Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai

Hà Giang với địa hình nhiều đồi núi dốc, hiểm trở, khí hậu thất thường, hay xảy ra tình trạng mưa bão gây sạt lở đất đá, ảnh hưởng tới nhiều tuyến đường huyết mạch nội tỉnh và liên tỉnh. Đồng thời, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của nhân dân, hạn chế sự tăng trưởng của tỉnh nhà. Nhận thấy điều đó, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao phòng ngừa thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên nhiên gây ra, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất.

Người dân cùng lực lượng chức năng xã Nấm Dẩn (Xín Mần) khắc phục hậu quả thiên tai.

Người dân cùng lực lượng chức năng xã Nấm Dẩn (Xín Mần) khắc phục hậu quả thiên tai.

Thời gian qua, tỉnh ta luôn quan tâm và có nhiều giải pháp hữu hiệu đảm bảo nâng cao công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) hạn chế thiệt hại thấp nhất về người, tài sản và hoa màu, giúp nhân dân ổn định đời sống, đẩy mạnh phát triển KT – XH ở địa phương. Tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, phương án PCTT&TKCN; thành lập Ban Chỉ huy PCTT&TKCN từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, tuyên truyền đến từng hộ dân các biện pháp phòng tránh từng loại thiên tai. Bên cạnh đó, đặt ra nhiều tình huống giả định khi thời tiết cực đoan: Mưa đá, sét, lũ quét, ngập lụt, sụt lún đất để đưa ra những giải pháp thiết thực, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.

Gió bão gây đổ cột điện tại thị trấn Việt Quang (Bắc Quang).

Gió bão gây đổ cột điện tại thị trấn Việt Quang (Bắc Quang).

Thường xuyên kiểm tra, rà soát phòng, chống lụt bão, kè chống xói lở dòng sông, suối, những công trình có nguy cơ sạt lở cao dọc các đoạn đường quốc lộ, tỉnh lộ; huy động nhân dân địa phương, cùng sự giúp sức của lực lượng chức năng nhanh chóng nạo vét đất, đá tràn xuống lòng đường, khơi thông cống rãnh, rào chắn và cảnh báo những điểm sạt lở taluy âm có nguy cơ mất an toàn giao thông; khu vực thấp, trũng, thung lũng có nguy cơ ngập úng cao; những khu vực vùng Cao nguyên đá Đồng Văn với nền nhiệt thấp, vào mùa Đông hay xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại và tình trạng thiếu nước… Cần nhanh chóng có nhiều phương án hỗ trợ kịp thời về nhân lực, vật lực, phương tiện, thiết bị thiết yếu phục vụ công tác PCTT&TKCN ngay tại cơ sở, giúp nhân dân vững tâm vào sự trợ giúp của Đảng và Nhà nước.

Trong năm 2021, thiên tai gây ra sạt lở đất đá tại huyện Xín Mần khiến 2 người chết, các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê đều có 1 người chết. Tại huyện Mèo Vạc, Vị Xuyên, Xín Mần gió lốc gây đổ cây vào nhà khiến vỡ tấm lợp rơi xuống làm bị thương 3 người. Bên cạnh đó, thiên tai làm cho 31 ngôi nhà bị đổ, nước cuốn trôi hoàn toàn; 676 nhà bị tốc mái; 60 nhà bị sạt lở đất vào nhà; 9 nhà phải di chuyển khẩn cấp. Diện tích ngô, lạc và rau màu bị thiệt hại 462,5 ha; lúa, mạ bị thiệt hại 76 ha; lâm nghiệp bị thiệt hại 404,1 ha; ao cá thiệt hại 3,26 ha; chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng 20 cái; gia súc chết 58 con; gia cầm 68 con. Đồng thời, 26 trường học, điểm trường bị hư hỏng và ảnh hưởng; 1 nhà làm việc của trạm y tế bị thiệt hại. Đường quốc lộ bị sạt lở ước tính khoảng 10.689 m³ đất đá, đường tỉnh lộ bị sạt khoảng 12.850 m³ đất đá, đường giao thông nông thôn bị sạt lở 26.866 m³ đất đá. Kênh mương và đường ống bị hư hỏng 2.106 m, 6 công trình bị sập kè, 7 cột điện bị gãy đổ, 2 trạm biến áp bị cháy, hỏng; 16 công trình hội trường thôn, nhà làm việc, nhà ăn bị tốc mái hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính trên 47 tỷ đồng. Tỉnh cùng địa phương kịp thời động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ kinh phí cho gia đình có người bị chết.

Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Hoàng Mạnh Hùng cho biết: Các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Xín Mần, Hoàng Su Phì… đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ phải sống trong căn nhà đơn sơ nằm thoải theo lưng chừng đồi, treo leo trên những đỉnh núi đá hiểm trở, tiềm ẩn nhiều rủi khi vào những mùa mưa bão. Trước những diễn biến khôn lường của thời tiết, tỉnh chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão để kịp thời thông tin, hướng dẫn nhân dân các biện pháp trong phòng tránh lũ, sạt lở đất, đá, sẵn sàng các phương pháp ứng phó nhanh chóng khi có tình huống xấu xảy ra; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân; đảm bảo an toàn xã hội, phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường; đảm bảo trực 24/24 giờ trong mùa mưa bão, đảm bao thông suốt, rõ ràng về âm thanh, tín hiệu, khi có sự việc đột suất xảy ra bất thường. Đồng thời, xây dựng hệ thống cảnh báo thông minh ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa quan trắc, giám sát, dự báo truyền cơ sở dữ liệu thời tiết giúp người dân chủ động phòng tránh hiệu quả.

Với sự chủ động các phương án phòng, chống lũ bão từ cấp tỉnh cho tới cơ sở, cùng ý thức nâng cao cảnh giác của nhân dân, công tác PCTT&TKCN tại tỉnh ta đã triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả tích cực, hữu hiệu; hạn chế thấp nhất rủi ro và nhanh chóng ứng phó, khắc phục khẩn trương những thiệt hại không mong đợi do thiên nhiên gây ra.

Bài, ảnh: THÁI KHANG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202112/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-thien-tai-785628/