Tăng cường công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo trong các nhà trường quân đội

Khái niệm bảo đảm chất lượng xuất hiện trên thế giới từ hơn 100 năm trước. Ở Việt Nam, ngày 22-7-2003, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng ra đời và đi vào hoạt động.

Đứng trước xu thế đó và đòi hỏi thực tiễn của việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trong các nhà trường quân đội, ngày 27-10-2009, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam ký Quyết định số 1736/QĐTM và 1737/QĐTM thành lập 24 phòng, ban khảo thí và bảo đảm chất lượng GD&ĐT, thuộc Cục Nhà trường và các học viện, trường sĩ quan, đại học, cao đẳng trong quân đội. Sau 10 năm hoạt động, công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng GD&ĐT làm tốt chức năng tham mưu cho thủ trưởng các cấp trong quản lý thi cử và bảo đảm chất lượng GD&ĐT trong quân đội. Đội ngũ cán bộ làm công tác này thường xuyên được kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng trưởng thành về nhiều mặt, nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ, đưa hoạt động đi vào nền nếp.

 Lãnh đạo BTTM và Thủ trưởng Cục Nhà trường, kiểm tra Trung tâm huấn luyện mô phỏng tại Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp. ẢNH: DUY ĐÔNG.

Lãnh đạo BTTM và Thủ trưởng Cục Nhà trường, kiểm tra Trung tâm huấn luyện mô phỏng tại Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp. ẢNH: DUY ĐÔNG.

Một trong những điểm nổi bật của công tác khảo thí ở các học viện, nhà trường là đã tham mưu có hiệu quả giúp thủ trưởng các cấp trong tổ chức thi, kiểm tra kết thúc học phần, môn học, khóa học bảo đảm sự chặt chẽ, khách quan, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hạn chế tiêu cực và bệnh thành tích trong GD&ĐT. Hiện nay, 100% môn học tại các nhà trường đã xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án với hàng trăm nghìn câu hỏi thi và bộ đề thi. Hệ thống câu hỏi thi, đáp án của các học phần, môn học đã bám sát nội dung, chương trình đào tạo, bảo đảm tính tổng hợp, vừa đáp ứng yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, vừa phát huy được tư duy độc lập, sáng tạo của người học, làm cơ sở cho việc đánh giá phân loại người học.

Mặt khác, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD&ĐT tập trung vào đánh giá năng lực người học, tạo sự chuyển biến trong học thực chất, thi thực chất. Bên cạnh đó cũng phản ánh năng lực, phương pháp giảng dạy của giảng viên. Từ kết quả đào tạo giúp các nhà trường xây dựng, điều chỉnh kế hoạch nhằm không ngừng nâng cao chất lượng GD&ĐT, bảo đảm sát với nhu cầu của thực tiễn. Công tác thẩm định đề thi, đáp án của các nhà trường luôn được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, ngày càng đi vào nền nếp. Hầu hết các học viện, nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo mật, lựa chọn đề thi, đáp án. Đến nay đã có 22 học viện, trường sĩ quan, đại học được tập huấn chuyển giao phần mềm sinh đề, phần mềm gieo phách, nhập điểm. Các học viện, nhà trường tổ chức phòng chấm thi tập trung bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ. Hiện nay, các trường đều thực hiện quy trình chấm thi hai vòng độc lập, bảo đảm khách quan, minh bạch, công bằng. Nhờ làm tốt công tác khảo thí nên đã hạn chế cơ bản hiện tượng tiêu cực trong thi cử, khích lệ tinh thần học tập của học viên, tạo động lực để học viên nâng cao ý thức trách nhiệm, sáng tạo, chủ động trong học tập, rèn luyện.

 Thủ trưởng Cục Nhà trường (BTTM), kiểm tra công tác tuyển sinh quân sự tại Trường THPT Nghi Xuân, Hà Tĩnh (tháng 3-2019). ẢNH: DUY ĐÔNG.

Thủ trưởng Cục Nhà trường (BTTM), kiểm tra công tác tuyển sinh quân sự tại Trường THPT Nghi Xuân, Hà Tĩnh (tháng 3-2019). ẢNH: DUY ĐÔNG.

