Tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ
Nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng và việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại các địa phương trên địa bàn huyện, trong thời gian qua, ngành Y tế huyện Yên Lập đã triển khai đồng bộ các biện pháp về cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) – KHHGĐ, trong đó đặc biệt chú trọng công tác truyền thông tại cộng đồng dân cư.

Dược sĩ Trung tâm y tế huyện tư vấn cách sử dụng thuốc cho người dân.
Chiến dịch tăng cường tuyên truyền lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2025 đang được triển khai đồng bộ, bài bản tại 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện từ ngày 31/3 - 30/4, thu hút sự quan tâm, tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc chăm sóc SKSS, phòng tránh thai an toàn và phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chiến dịch hướng đến việc cung cấp thông tin, tư vấn cho 80% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, khám phụ khoa cho 100% phụ nữ. Đồng thời tư vấn các biện pháp tránh thai hiện đại và điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa cho toàn bộ chị em được phát hiện mắc bệnh trong quá trình thăm khám.
Điển hình, khi chiến dịch triển khai tại xã Ngọc Lập - một địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn, hàng trăm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã được thăm khám phụ khoa miễn phí, siêu âm, xét nghiệm, tư vấn và cung cấp các biện pháp tránh thai hiện đại như đặt dụng cụ tử cung, thuốc tránh thai... Bên cạnh đó, nhiều chị em được phát thuốc điều trị các bệnh lý phụ khoa phổ biến, góp phần bảo vệ sức khỏe sinh sản một cách thiết thực.Để chiến dịch đạt hiệu quả cao, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, thị trấn, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Mỗi Trạm Y tế xã, thị trấn được chọn làm địa điểm triển khai chiến dịch trong 1 ngày, có sự tham gia của đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, trang thiết bị y tế được chuẩn bị chu đáo.Theo Y sĩ Hà Thị Phượng, Tổ Chăm sóc Sức khỏe sinh sản – Trung tâm Y tế huyện Yên Lập cho biết: “Tổng các biện pháp tránh thai dự kiến thực hiện trong toàn chiến dịch lên tới 4.302 ca. Để đảm bảo đạt được mục tiêu, ngành y tế địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin rộng rãi trên hệ thống Đài truyền thanh xã ít nhất 2 lượt phát sóng, đăng tải tin bài trên các kênh truyền thông địa phương, đồng thời phát giấy mời trực tiếp đến từng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để mời tham gia”.Bên cạnh đó, các cộng tác viên dân số tại cơ sở cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc vận động, thuyết phục người dân, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi người dân còn tâm lý e ngại khi tiếp cận các dịch vụ y tế liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Bác sĩ thực hiện siêu âm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở xã Ngọc Lập.
Qua hoạt động khám, tư vấn và điều trị, người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc chủ động kế hoạch hóa gia đình, lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp, bảo vệ sức khỏe bản thân và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục.Những năm qua, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tại huyện Yên Lập đã có chuyển biến tích cực. Nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ từng bước được nâng cao. Tình trạng sinh nhiều con, sinh con ngoài ý muốn có xu hướng giảm dần. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện đạt mục tiêu giảm sinh, ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số trong năm 2025 và những năm tiếp theo.Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả chiến dịch và mở rộng độ phủ tiếp cận dịch vụ SKSS/KHHGĐ, ngành y tế huyện Yên Lập cũng xác định cần tiếp tục đổi mới cách thức triển khai. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng, gửi thông tin tuyên truyền qua mạng xã hội, tin nhắn điện thoại nhằm tăng tính chủ động và hiệu quả truyền thông. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số cơ sở, y tế thôn bản cũng là yếu tố then chốt để chiến dịch đi vào chiều sâu và bền vững.

Nhiều phụ nữ tại huyện Yên Lập được thăm khám phụ khoa miễn phí, siêu âm, xét nghiệm, tư vấn về SKSS/KHHGĐ.
Mặt khác, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, nhân lực cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi khi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, chủ động trong sinh đẻ và chăm sóc sức khỏe thì chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số cũng sẽ được cải thiện đáng kể.Chiến dịch tăng cường tuyên truyền lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2025 tại huyện Yên Lập không chỉ là hoạt động chuyên môn đơn thuần mà còn thể hiện sự quan tâm thiết thực của chính quyền và ngành y tế đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đây là tiền đề quan trọng để huyện thực hiện hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới, từng bước nâng cao chất lượng dân số, vì sự phát triển bền vững của địa phương trong tương lai.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tang-cuong-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-cho-phu-nu-231149.htm