Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân
Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tổ chức và động viên Nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh 'trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân'.
Ngày 3/6/2013, Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Từ đó, thời gian qua, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên, trên cơ sở định hướng của cấp ủy, theo chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí của mình đã phối hợp tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Việc tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” thông tin; tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện chủ trương, công trình, dự án là nội dung quan trọng trong việc tham gia quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT - XH; các dự án lớn, trọng điểm, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư...
Điểm mới của công tác tuyên truyền, vận động hiện nay là: Có sự phối hợp, phân công cụ thể đối tượng tuyên truyền, vận động, tránh chồng chéo; có xác định đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, trong đó cán bộ, đoàn viên, hội viên thì do các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp; chức sắc, chức việc các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì, các thành viên phối hợp… Nội dung tuyên truyền có chọn lọc phù hợp với từng đối tượng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên rộng khắp địa bàn dân cư, theo hướng “Đi từng ngõ, gõ từng nhà và sát từng đối tượng”; “Trong trước, ngoài sau”, “trên trước, dưới sau”. Vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên gương mẫu thực hiện trước để người dân noi theo…
Hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, đa dạng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bằng hình thức trực quan như: Băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích; thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các đội thông tin tuyên truyền lưu động; tuyên truyền thông qua các hoạt động cộng đồng, các lễ hội, các câu lạc bộ, nhóm sở thích, nghề nghiệp; thông qua sinh hoạt tổ Nhân dân tự quản, sinh hoạt chi đoàn, chi hội; thông qua hình thức tuyên truyền miệng…
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc tuyên truyền vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, trong đó MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiên phong trong công tác chuyển đổi số; nâng cấp website thành trang thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc tỉnh kết nối website 10 huyện, thị xã, thành phố và ứng dụng các trang mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động; ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và thực hiện chữ ký số điện tử đồng bộ từ tỉnh đến xã; xây dựng hệ thống dân nguyện nhằm quản lý, tiếp nhận phản ánh tương tác giữa người dân và mặt trận, chính quyền; xây dựng hệ thống số hóa dữ liệu các lĩnh vực hoạt động mặt trận…
Đặc biệt, năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đưa vào Cổng thông tin cứu trợ - thiện nguyện tỉnh Quảng Trị hoạt động trên nền tảng web có địa chỉ truy cập https:// cuutro.quangtri.gov.vn/; trên điện thoại di động các phiên bản Androi, IOS. Tính đến tháng 6/2022, phần mềm cứu trợ, thiện nguyện tỉnh Quảng Trị là phần mềm duy nhất trên toàn quốc được triển khai ứng dụng trong hoạt động cứu trợ, thiện nguyện một cách đồng bộ từ tỉnh đến khu dân cư, đây là một nỗ lực lớn của tỉnh Quảng Trị trong ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ 4.0 để xây dựng phần mềm đa nền tảng (Web, IOS, Androi) nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, giám sát; thiết lập kênh cung cấp thông tin chính thống phục vụ cho các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Mặt trận các cấp trong tỉnh đã duy trì tốt, hoạt động hiệu quả nhiều mô hình như:Thành phố Đông Hà với mô hình “Dòng họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; huyện Triệu Phong với mô hình “Khu dân cư kết hợp hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế”, mô hình “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”; huyện Hải Lăng có các mô hình: “Phật tử chùa Phước An đảm bảo an ninh trật tự bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”; mô hình “Giáo xứ bình yên, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường”; huyện Cam Lộ với mô hình “Chia nắng trên thao trường”, “Thứ 7, Chủ nhật vì dân”.
Mô hình tổ giám sát COVID-19 cộng đồng với các thành viên là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận và hội, đoàn thể với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển KT - XH, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội trong trạng thái bình thường mới; mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Công tác tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ sự phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bầu cử nên cử tri đi bầu đạt tỉ lệ 99,77%.
Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy; cấp ủy, vai trò của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp; sự chủ động, sáng tạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong việc thực hiện các văn bản ký kết liên tịch, sự tạo điều kiện về kinh phí, tài liệu, văn bản hướng dẫn. Công tác dân vận của chính quyền cũng là yếu tố quyết định sự thành công trong vận động quần chúng nhân dân .