Tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất, nhập khẩu hàng hóa

Những năm qua, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa luôn được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt mức tăng trưởng cao qua các năm, ngay cả trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; lạm phát vẫn ở mức cao…

Để có được kết quả đó, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về xuất, nhập khẩu, khai thác tối đa lợi thế xuất, nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa liên tục đạt mức tăng trưởng khá ở hầu hết các nhóm hàng như dây điện các loại; linh kiện, thiết bị điện tử; hàng may mặc; xi măng và clanke; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc; cao su, sản phẩm từ cao su; giấy và các sản phẩm từ giấy; giày dép các loại; phương tiện vận tải và phụ tùng… Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 8,2 tỷ đồng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 4,45 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ và đạt 51,2% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 3,81 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 50,1% kế hoạch năm. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt gần 760 tỷ đồng.

Trên thực tế, để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đã chủ động nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác mới, nỗ lực đầu tư công nghệ, cải tiến máy móc, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bà Dương Thị Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và May mặc Nguyên Toàn (Khu Công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) cho biết: Với số lượng đơn hàng mới gia tăng, năm 2024, may Nguyên Toàn tăng cường thêm 2 dây chuyền sản xuất và tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng tiến độ sản xuất. Sản lượng hàng hóa tiêu thụ và doanh thu của công ty 6 tháng đầu năm có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023 (ước tăng khoảng 20%). Thời điểm này, công ty đang đẩy mạnh sản xuất ở tất cả các dây chuyền và cho công nhân làm việc tăng ca để hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Ngoài thị trường Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, may Nguyên Toàn đang nghiên cứu thị trường, tìm kiếm các đối tác mới để mở rộng xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước châu Âu trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh là áo sơ mi, quần áo trẻ em các loại.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Kinh Bắc, Cụm Công nghiệp Cầu Giát, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Kinh Bắc, Cụm Công nghiệp Cầu Giát, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên.

Nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất, nhập khẩu.

Qua trao đổi với ông Lê Việt Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Nam được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do liên quan đến biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động hải quan, xuất nhập khẩu. Chi cục tăng cường triển khai các giải pháp chống gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường có ưu đãi đối với hàng hóa Việt Nam; duy trì hiệu quả hoạt động của “Tổ giải quyết vướng mắc” để giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp.

Trước tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có diễn biến phức tạp, Chi cục Hải quan Hà Nam tăng cường kiểm soát tiền chất, hàng hóa có khả năng gian lận cao như hàng bách hóa, hàng thuộc danh mục hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện… 6 tháng đầu năm 2024, chi cục đã phát hiện, xử lý 81 vụ vi phạm trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thu nộp ngân sách nhà nước trên 533,5 triệu đồng.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xuất, nhập khẩu hàng hóa, Sở Công thương Hà Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, giúp doanh nghiệp sớm hoàn thành thủ tục xuất khẩu. Sở tích cực phối hợp với Chi cục Hải quan Hà Nam nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn để tổng hợp, phân tích, đánh giá thuận lợi, khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh; thường xuyên thông báo, mời doanh nghiệp tham gia các sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, tham gia đoàn giao dịch xúc tiến thương mại và diễn đàn giao thương tại nước ngoài để tìm kiếm thị trường, tạo sự bứt phá ở các thị trường quan trọng như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…

Trao đổi về nội dung này, ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất, nhập khẩu hàng hóa, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Nam; kiện toàn Ban Chỉ đạo về hội nhập quốc tế tỉnh Hà Nam. Sở Công thương cũng đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp về việc triển khai Chỉ thị của Bộ Công thương về đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới; thường xuyên kiểm tra năng lực sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp để cấp mã số nhà sản xuất (MID)…

Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Nam xác định rõ mục tiêu: Đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh với tốc độ tăng trưởng ổn định. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 15%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt trên 7.000 triệu USD, đến năm 2030 đạt khoảng 10.000 triệu USD; tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng; bảo đảm cán cân thương mại hợp lý trên địa bàn tỉnh bền vững, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường xuất, nhập khẩu, thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất, nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng.

Cụ thể, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan nhằm duy trì có hiệu quả hệ thống thông quan tự động và cơ chế "một cửa" quốc gia, giảm thời gian thông quan hàng hóa; rà soát, đề xuất cắt giảm danh mục hàng hóa không còn phù hợp, tránh trường hợp chồng chéo giữa các cơ quan, gây khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất, nhập khẩu, các quy định áp dụng về mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại; thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong quá trình xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại; tăng cường công tác cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-xuat-nhap-khau-hang-hoa-131360.html