Tăng cường chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Thời gian qua, ngành BHXH Phú Yên không ngừng phát triển về mọi mặt, thực sự là chỗ dựa tin cậy của người dân tham gia bảo hiểm, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp. Qua đó góp phần xây dựng vững chắc mạng lưới an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Văn Toán, Giám đốc BHXH tỉnh phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện chính sách BHXH. Ảnh: LỆ VĂN

Ông Trần Văn Toán, Giám đốc BHXH tỉnh phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện chính sách BHXH. Ảnh: LỆ VĂN

Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn ông Trần Văn Toán, Giám đốc BHXH tỉnh về một số nội dung liên quan, nhất là định hướng, nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của ngành BHXH.

* Thưa ông, nhiều lao động tại một số doanh nghiệp ở Phú Yên bức xúc về việc doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động. BHXH tỉnh và các cơ quan liên quan có giải pháp xử lý tình trạng này như thế nào?

- Mặc dù đã có nhiều quy định của pháp luật, chế tài xử lý liên quan đến hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Trên địa bàn tỉnh, nhiều trường hợp người lao động chịu thiệt thòi, không giải quyết được các chế độ khi công ty, doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH, BHYT.

Để hạn chế tình trạng trên, thời gian qua, BHXH tỉnh chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đối với chủ sử dụng lao động, người lao động. Đồng thời đề ra nhiều giải pháp đốc thúc, đồng hành với doanh nghiệp trong việc trích nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Mặt khác, định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm, BHXH tỉnh báo cáo Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan chức năng liên quan về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo.

Hằng tháng, BHXH tỉnh gửi thông báo kết quả quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đến đơn vị sử dụng lao động để chủ sử dụng biết, có trách nhiệm đóng tiền đầy đủ, đúng thời hạn; đồng thời phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để đôn đốc doanh nghiệp trích nộp kịp thời, không để phát sinh chậm đóng.

Nhân viên BHXH huyện Tuy An cài đặt ứng dụng VssID-BHXH số cho người dân trên địa bàn. Ảnh: LỆ VĂN

Nhân viên BHXH huyện Tuy An cài đặt ứng dụng VssID-BHXH số cho người dân trên địa bàn. Ảnh: LỆ VĂN

* Thực tế, hiện nay còn nhiều người lao động thiếu thông tin, chưa nắm được các quy định, chính sách BHXH, BHYT, BHTN nên thiệt thòi về quyền lợi... Với mục tiêu hiện đại hóa ngành BHXH, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thời gian đến BHXH tỉnh sẽ thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

- Thời gian qua, cùng với việc tập trung giải quyết kịp thời, đầy đủ, chính xác các chế độ, chính sách cho người tham gia và thụ hưởng, BHXH tỉnh tập trung chú trọng công tác thông tin, truyền thông với nội dung, hình thức đổi mới, đa dạng, phong phú theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp hơn với nhu cầu tiếp nhận thông tin của từng nhóm đối tượng khác nhau.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận chủ sử dụng lao động, người lao động chưa nắm bắt đầy đủ thông tin, chưa nhận thức đầy đủ về giá trị, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động nên chưa tự giác chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, ảnh hưởng đến tình hình triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung.

Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông để người sử dụng lao động, người lao động và người dân nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa, quyền lợi của chính sách BHXH, BHYT; thông tin đầy đủ, kịp thời những nội dung chính sách liên quan đến từng chế độ, quyền lợi cụ thể của người tham gia. Trong đó, đơn vị tăng cường tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi đối thoại, tư vấn, giải đáp chính sách với người lao động, chủ sử dụng lao động tại các công ty, doanh nghiệp...

Bên cạnh phương thức tuyên truyền truyền thống, BHXH còn tăng cường truyền thông qua hệ thống thông tin của ngành như: website, fanpage, Zalo, Youtube để phù hợp với nhu cầu tiếp cận và nắm bắt thông tin của người dân, người lao động trong thời đại công nghệ số. Ngành BHXH cũng tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, xã phát sóng thường xuyên các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHXH, BHYT rộng rãi đến người dân.

* Được xác định là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động, thời gian đến, BHXH tỉnh sẽ có những giải pháp gì để đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp?

- Từ hiệu quả mang lại, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai chuyển đổi số, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, của UBND tỉnh về việc thực hiện các nội dung theo Đề án 06 để tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng trang bị máy móc, thiết bị, đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng, bảo đảm đủ điều kiện để kết nối liên thông các phần mềm nghiệp vụ của ngành và các ứng dụng dùng chung để xử lý công việc trên môi trường mạng nhanh chóng, kịp thời. Tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin ngành BHXH.

Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ. Ngành BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả qua giao dịch điện tử, áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 900:2015 với 25 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

BHXH tỉnh cũng tổ chức giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ cho người thụ hưởng; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; vận động, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, BHXH tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, phối hợp với ngành Công an kết nối xác thực và chia sẻ thông tin liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đặc biệt, ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng VssID-BHXH số, đây được xem là điểm nhấn trong công tác cải cách hành chính của ngành BHXH Việt Nam. Hiện nay, trên địa bàn Phú Yên, BHXH tỉnh đã phê duyệt hơn 397.000 tài khoản ứng dụng VssID, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, theo dõi thông tin quá trình tham gia, thụ hưởng và dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện.

* Xin cảm ơn ông!

BHXH tỉnh xác định đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, quản lý, điều hành là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tổ chức thực hiện tốt hơn chính sách BHXH, xây dựng ngành BHXH Phú Yên chuyên nghiệp, hiện đại, từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân.

VĂN TÀI - LÊ HÙNG (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/320359/tang-cuong-chuyen-doi-so-de-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep-tot-hon.html