Tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển
Lạng Sơn là đầu mối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn vốn có quan hệ truyền thống đoàn kết, hữu nghị, gắn bó với nhân dân khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Đặc biệt ở một số nơi, cư dân biên giới hai nước có quan hệ dòng tộc lâu đời, việc qua lại thăm thân, làm ăn diễn ra tương đối thường xuyên. Trong thời gian qua, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Nhân dân ở khu vực biên giới hai nước đã và đang tiếp tục có những bước phát triển rất tốt đẹp, tạo điều kiện cho Nhân dân hai bên mở rộng giao lưu hữu nghị, tăng cường hợp tác cùng nhau phát triển.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Việt Nam, có đường biên giới dài trên 231 km tiếp giáp với khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây - Trung Quốc, là điểm đầu của con đường huyết mạch Quốc lộ 1A nối Việt Nam với Trung Quốc. Lạng Sơn có 11 huyện, thành phố (trong đó có 5 huyện biên giới); có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và các cửa khẩu phụ rất thuận lợi cho việc đi lại, giao thương buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ du lịch.
Xác định công tác đối ngoại nhân dân là một nhiệm vụ trọng tâm trong xu thế hội nhập, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về “hội nhập quốc tế”; Chỉ thị 24-CT/TU ngày 13/2/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về việc đẩy mạnh thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 643-QĐ/TU ngày 17/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, ban hành Quy chế Quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại tỉnh Lạng Sơn và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư và các văn bản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW và đưa nội dung thực hiện công tác đối ngoại nhân dân vào chương trình phối hợp thống nhất hành động và nội dung trọng tâm công tác, đánh giá kết quả thực hiện công tác của Mặt trận hàng năm. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với cấp ủy Đảng tổ chức quán triệt chỉ thị đến 100% cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đồng thời xây dựng kế hoạch hướng dẫn, triển khai đến Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố và cơ sở nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đối ngoại, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các tổ chức thành viên và ngành chức năng thông qua nhiều hình thức tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW trong cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân: tuyên truyền, vận động làm tốt công tác đối ngoại nhân dân và giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị với nhân dân nước bạn láng giềng Trung Quốc; phổ biến và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các Hiệp định, Hiệp ước đã ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Trung Quốc; tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên giới” và “Ngày hội biên phòng toàn dân”.
Tập trung phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành chức năng tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt Biên bản thỏa thuận giữa tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc được ký kết ngày 10/2/2017 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam và Biên bản Hội đàm giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn và Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội thành phố Sùng Tả về cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới được ký kết ngày 31/5/2017 tại thành phố Sùng Tả, Trung Quốc; tuyên truyền, vận động Nhân dân không đi lao động trái phép; tuyên truyền, vận động Nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống các loại dịch bệnh: dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, dịch bệnh Covid-19 trong quá trình giao lưu, buôn bán, lao động ở nước ngoài, đảm bảo tốt việc vừa lao động, sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân khu vực biên giới thực hiện nghiêm các quy định quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, ngăn chặn những đối tượng vượt biên trái phép, phòng ngừa, phát hiện tố giác, đấu tranh với các đối tượng mua bán người; tăng cường tuyên truyền lồng ghép các nội dung về công tác đối ngoại nhân dân, vận động toàn dân tham gia tố giác tội phạm, thực hiện “Ngày pháp luật”. Phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực và chủ động các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh nhằm kiềm chế các hoạt động tội phạm trên tuyến biên giới, nhất là các hoạt động mua bán người, vận chuyển mua bán ma túy, tiền giả...; tổ chức tuyên truyền lồng ghép việc thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, vận động Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh phát động.