năm 2024, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng là 85/336, chiếm 25,2%; suy dinh dưỡng chiều cao là 80/336, chiếm 23,8%. Trong quý 2 năm 2025, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng giảm 0,9%; suy dinh dưỡng chiều cao giảm 1,9%.
Lồng ghép công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em cùng các hoạt động khác của thôn, bản
Chị Nông Thị Diệp – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xã Yên Hoa cũng chia sẻ: "Để nâng cao nhận thức của các gia đình về dinh dưỡng cho trẻ, chúng tôi tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe lồng ghép vào những buổi họp thôn, các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ, truyền thông cho bà mẹ và người chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý theo ô vuông thức ăn. Các buổi tập huấn dinh dưỡng cho các bà mẹ có con nhỏ mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp cải thiện kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Các bà mẹ tham gia tập huấn có thể áp dụng những kiến thức đã được truyền tải vào việc nuôi con, giúp trẻ phát triển về thể chất và trí tuệ, phòng tránh các bệnh liên quan đến dinh dưỡng."

Các bà mẹ trẻ đã học được nhiều kiến thức bổ ích sau các buổi tập huấn.
Với các bà mẹ tham gia các buổi tập huấn dinh dưỡng, mỗi người lại có một cảm nhận khác nhau. Chị Triệu Thị Chu, 27 tuổi, dân tộc Dao tiền, thôn Tân Thành, xã Yên Hoa cho biết: Tham gia các chương trình truyền thông của Trạm Y tế xã về dinh dưỡng cho trẻ, chị đã học được nhiều kiến thức bổ ích. Bé nhà chị 5 tuổi, có thể trạng nhẹ cân nên dinh dưỡng cho cháu là vô cùng cần thiết. Sau khi áp dụng kiến thức mới, chị đã điều chỉnh lại chế độ ăn của con mình và bé đang có những chuyển biến tốt về mặt thể trạng. Bé hồng hào hơn, ăn uống ngon miệng, vui vẻ và hoạt bát hơn trước.
Riêng người mẹ trẻ Lò Thị Dinh, 20 tuổi, dân tộc Thái, thôn Bản Thác, xã Yên Hoa thì những buổi tập huấn dinh dưỡng lại mang lại hiệu quả rõ rệt cho cậu con trai 2 tuổi của mình. Chị kể: Con chị vốn không muốn ăn rau nhưng chị đã áp dụng những kiến thức mà các Trạm Y tế cung cấp để thay đổi điều đó. Chị khéo léo trộn các loại rau củ khác nhau trong các bữa ăn của bé, nhờ đó bé đã yêu thích các món rau hơn trước. Ngoài ra, chị còn được phát tài liệu dinh dưỡng, sổ tay cho các bà mẹ để mang về nhà đọc. Với chị, những buổi học này vô cùng hữu ích và đã nâng cao nhận thức cho chị về chăm sóc con nhỏ.
Trong giai đoạn tiếp theo, Trạm Y tế xã tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo cấp trên tăng cường và nâng cao chất lượng kỹ năng truyền thông dinh dưỡng, mở thêm các lớp truyền thông dinh dưỡng cho y tế xã và y tế thôn, cung cấp sản phẩm dinh dưỡng và hỗ trợ kinh phí hoạt động câu lạc bộ dinh dưỡng. Từ đó, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em trên địa bàn.