Để bảo đảm chất lượng GD&ĐT, hiện nay, 100% học viện, nhà trường triển khai công tác tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục. Trong 5 năm gần đây, Bộ Tổng Tham mưu thành lập 20 đoàn công tác tiến hành đánh giá ngoài 20 học viện, nhà trường. Thông qua tự đánh giá và đánh giá ngoài, các trường tiếp tục hoàn thiện báo cáo tự đánh giá, rà soát, khắc phục hạn chế, tồn tại. Nhiều học viện, nhà trường tích cực khảo sát, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, từ đó đề xuất các biện pháp khắc phục, như: Lấy ý kiến phản hồi của người học; xây dựng các tiêu chí đánh giá giảng viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi; điều tra đối với các học viên tốt nghiệp; khảo sát các đơn vị sử dụng học viên sau khi tốt nghiệp. Qua giám sát chung cho thấy, sau khi các nhà trường tự đánh giá và đánh giá ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng; hệ thống văn bản pháp quy được rà soát, điều chỉnh, bổ sung làm công cụ nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, điều hành mọi mặt của nhà trường… Bên cạnh đó, các cơ quan khảo thí đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các học viện, nhà trường xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, trong đó quy định về nội dung kiến thức chuyên môn; kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, ngành đào tạo. Đến nay, 22 học viện, nhà trường đã hoàn thành xây dựng chuẩn đầu ra cho các đối tượng đào tạo. Sau từng khóa học, năm học, các trường chủ động rà soát, điều chỉnh chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu thực tiễn, sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu của đơn vị.

Công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra được triển khai tích cực nhằm phát hiện những tồn tại, khuyết điểm, vướng mắc nảy sinh trong quy trình đào tạo, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong chấp hành nghiêm các quy chế GD&ĐT. 10 năm qua, toàn ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra 39 lượt trường, phúc tra 12 lượt trường. Những hạn chế, khuyết điểm được phát hiện và xử lý nghiêm túc, kịp thời, nhất là trong lĩnh vực thi cử, góp phần hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong GD&ĐT.

Phát huy những kết quả của công tác khảo thí giai đoạn 2009-2019 và thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm, rút ra bài học kinh nghiệm, năm 2020 và những năm tiếp theo, các học viện, nhà trường quân đội cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng GD&ĐT. Nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, giảng viên, học viên các trường về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng GD&ĐT, coi đây là công cụ đổi mới quản lý giáo dục nhưng cũng giúp các cơ sở giáo dục nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu, đưa ra các giải pháp cụ thể hơn nữa để nâng cao chất lượng GD&ĐT.

 Lãnh đạo BTTM và Cục Nhà trường, kiểm tra công tác huấn luyện của học viên nữ tại Trường Cao đẳng Trinh sát,Tổng cục II (tháng 8 năm 2019). Ảnh: DUY ĐÔNG.

Lãnh đạo BTTM và Cục Nhà trường, kiểm tra công tác huấn luyện của học viên nữ tại Trường Cao đẳng Trinh sát,Tổng cục II (tháng 8 năm 2019). Ảnh: DUY ĐÔNG.

Cùng với tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc đối với đội ngũ làm công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng GD&ĐT, cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi, đề thi, đáp án đối với các môn thi. Cơ quan khảo thí và bảo đảm chất lượng GD&ĐT các cấp cần tham mưu cho thủ trưởng các nhà trường đẩy nhanh tiến độ tự đánh giá, đánh giá ngoài các trường và các chương trình đào tạo. Trên cơ sở đó, các nhà trường xây dựng kế hoạch và khẩn trương hành động, quyết tâm vươn lên để sớm đạt chuẩn chung, góp phần nâng tầm công tác GD&ĐT của quân đội trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Trung tướng, GS, TS TRẦN HỮU PHÚC, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tang-cuong-cong-tac-khao-thi-va-bao-dam-chat-luong-giao-duc-va-dao-tao-trong-cac-nha-truong-quan-doi-603638