Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ
Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang có chiều hướng tăng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, trước tình hình đó ngành Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, phòng, chống bệnh không để lây lan rộng.
Qua rà soát, khám sàng lọc, đến ngày 03/10/2023 trên địa bàn huyện Bạch Thông có hơn 90 ca mắc, tập trung ở thị trấn Phủ Thông, xã Vi Hương và xã Đôn Phong. Các bệnh nhân đã được tư vấn, khám, kê đơn thuốc và điều trị tại nhà.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông, ông Vi Thế Huy, cho biết: Hiện đơn vị chủ động triển khai các hoạt động truyền thông và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa phương, trường học, hộ gia đình để kịp thời phát hiện, xử lý ca bệnh, ổ dịch, hạn chế số ca mắc và lây lan ra cộng đồng. Chỉ đạo các khoa phòng, trạm y tế xã tiếp tục triển khai các biện pháp phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ và báo cáo theo quy định.
Bà Hà Thị Hè, bác sĩ Khoa mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Khác với mọi năm, năm nay dịch bệnh đau mắt đỏ xuất hiện và bùng phát mạnh từ đầu tháng 9 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện nay, trung bình mỗi ngày tại Khoa mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khoảng 20 - 25 ca và riêng trong tháng 9/2023 có gần 300 bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh mắt đỏ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
BsCKI Hoàng Văn Chuyền, Trưởng khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc và lây lan thành dịch. Đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Để chủ động phòng, chống dịch đau mắt đỏ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản đề nghị các Trung tâm Y tế huyện, thành phố chỉ đạo các Trạm Y tế trực thuộc triển khai các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân hiểu và áp dụng được các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa phương, tại các trường học, các hộ gia đình để kịp thời phát hiện, xử lý ca bệnh, ổ dịch hạn chế số ca mắc và lây lan ra cộng đồng. Phối hợp với ngành giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường. Hướng dẫn các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng học tập hàng ngày… hạn chế tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng sinh hoạt với người bị đau mắt đỏ.../.