Xuất khẩu hướng tới mục tiêu mới

Không dừng ở mục tiêu 6%, tăng trưởng xuất khẩu năm nay có thể đạt mức 2 con số nếu gặp điều kiện thuận lợi

* Phóng viên: Những con số về kim ngạch xuất - nhập khẩu từ đầu năm đến nay cho thấy sự phục hồi ấn tượng, thưa ông?

- Ông TRẦN THANH HẢI, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương: Hoạt động xuất nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực với tổng giá trị 512,3 tỉ USD - tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 265,4 tỉ USD - tăng 15,9% và nhập khẩu 246,9 tỉ USD - tăng 18% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư là 18,6 tỉ USD, góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông TRẦN THANH HẢI

Ông TRẦN THANH HẢI

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt, như gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỉ USD - tăng 22,6%; hàng dệt may đạt 24,4 tỉ USD - tăng 8,1%; giày dép 15 tỉ USD - tăng 11,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 46,4 tỉ USD - tăng 28,9%; điện thoại và linh kiện đạt 37,3 tỉ USD - tăng 9,5%...

Xuất - nhập khẩu tăng trưởng tốt trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến tích cực hơn, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra lộ trình cắt giảm lãi suất và vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu đang dần được khắc phục. Riêng với thị trường Mỹ, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện hứa hẹn đem lại sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại Việt - Mỹ.

Trong nước, Chính phủ đã vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế. Với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương cũng sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp. Bên cạnh đó, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường.

* Nhưng vẫn có những rủi ro, khó khăn phải đối mặt?

- Đúng là nền kinh tế hiện vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas tiếp tục leo thang. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, nhất là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn.

Trong khi đó, vấn đề công suất dư thừa tại Trung Quốc sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường, khi nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của nền kinh tế thứ hai thế giới có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Tám tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ đạt 10,2 tỉ USD - tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Ảnh: NGỌC ÁNH

Tám tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ đạt 10,2 tỉ USD - tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Ảnh: NGỌC ÁNH

Về nội tại, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường... ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh. Gần đây nhất, ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 và mưa lũ chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy lớn đối với sản xuất công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu.

Chưa kể, trong những tháng đầu năm, hoạt động ngoại thương đối mặt với cước vận tải biển tăng rất cao do xung đột tại biển Đỏ, buộc các doanh nghiệp vận tải phải thay đổi tuyến vận chuyển, đường dài hơn. Mặt khác, một số cảng biển tại châu Á gặp tình trạng tắc nghẽn, tàu phải đợi rất lâu để khai thác như cảng Thượng Hải - Trung Quốc hay cảng Singapore, dẫn tới tình trạng mất cân bằng container giữa các cảng.

* Trong bối cảnh khó khăn, Bộ Công Thương có cảnh báo và khuyến nghị gì với doanh nghiệp, thưa ông?

- Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều yếu tố bất định, cộng đồng doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, thực hiện các khuyến nghị của các cơ quan quản lý.

Cơ hội cho các doanh nghiệp là tương đối rộng mở từ việc Việt Nam đã đàm phán thành công và trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do với thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, bám sát nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu, cập nhật công nghệ mới, đẩy mạnh tự động hóa để giảm giá thành.

* Ông có thể nêu dự báo của Bộ Công Thương về triển vọng xuất khẩu cả năm 2024?

- Trên cơ sở đánh giá tình hình, với kết quả tích cực 8 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu cả năm chắc chắn vượt mục tiêu 6%. Nếu điều kiện thuận lợi, tăng trưởng xuất khẩu cả năm có thể đạt 2 con số.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để tham mưu, đề xuất các giải pháp ứng phó với khó khăn, phát triển thị trường xuất khẩu; thông tin kịp thời cho các hiệp hội, doanh nghiệp về diễn biến của thị trường nhập khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ Công Thương cũng sẽ chỉ đạo hệ thống thương vụ thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình các thị trường; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của những thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp... Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do với những đối tác thương mại còn nhiều tiềm năng. Tiếp tục phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững theo hình thức chính ngạch; điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc...

Quan trọng không kém là thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

LÊ THÚY thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xuat-khau-huong-toi-muc-tieu-moi-196240915212036776.htm