Tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về quyền con người
Sáng 7-8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người.
Tham dự có các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công chức ngành thông tin và truyền thông một số tỉnh, thành phía Bắc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT-TT, cho biết một trong những nhiệm vụ vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay là cung cấp, nâng cao kiến thức, kỹ năng của các phóng viên, biên tập viên - những người làm công tác truyền tải chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.
Vai trò của truyền thông, báo chí là vô cùng quan trọng bởi truyền thông và báo chí không chỉ là cầu nối đưa thông tin đến công chúng, mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao nhận thức, giáo dục về nhân quyền và phản ánh tình hình thực tế về việc thực thi các quyền này.
Theo ông Hồ Hồng Hải, sự tham gia tích cực của truyền thông và báo chí sẽ giúp tăng cường sự minh bạch, thúc đẩy sự hiểu biết và ủng hộ từ cộng đồng, đồng thời tạo sức ép để các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả hơn.
Trong thời đại số, truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội trở thành những nền tảng quan trọng, giúp thông tin về nhân quyền được lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi. Điều này không chỉ giúp người dân nắm bắt kịp thời các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền con người, mà còn tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Hội nghị không chỉ là dịp để nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực nhân quyền, mà còn là cơ hội để cùng nhau học hỏi, trao đổi thảo luận, đồng thời cùng nhau trau dồi những kiến thức, kỹ năng mới về quyền con người trong bối cảnh hiện nay.
Tại Hội nghị, PGS-TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trình bày Chuyên đề: "Thành tựu bảo đảm quyền con người trong thời kỳ đổi mới và phát huy vai trò của truyền thông, báo chí trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam".
Ông Kiên nhấn mạnh quyền con người là một trong những vấn đề quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Luôn coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội. Bảo vệ quyền con người chính là bảo vệ hạt nhân quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo ông Kiên, Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam quy định rõ ràng, cụ thể về quyền con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của con người đều được thể chế hóa bằng các quy phạm pháp luật. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về quyền con người, Việt Nam cũng đã và sẽ tiếp tục tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền con người.
PGS-TS Tường Duy Kiên cho rằng quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.
Quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người thể hiện sự bình đẳng của tất cả mọi người trong cộng đồng xã hội không phân biệt đối xử chủng tộc, dân tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo… Bản chất tự nhiên con người có sự bình đẳng, không phải là sự cào bằng mà là phổ biến.
Quyền con người là tự nhiên, vốn có. Vì vậy, các quyền con người không thể bị tước đoạt hay hạn chế một cách tùy tiện mà phải dựa trên cơ sở quy định rõ ràng của pháp luật, quyết định bởi chủ thể có thẩm quyền. Quyền con người có thể bị hạn chế, thậm chí tước bỏ trong những trường hợp đặc biệt.
Đối với phóng viên, biên tập viên PGS-TS Kiên đề nghị phải thường xuyên tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quyền con người; thực thi các nghĩa vụ quốc gia đối với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia. Luôn phát hiện, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân.
PGS-TS Tường Duy Kiên đề nghị nhà báo cần tăng cường định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc về quyền con người, vu cáo Chính phủ đàn áp những người hoạt động chính trị là các nhà báo, blogger; hạn chế quyền tự do ngôn luận, internet, tự do lập hội, biểu tình, tự do tôn giáo; vu cáo Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến…