Tăng cường công tác xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Ngày 10-9, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện số 29/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Cộng điện nêu rõ: Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước; trên địa bàn tỉnh ta cũng đã xuất hiện nguy cơ lây nhiễm rất cao, dự báo tình hình dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt là từ ngày 24-8-2021 đến nay đã phát hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng tại huyện Nông Cống và Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, lây nhiễm cho nhiều bệnh nhân, ở 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Mặc dù, tình hình dịch COVID-19 cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm trong các khu vực cách ly, các vùng thực hiện giãn cách xã hội và tiềm ẩn trong cộng đồng vẫn rất khó lường.
Để tăng cường hiệu quả công tác xét nghiệm, tầm soát, trụy vết trên diện rộng, nhanh chóng phát hiện, kiểm soát nguồn lây, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả, căn cứ Công điện số 1305/CĐ-BYT ngày 2-9-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác xét nghiệm. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tổ chức thực hiện công tác xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, đơn vị cụ thể thực hiện một số nội dung sau đây:
1. Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động đánh giá phân vùng nguy cơ, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai công tác xét nghiệm trên địa bàn phù hợp theo từng mức nguy cơ, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng một số yêu cầu sau đây:
1.1. Việc tổ chức xét nghiệm phải thực hiện chủ động theo kế hoạch đã xây dựng và theo chỉ định của cơ quan y tế địa phương, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, nhanh chóng truy vết, khoanh vùng; phương pháp xét nghiệm phù hợp với từng nhóm đối tượng nguy cơ, với tình huống dịch cụ thể (sử dụng Test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR kết hợp với việc gộp mẫu). Xét nghiệm gộp mẫu (kể cả Test nhanh kháng nguyên và RT-PCR) đối với các đối tượng cùng nhóm có nguy cơ thấp. Các đối tượng nguy cơ cao như F1 và người trong khu vực phong tỏa cần xem xét lấy mẫu đơn.
1.2. Thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có tiền sử dịch tễ, nghi ngờ, có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng để có biện pháp khoanh vùng, cách ly kịp thời, không để lây lan cộng đồng.
1.3. Thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát bằng Test nhanh kháng nguyên theo tần suất 5-7 ngày/lần; căn cứ kết quả điều tra dịch tễ và năng lực xét nghiệm của địa phương có thể áp dụng linh hoạt để lấy mẫu đơn, mẫu đại diện hoặc gộp mẫu.
1.4. Đối với các F0 và các đối tượng nguy cơ cao như các đối tượng F1, người trong khu vực phong tỏa và các đối tượng đặc biệt khác thực hiện xét nghiệm theo chỉ định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm y tế tuyến huyện dựa trên kết quả điều tra dịch tễ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
1.5. Nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác xét nghiệm tầm soát chủ động và xét nghiệm điều tra dịch tễ theo kế hoạch được sử dụng từ nguồn kinh phí nhà nước theo phân cấp và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp, theo phương châm “4 tại chỗ”.
2. Các cơ quan, đơn vị nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, bệnh viện, cơ sở y tế..., chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí у kinh phí và thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho người lao động bằng Test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR định kỳ tối thiểu 5-7 ngày/1 lần cho người lao động đạt ít nhất:
- 50% người lao động tại các cơ sở có số lao động dưới 1.000 người;
- 20% tại các cơ sở có số lao động từ 1.000 đến 10.000 người;
- 10% tại các cơ sở có số lao động trên 10.000 người.
Đối với các đơn vị đã tiêm đủ 02 mũi vắc xin cho trên 70% người lao động thì thực hiện xét nghiệm sàng lọc 14 ngày/lần. Báo cáo kế hoạch và kết quả xét nghiệm về Trung tâm Y tế trên địa bàn để phối hợp theo dõi, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
3. Đối với các vùng nguy cơ cao, vùng phong tỏa, vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện tiếp tục rà soát, đánh giá sát diễn biến tình hình dịch, phân loại các khu vực theo mức nguy cơ và triển khai thực hiện việc xét nghiệm thần tốc, như sau:
3.1. Tại các khu vực có nguy cơ rất cao: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở, hộ gia đình cho toàn bộ người dân 3-5 ngày/lần; có thể lấy mẫu đơn hoặc mẫu gộp theo nhà, hộ gia đình để làm xét nghiệm Test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR, cho đến khi được đánh giá hạ mức nguy cơ.
3.2. Tại các khu vực nguy cơ cao: Lấy mẫu gộp theo hộ gia đình, căn hộ, phòng... làm xét nghiệm Test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) cho đến khi được đánh giá hạ mức nguy cơ.
3.3. Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác còn lại: Lấy mẫu gộp theo hộ gia đình, căn hộ, phòng... làm xét nghiệm RT-PCR cho toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất) cho đến khi được đánh giá hạ mức nguy cơ.
4. Giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở xét nghiệm RT-PCR mới được trang bị khẩn trương hoàn chỉnh quy trình chuyên môn kỹ thuật, bố trí nhận lực để triển khai thực hiện xét nghiệm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; đồng thời, thành lập bộ phận tiếp nhận, điều phối mẫu xét nghiệm phù hợp với năng lực của các cơ sở xét nghiệm RT-PCR trên địa bàn, đảm bảo thuận lợi và trả lời kết quả xét nghiệm chậm nhất trong vòng 12 giờ kể từ khi nhận mẫu.
Phối hợp với Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh căn cứ quy định hiện hành, hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28-5-2021 và tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh để thống nhất quy định mức giá thanh toán xét nghiệm COVID-19 và hướng dẫn các cơ sở y tế triển khai thực hiện.
Có văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân huy động, sử dụng các nguồn kinh phí theo hình thức xã hội hóa để chủ động thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Đồng thời, công bố danh sách các cơ sở đủ điều kiện thực hiện dịch vụ xét nghiệm RT-PCR trên địa bàn tỉnh, cập nhật danh mục các loại test nhanh kháng nguyên của các hãng sản xuất theo thông báo của Bộ Y tế; cơ sở cung ứng, mức giá, chi phí có liên quan để chủ động mua sắm, thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ phù hợp với từng nhóm đối tượng đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.