Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong chuỗi cung ứng
Chiều ngày 27/3, Ban Chỉ đạo Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương đã họp thông tin về Kế hoạch tổ chức phát động Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.
Bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: “Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (1-31/5) được phát động vào ngày 26/4 cùng với Tháng Công nhân. Chủ đề của tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 là “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Lý giải về chủ đề năm nay, bà Chu Thị Hạnh cho biết: “Công tác đảm bảo an toàn lao động đã được các cấp, các ngành, doanh nghiệp triển khai trong những năm qua. Mỗi năm Ban chỉ đạo chọn chủ đề khác nhau để truyền tải thông điệp định hướng tuyên truyền. Trong đó, chuỗi cung ứng ở các khu công nghiệp và chế xuất tập trung nhiều lao động nên tập trung tuyên truyền đẩy mạnh hơn. Bên cạnh đó, các đơn vị này liên quan đến xuất khẩu đáp ứng tiêu chí về an toàn lao động, vệ sinh môi trường do đối tác đưa ra, nhất là từ các nước như Mỹ, EU. Do đó, thông điệp này cũng góp phần không chỉ đảm bảo an toàn lao động mà còn phát triển kinh tế bền vững”.
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Phía công đoàn hoàn toàn ủng hộ chủ đề năm nay bởi gắn liền với các tiêu chí liên quan đến doanh nghiệp xuất khẩu, phát triển bền vững. Đơn vị sẽ phối hợp với Bộ LĐTBXH triển khai sâu rộng chủ đề này trong tháng 5 cùng với Tháng Công nhân.
Trong năm 2023, điều kiện lao động cũng được cải thiện đáng kể. Trong tổng số mẫu quan trắc môi trường là 1.099.658 mẫu (tăng 16%), có 52.876 mẫu không đạt quy chuẩn vệ sinh lao động, chiếm 4,8%, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Phong trào thi đua đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động phát triển mạnh trong các cấp công đoàn. Có 21.795 công đoàn cơ sở tổ chức các phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động, với 1.348.950 người tham gia, có 89.755 sáng kiến cải thiện điều kiện lao động. Đã có 20.804 doanh nghiệp (DN) thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên, với 226.599 an toàn, vệ sinh viên.
Năm 2023, bảo hiểm xã hội giải quyết mới cho 7.326 trường hợp người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông được hưởng chế độ tai nạn lao động. Trong đó có 2.190 trường hợp hàng háng, và 5.136 trường hợp một lần...
Số lượt người được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khoảng trên 5 triệu người và trên 3.5 triệu thiết bị được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động được tăng cường.
Công tác an toàn, vệ sinh lao động tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn một số tồn tại: Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ), số người mắc bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ TNLĐ làm 7.553 người bị nạn trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người làm 699 người chết. Tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động.
“Tình hình tai nạn lao động năm 2023, khu vực có quan hệ lao động giảm về số người chết và số vụ TNLĐ chết người. Tuy nhiên, khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tăng về số người chết và số vụ TNLĐ chết người, so với năm 2022”, bà Chu Thị Hạnh cho hay.
Về bệnh nghề nghiệp, năm 2023 khám, phát hiện 696 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,1% số người được khám. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp là 600 người.