Tăng cường đầu tư hạ tầng lưới điện
Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng lưới điện; xây dựng mới, sửa chữa lưới điện đạt chuẩn tại các địa phương đang xây dựng nông thôn mới (NTM)… sẽ góp phần phát huy các lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai phương án cấp điện mùa khô
Số liệu từ Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC TTH), 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh là 621,630 triệu kWh, tăng 6,07% so cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Đại Phúc – Giám đốc PC TTH, hiện nay, phụ tải của tỉnh được cấp điện từ 2 TBA 220kV với tổng công suất 625 MVA. Cụ thể, TBA 220kV Phong Điền (125 MVA), TBA 220kV Huế (Ngự Bình) (2x250 MVA) và 14 TBA 110kV với tổng công suất 633 MVA.
“Năm 2024, công suất tiêu thụ điện cao nhất trên địa bản tỉnh ước đạt 377 MW, tăng 7,3% so với năm 2023. Riêng quý I/2024 đạt 434,92 triệu kWh, tăng 5,01% so với cùng kỳ. Thành phần phụ tải chiếm tỷ trọng cao nhất là công nghiệp – xây dựng chiếm 42,81%; thành phần thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng có mức tăng trưởng cao nhất 22,26%”, ông Phúc thông tin.
Mùa khô năm 2024 dự báo sẽ rất khắc nghiệt, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã yêu cầu PC TTH triển khai các phương án cấp điện ổn định, an toàn trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, PC TTH đã lập các phương án: “Ngừng, giảm cung cấp điện khi hệ thống điện Quốc gia ở chế độ cực kỳ khẩn cấp, tiết giảm phụ tải khi hệ thống điện Quốc gia thiếu nguồn năm 2024”; Khôi phục hệ thống điện phân phối tỉnh năm 2024 để nhanh chóng khôi phục hệ thống điện phân phối toàn tỉnh khi có sự cố rã lưới xảy ra.
Bên cạnh tăng cường kiểm tra bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện, lập phương án mượn nguồn phát diesel của khách hàng, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, ngăn chặn các điểm mất an toàn, nguy cơ cháy nổ cao…, triển khai Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, PC TTH đã ký cam kết tiết kiệm điện với 19.978 khách hàng, sản lượng cam kết tiết kiệm là 15,639 triệu kWh.
Điện lực Huế cũng thực hiện ký kết cam kết, thỏa thuận với khách hàng về tiết giảm công suất khi hệ thống điện gặp khó khăn với 20.029 khách hàng, với tổng công suất ước tiết giảm là 69,12 MW và ký kết thỏa thuận Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) tự nguyện phi thương mại với 121 khách hàng, tổng công suất tối đa cam kết DR đạt 19,60 MW với sự kiện DR thông báo trước 24 giờ, và 9,89 MW với sự kiện DR khẩn cấp; tổng công suất tiềm năng tiết giảm đã thỏa thuận là 29,49 MW.
Tăng cường đầu tư hạ tầng
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương trên cả nước có hạ tầng điện đáp ứng sản xuất cho doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân trên địa bàn và hiện đang triển khai nhiều dự án lưới điện theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện, tổng công suất các nguồn phát điện trên địa bàn tỉnh là 610,3 MW; trong đó, 13 nhà máy thủy điện có tổng công suất 459,3 MW, 2 nhà máy điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà có tổng công suất 130 MW và 1 nhà máy điện rác Phú Sơn công suất 12 MW.
Tại buổi làm việc về tình hình cung ứng điện trên địa bàn tỉnh với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa qua, ông Phan Quý Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, UBND tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc phối hợp lập kế hoạch thực hiện phương án phát triển mạng lưới cấp điện; tạo điều kiện, hỗ trợ ngành điện trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư đối với các công trình trên địa bàn tỉnh...
Tuy nhiên, để huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng lưới điện; phát huy các lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đề nghị EVN và các thành viên trực thuộc bố trí vốn, sớm chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư danh mục các công trình hạ tầng kỹ thuật nguồn điện và lưới điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg về “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Quyết định số 1745/QĐ-TTg về “Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian 2024-2025, giai đoạn 2026-2030 và công trình sau 2030”. Trong đó, cần quan tâm đến các dự án UBND tỉnh đã đề nghị tại Công văn số 1410/UBND-CT ngày 15/2/2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các dự án động lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, UBND tỉnh đang cấp chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thép xanh Chân Mây số 1. Đây là dự án có nhu cầu sử dụng điện của tổ hợp với công suất khoảng 575MW, dự kiến vận hành vào quý I/2028. Nhằm đáp ứng nguồn điện phục vụ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh nói riêng, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, UBND tỉnh đề nghị EVN quan tâm, phối hợp, sớm triển khai các thủ tục liên quan đến dự án, hệ thống lưới điện được phê duyệt.
UBND tỉnh cũng đề nghị EVN chỉ đạo các tổng công ty phối hợp với các địa phương để rà soát, cập nhật những dự án dự kiến triển khai vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của các địa phương; hỗ trợ lập phương án phát triển hệ thống các TBA và đường dây sau TBA 110kV thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình UBND tỉnh.
“Một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và kiểu mẫu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đánh giá và xét công nhận các tiêu chí về điện trong Bộ tiêu chí Quốc gia vẫn còn một số địa phương chưa đạt tiêu chí (chủ yếu là tiêu chí 4.1). Để hỗ trợ những địa phương đạt tiêu chí về điện, hoàn thành xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, EVN, EVNCPC cần quan tâm bố trí nguồn vốn hàng năm để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa lưới điện đạt chuẩn theo quy định”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đề nghị.