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân với nhiều hình thức phong phú như: Thúc đẩy mạnh mẽ việc tăng cường giao lưu, hợp tác hữu nghị, hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch... giữa hai bên cũng như giữ gìn trật tự an ninh vùng biên giới thông qua cả ba kênh: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân qua các hoạt động trao đổi đoàn, tổ chức các đoàn đại biểu lãnh đạo của tỉnh, huyện sang thăm, làm việc và giao lưu hữu nghị với Trung Quốc, cử các đoàn cán bộ sang học tập kinh nghiệm tại Học viện Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc; hoạt động giao lưu văn hóa giới thiệu về đất nước và con người xứ Lạng; tuyên truyền về kết quả công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; tuyên truyền về tình hữu nghị truyền thống giữa Nhân dân hai nước Việt - Trung, về chủ quyền quốc gia, biển đảo, bảo vệ an ninh biên giới và xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị và hợp tác. Phối hợp với chính quyền và lực lượng chức năng duy trì tốt các hoạt động của 9 cụm dân cư kết nghĩa bản - bản, 2 cặp xã - trấn giữa các thôn, xã giáp biên Việt Nam - Trung Quốc; phối hợp với chính quyền cùng cấp và cơ quan chức năng tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt khách du lịch chủ yếu là người Trung Quốc và một số nước khác trên thế giới đến tham quan và tham dự các lễ hội đầu xuân, mở rộng các hoạt động giao lưu khu vực biên giới trong các lễ hội như giao lưu giữa huyện Cao Lộc, Lộc Bình với huyện Ninh Minh tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; giao lưu giữa xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng với thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc; phối hợp với các sở, ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, cư trú, kết hôn, đầu tư, kinh doanh... Các hoạt động đã góp phần tăng thêm tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác với Nhân dân các nước, đồng thời giúp cho mối quan hệ giữa Nhân dân trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển.
Từ năm 2011 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức được 2 đoàn đại biểu tham gia cùng đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sang thăm, làm việc với Ủy ban Chính hiệp Trung Quốc; tổ chức đoàn công tác gồm 10 người do đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn làm trưởng đoàn sang thăm, trao đổi kinh nghiệm với Ủy ban Chính hiệp Quảng Tây, Trung Quốc; tổ chức đón tiếp và làm việc với đoàn đại biểu Ủy ban Chính hiệp Quảng Tây - Trung Quốc đến thăm và trao đổi công tác với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn nhằm thiết lập cơ chế giao lưu, thăm hỏi giữa hai cơ quan Ủy ban Chính hiệp Quảng Tây và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn; cử 4 cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức, học tập kinh nghiệm tại Học viện Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc. Thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung và Lạng Sơn - Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc nói riêng; đã tổ chức được 50 lớp tập huấn về công tác đối ngoại nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài, tại các huyện, thành phố cho trên 4.000 lượt đại biểu là Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các xã, thị trấn; Trưởng ban Công tác Mặt trận, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân cư; đại diện các hộ gia đình… góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân trong hội nhập quốc tế và sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ ổn định chính trị và sự nghiệp phát triển đất nước trong quan hệ với các nước và tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế.
Thông qua việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác đối ngoại nhân dân đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân, nhận thức đầy đủ, đúng đắn về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh, phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế. Công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng thiết thực với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức và đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vẫn còn một số khó khăn. Chưa thành lập được tổ chức Liên hiệp các tổ chức hữu nghị của tỉnh kết nối về đối ngoại nhân dân để làm cơ quan đầu mối phối hợp hoạt động. Kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động đối ngoại nhân dân được bố trí còn quá ít so với yêu cầu, nên ảnh hưởng tới việc phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, nhất là hoạt động tại các xã biên giới và xây dựng các mô hình điểm tại cơ sở.
Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân do đó chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo và tạo các điều kiện cần thiết cho hoạt động đối ngoại nhân dân. Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể với cơ quan chính quyền có lúc chưa chặt chẽ và tính chủ động chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể còn thiếu về số lượng và cơ bản chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn làm công tác đối ngoại.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Lạng Sơn xác định thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế” và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Hai là, cần có sự phối hợp thống nhất giữa các đoàn thể, tổ chức trong hoạt động đối ngoại nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Đảng và ngoại giao của chính quyền nhằm phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp và tối đa hóa lợi ích của quốc gia trong quá trình mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc, những thành tựu nổi bật của đất nước; tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần phục vụ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động thực hiện công tác đối ngoại nhân dân.