Tăng cường chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt

Việc chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (ASXH) là một giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số theo Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/11/2022 của Chính phủ. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội nhanh chóng, thuận lợi đang được các địa phương đẩy mạnh thực hiện.

Công chức Văn hóa - Xã hội xã Hưng Mỹ hướng dẫn ông Phan Hồng Dân (giữa) và ông Nguyễn Văn Léo về xác thực định danh điện tử và rút tiền bằng thẻ ATM.

Công chức Văn hóa - Xã hội xã Hưng Mỹ hướng dẫn ông Phan Hồng Dân (giữa) và ông Nguyễn Văn Léo về xác thực định danh điện tử và rút tiền bằng thẻ ATM.

Năm 2024, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh việc chi trả chính sách ưu đãi người có công và chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt. Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chi trả trợ cấp qua thẻ tài khoản cho 5.467 đối tượng chính sách, người có công, đạt 56,7% tổng số đối tượng thụ hưởng chính sách và 17.537 đối tượng bảo trợ xã hội, đạt gần 41% trên tổng số đối tượng được thụ hưởng, số còn lại chi trả bằng tiền mặt.

Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trà Vinh, việc tuyên truyền và vận động thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt đóng góp tích cực vào sự phát triển và tiện ích của người dân, giúp việc thực hiện chi trả đảm bảo kịp thời, minh bạch và công khai. Người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH sẽ nhận ưu đãi đúng thời gian, theo danh sách chi trả do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp. Người nhận không phải xếp hàng chờ đợi tại điểm chi trả, góp phần vào công tác phòng, chống tiêu cực và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, trục lợi, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nhóm đối tượng yếu thế.

Đồng chí Huỳnh Thị Mỹ Nhiên, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt, UBND huyện Châu Thành đã ban hành nhiều văn bản triển khai, thực hiện. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, phòng, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các đối tượng trong việc mở tài khoản ngân hàng và nhận tiền hàng tháng qua tài khoản ngân hàng. Kết quả đến nay, có 468/1.104 đối tượng người có công được chi qua tài khoản, đạt 42,4%. Riêng đối tượng bảo trợ xã hội, đã thực hiện chi qua tài khoản 1.821/5.866 đối tượng, đạt 31%, còn 4.045 đối tượng chưa có tài khoản.

Tại xã Hưng Mỹ, nhằm đẩy mạnh thực hiện chi trả không dùng tiền mặt, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đối tượng thụ hưởng các chính sách đăng ký tài khoản. Đến nay, có 31/74 người có công, đối tượng chính sách và 337/572 đối tượng bảo trợ được chi trả qua tài khoản, cơ bản những người được chi trả qua tài khoản đã đồng thuận thực hiện và quen với hình thức chi trả này.

Ông Phan Hồng Dân, thương binh hạng 2/4, ấp Rạch Vồn, xã Hưng Mỹ cho biết: ông bị mất sức lao động 72%, mỗi tháng được nhận trợ cấp khoảng 6,4 triệu đồng. Trước đây ông nhận tiền mặt hàng tháng từ nhân viên bưu điện, từ tháng 4/2024 ông chuyển sang nhận qua tài khoản, có thẻ ATM ông Dân tự đi rút tiền khi cần. Thỉnh thoảng tôi đi thành phố Trà Vinh mua đồ hoặc có việc cần, sẵn dịp rút tiền. Tôi có đăng ký nhận thông báo biến động qua điện thoại nên rất dễ kiểm soát tiền, để tích lũy trong thẻ, khi cần mới rút, không lo giữ nhiều tiền mặt.

Ông Nguyễn Văn Léo, thương binh hạng 2/4, ngụ ấp Ngãi Hiệp cùng xã Hưng Mỹ nhận tiền trợ cấp qua tài khoản gần 01 năm qua. Ông chia sẻ: nhà ông có trồng thêm rau cải trang trải sinh hoạt gia đình, còn tiền trợ cấp để trong tài khoản, khi cần ông ra bưu điện xã rút, cũng tiện lợi, nhanh chóng.

Việc chi trả trợ cấp chính sách không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng và trợ giúp xã hội được chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt vẫn còn khá thấp. Nguyên nhân do đa số đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội, người có công có những hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin (người cao tuổi già yếu, người khuyết tật, thần kinh, tâm thần, người khuyết tật vận động, trẻ em...), khó khăn trong thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng. Ngoài ra, nhiều người còn tư tưởng e ngại do không quen sử dụng dịch vụ ngân hàng…

Vì vậy, theo đồng chí Huỳnh Thị Mỹ Nhiên, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động về việc chi trả chính sách người có công và trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt nhằm nâng cao nhận thức của người dân và đối tượng hưởng chính sách về phương thức chi trả không dùng tiền mặt. Đồng thời, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết chính sách và chi trả chính sách không dùng tiền mặt, giúp đảm bảo không phát sinh thủ tục phức tạp và duy trì quy trình xử lý hiệu quả đối với các công tác liên quan đến chi trả chính sách cho đối tượng;

Đảm bảo cho các đối tượng được hưởng chính sách sẽ nhận chế độ kịp thời, đầy đủ và thuận lợi, đảm an toàn trong quá trình thanh toán. Năm 2025, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện mở tài khoản và chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách ASXH trên địa bàn, phấn đấu chi trả qua tài khoản cho đối tượng người có công và trợ giúp xã hội trên địa bàn huyện đạt tối thiểu 60%.

Bài, ảnh: NGỌC XOÀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chuyen-doi-so/tang-cuong-chi-tra-chinh-sach-tro-giup-xa-hoi-khong-dung-tien-mat-43480.html