Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý an toàn thực phẩm
Để bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân, chủ động phòng ngừa ngộ độc, sử dụng thực phẩm an toàn, thời gian qua, các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh luôn coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành vi của người dân về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP); thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện xử lý những hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.
Đoàn công tác liên ngành huyện Hoằng Hóa kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh ATTP tại Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến.
Thanh Hóa hiện có 57.912 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 35.523 cơ sở sản xuất thực phẩm (bao gồm cả cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh), 11.782 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 7.011 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 3.596 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong thời gian qua, công tác thanh, kiểm tra về ATTP được cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao nhận thức cũng như xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong quý I-2022, toàn tỉnh đã thành lập 598 đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra 11.638 cơ sở, trong đó có 11.199 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 96,2%), phát hiện 439 cơ sở vi phạm (chiếm 3,8% cơ sở được kiểm tra); phạt tiền 235 cơ sở (chiếm 53,5% cơ sở vi phạm) với số tiền 568 triệu đồng, nhắc nhở (không áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính) 204 cơ sở (chiếm 46,5% cơ sở vi phạm); tịch thu, buộc tiêu hủy thực phẩm không bảo đảm an toàn trị giá hơn 26,7 triệu đồng. Cụ thể, các đoàn kiểm tra của sở, ngành cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra 191 cơ sở và 13 ban quản lý khu lễ hội, khu di tích trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; trong đó, có 83 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 43,5%), phát hiện vi phạm và phạt tiền 108 cơ sở (chiếm 56,5% cơ sở được kiểm tra) với số tiền 378 triệu đồng. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra 1 xe ô tô vận chuyển 1,75 tấn cá khoai chứa chất nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm (formol). Cấp huyện, xã tiến hành kiểm tra 11.447 cơ sở, trong đó có 11.116 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 97,1%), phát hiện 331 cơ sở vi phạm (chiếm 2,9% cơ sở được kiểm tra); phạt tiền 127 cơ sở (chiếm 38,4% cơ sở vi phạm) với số tiền phạt 188 triệu đồng, nhắc nhở 255 cơ sở. Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng nông - lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy 406 mẫu sản phẩm từ thịt, thủy sản, rau quả, trứng, ngũ cốc, gạo, các sản phẩm dạng mắm, nước uống đóng chai, bánh mứt kẹo, quả khô, hạt khô tại các chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để thử nghiệm các chỉ tiêu về ATTP; phát hiện 23 mẫu vi phạm, trong đó có 1 mẫu nem, giò chả có hàn the, 5 mẫu thủy sản có Formaldehyde, 5 sản phẩm từ thịt, rau quả, gạo có hàm lượng chì vượt ngưỡng tối đa, 7 mẫu sản phẩm từ thịt, nước uống đóng chai có vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép, 5 mẫu các sản phẩm dạng mắm có Cyclamate và Rhodamine B. Trung tâm đã thông báo kết quả đến các cơ sở có mẫu vi phạm và cơ quan quản lý trực tiếp để cảnh báo, yêu cầu thực hiện các hành động khắc phục và có biện pháp xử lý theo quy định.
Trong dịp Tháng hành động vì ATTP năm 2022 (từ ngày 15-4 đến 15-5), toàn tỉnh đã thành lập 591 đoàn kiểm tra, trong đó có 5 đoàn cấp tỉnh, 28 đoàn cấp huyện, 563 đoàn cấp xã, tiến hành kiểm tra 13.514 cơ sở thực phẩm, phát hiện 192 cơ sở vi phạm các điều kiện về ATTP chiếm 1,42% tổng số cơ sở được kiểm tra. Các nội dung vi phạm chủ yếu là: giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hết hiệu lực; điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ không đạt yêu cầu; bảo quản thực phẩm, thực hành ATTP không đúng quy định; không lưu mẫu thức ăn, không kiểm thực ba bước, kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ... Toàn tỉnh đã lấy và xét nghiệm 3.265 mẫu thực phẩm; trong đó: xét nghiệm tại Labo 82 mẫu, phát hiện 15 mẫu không đạt yêu cầu (chiếm 18,3%), xét nghiệm nhanh 3.183 mẫu, phát hiện 12 mẫu không đạt yêu cầu (chiếm 0,4%).
Ông Hà Văn Giáp, quyền Chánh Văn phòng Điều phối vệ sinh ATTP tỉnh, cho biết: Xác định công tác bảo đảm vệ sinh ATTP là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm sức khỏe của Nhân dân, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về vệ sinh ATTP. Theo đó, Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP tỉnh đã nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, với cơ quan chức năng và đoàn thể chính trị – xã hội trong công tác bảo đảm ATTP; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP. Gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo, bố trí nguồn lực cho công tác ATTP. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm hành chính về vệ sinh ATTP, nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh ATTP để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.