Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay
Nhà nước là nơi tập trung nhiều quyền lực chính trị, để quản lý xã hội Nhà nước phải xây dựng và ban hành pháp luật, đây là công cụ và phương tiện sắc bén của nhà nước. Pháp luật về bản chất thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội. Một nhà nước để quản lý xã hội tốt cần phải có một hệ thống pháp luật hoàn thiện.Thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, còn ngược lại nếu hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, việc thực hiện pháp luật không nghiêm sẽ kìm hãm sự phát triển xã hội.
Thực tiễn cho thấy pháp luật được thực hiện tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ, kỹ năng lập pháp, hành pháp, sự hành xử của cơ quan nhà nước và trình độ nhận thức, ý thức của người dân. Lịch sử xây dựng pháp luật của Việt Nam đã trải qua năm bản Hiến Pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013. Cùng với Hiến pháp thì các ngành luật cũng được xây dựng, ban hành, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số ngành luật của nước ta còn có nhiều hạn chế, thiếu sót, khiến cho việc thực hiện rất khó khăn, không đảm bảo nguyên tắc cơ bản của pháp chế. Một thời gian khá dài chúng ta duy trì cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp. Do vậy trong xã hội vẫn tồn tại tư duy cũ chưa thực sự coi trọng pháp luật trong công tác quản lý nhà nước. Trong các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức đa phần thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh hành chính của cấp trên; thiếu hiểu biết về pháp luật, đồng thời hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, dẫn đến việc thực hiện pháp luật chưa hiệu quả, kỷ cương, kỷ luật ở cơ quan, đơn vị còn lỏng lẻo.
Hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng. Nước ta đã thoát khỏi thời kỳ khó khăn, chuyển sang một thời kỳ mới phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đang đòi hỏi việc thực hiện pháp luật của người dân nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cần phải đổi mới và nâng cao. Do vậy, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu quan trọng và cần thiết trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
Tuyên truyền phổ biến pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm khắc phục tình trạng thiếu am hiểu thậm chí vi phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức. Do đặc thù công việc và vị trí, uy tín của đội ngũ cán bộ, công chức trong xã hội, đòi hỏi cán bộ, công chức phải là đội ngũ tiên phong thực hiện tốt pháp luật. Họ cần có sự hiểu biết, tôn trọng pháp luật; thực hiện tốt mọi quy định của pháp luật, cũng như nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị. Khắc phục tư tưởng, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây phiền hà, sách nhiễu đến cá nhân, tập thể và nhân dân, thậm chí gây ra những tình trạng lộn xộn mất kỷ cương trong quản lý nhà nước và xã hội, dẫn đến kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội.
Những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức nước ta ngày càng được nâng cao trình độ, chuyên môn đang dần có sự trưởng thành, đổi mới xứng tầm với nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, việc vi phạm ở đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn nhiều, gây nhức nhối và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Khái quát về thực trạng này tại Hội nghị lần thứ 8 BCH T.Ư Đảng khóa VII đã xác định: “…Điều đáng nói là việc thi hành pháp luật không nghiêm, kỷ cương, kỷ luật lỏng lẻo. Vấn đề nghiêm trọng là ở chỗ nhiều cán bộ và cơ quan nhà nước là những người giữ kỷ cương pháp luật lại là những người làm sai pháp luật….”
Từ tình hình thực tế cho thấy, tính cấp bách của việc tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Để tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật, thực hiện “ Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong xã hội nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cần thực hiện một số nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất: Cần đổi mới phương pháp và hình thức tuyên truyền, phổ biến trong cơ quan Nhà nước.
Để cán bộ, công chức hiểu biết pháp luật, thực hiện tốt pháp luật, công việc đầu tiên cần phải phổ biến pháp luật đối với họ. Đây là biện pháp tác động vào nhận thức để cán bộ, công chức hiểu sâu sắc hơn và có thái độ tôn trọng pháp luật. Hình thức phổ biến có thể thông qua truyền thống đại chúng, hoặc các văn bản, công báo…Mặt khác cần xây dựng tủ sách pháp luật ở tất cả các cơ quan, đơn vị trong cơ quan, đơn vị. tăng cường các loại sách báo, tạp chí pháp luật để cán bộ, công chức quan tâm nghiên cứu.
Thứ hai: Cần củng cố nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình tham gia công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
Cơ quan tư pháp đã được tổ chức từ T.Ư đến địa phương, đây là những cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực tư pháp. Đội ngũ cán bộ, công chức của những cơ quan này, cần có trình độ pháp luật, trình độ quản lý và phẩm chất đạo đức. Để đội ngũ cán bộ, công chức làm tốt công tác tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật, cần kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành. Muốn làm tốt công tác này cần phải:
- Xây dựng các chương trình giáo dục pháp luật hàng năm theo chuyên đề. Tổ chức phối hợp với các cơ quan, ngành, đoàn thể để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ công chức.
- Cung cấp tài liệu, kinh nghiệm, nghiệp vụ cho các tổ chức, cơ quan có liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nắm tình hình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, có sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình, động viên khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu.
- Tổ chức bồi dưỡng cho độ ngũ cán bộ chuyên trách, báo cáo viên, cộng tác viên về các nội dung chủ điểm cần phổ biến, tuyên truyền phổ biến các văn bản mới.
Ngoài ra cần có các trung tâm tư vấn pháp lý, những trung tâm này góp phần để pháp luật đến với nhân dân và cán bộ, công chức nhanh hơn, giúp họ am hiểu và làm đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba: Cần thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính.
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức cần có hình thức, phương pháp riêng về cách thức tuyên truyền, phổ biến, kế hoạch rà soát nâng cao trình độ pháp lý cho cán bộ, công chức. Trong cơ quan Nhà nước phải thực hiện nghiêm minh, kiên quyết nếu có những vi phạm.
Hiện nay hệ thống tư pháp nước ta đang thực hiện tiến trình cải cách, gắn liền với nó là quá trình hoàn thiện, tinh gọn trong tổ chức tư pháp, chức năng nhiệm vụ được phân công rõ ràng cụ thể, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Thứ tư: Cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng đầu tư nâng cao cơ sở vật chất và kinh phí để công tác tuyên truyền có hiệu quả.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng là biện pháp bao trùm cơ bản để nâng cao chất lương, hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Do vậy, cần phải xác định rõ các mục tiêu, định hướng, xác định đối tượng trọng tâm của từng thời kỳ để thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ, công chức. Xác định vị trí của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong quá trình phối hợp thực hiện.Cần sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, lãnh đạo các cơ quan truyền thông.Hàng năm cần dành một khoản kinh phí nhất định để thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao cơ sở vật chất, đầu tư các trang thiết bị, để công tác có hiệu quả.
Như vậy công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là một khâu quan trọng trong quá trình thực hiện pháp luật, có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn hiện nay. “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú, sinh động….bằng những phán quyết công minh để nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân”(Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002), để “Tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”(Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003)./.