Tăng cường điều tra và xử lý vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi nguy hại nhất, vi phạm nghiêm trọng quy tắc cạnh tranh trên thị trường và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

“Khối u ác tính” của nền kinh tế thị trường

Được coi là hiến pháp của nền kinh tế, Luật Cạnh tranh tạo lập sân chơi công bằng, bình đẳng cho mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua việc điều chỉnh các hành vi bóp méo cạnh tranh trên thị trường. Một trong các hành vi phản cạnh tranh, gây tổn thất tới phúc lợi xã hội, quyền lợi người tiêu dùng nghiêm trọng là hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Theo Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được hình thành giữa các doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh với nhau trên thị trường. Để kinh doanh, tồn tại, các doanh nghiệp cần phải nỗ lực đạt được lợi thế hơn so với các đối thủ và đây được coi là quá trình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi phải đối mặt với cạnh tranh, không ít các doanh nghiệp đã nhìn nhận cạnh tranh như một mối hiểm họa đối với khả năng thu lợi nhuận cũng như sự tồn vong của doanh nghiệp. Thay vì nỗ lực điều chỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp này đã chọn một con đường dễ dàng hơn là cùng nhau dàn xếp, thỏa thuận về các vấn đề thiết yếu trong kinh doanh như: giá cả, sản lượng, thị trường, khách hàng… để duy trì thị phần và lợi nhuận của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận. “Khi đó, thị trường không còn được điều tiết bởi các yếu tố cơ bản là giá và sản lượng mà được dẫn dắt bởi các nội dung trong thỏa thuận, gây nên bóp méo cạnh tranh, tổn hại tới phúc lợi xã hội” - Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cho hay.

Nêu quan điểm về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, ông Graeme Samuel - Ủy ban trưởng Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Úc - từng nói: “Thỏa thuận ấn định giá, một trong số những hình thái biểu hiện của hành vi các-ten (cartel - là thỏa thuận hợp tác về giá, sản lượng và những điều kiện khác giữa các doanh nghiệp trong thị trường), bị coi là một “khối u ác tính” của nền kinh tế Úc”.

Trong khi đó, ông William E. Kovacic, cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại lành mạnh Liên bang Mỹ cho rằng: “Hành vi các-ten nói chung và hành vi thỏa thuận ấn định giá nói riêng có tác động rất xấu đến bất kỳ nền kinh tế nào, nó như là một “ung nhọt” của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, hành vi này có thể bị xem như là hành vi “ăn cướp” trắng trợn và có tính chất nghiêm trọng vì nó có ảnh hưởng, xâm phạm lợi ích của nhiều người tiêu dùng và là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng bất ổn của nền kinh tế”.

Do những tác động nghiêm trọng này, việc điều tra và xử lý vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh luôn được các cơ quan cạnh tranh trên thế giới coi là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực thi pháp luật tranh.

Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được coi là “khối u ác tính” của nền kinh tế thị trường. Ảnh minh họa

Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được coi là “khối u ác tính” của nền kinh tế thị trường. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh lần đầu tiên được ban hành vào năm 2004 và có hiệu lực vào năm 2005. Theo thống kê của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong gần 15 năm thực thi, số lượng vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được Cục Quản lý Cạnh tranh (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) điều tra theo quy trình tố tụng chỉ là 2 vụ việc. Trong đó, 1 vụ việc được Hội đồng Cạnh tranh đình chỉ giải quyết theo quy định của pháp luật. Như vậy, công tác điều tra, xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại Việt Nam chưa thực sự tương xứng với mục tiêu kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh của pháp luật cạnh tranh.

“Theo rà soát và nghiên cứu, một trong những nguyên nhân của vấn đề trên đến từ vướng mắc pháp lý. Trong quá trình thực thi, Luật Cạnh tranh 2004 bộc lộ nhiều vấn đề không phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, tạo nên các rào cản cho cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp thực thi pháp luật” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định.

Cần hệ thống giải pháp tổng thể xử lý vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Đến năm 2018, Luật Cạnh tranh mới được ban hành và thay thế cho Luật Cạnh tranh 2004. Trong Luật Cạnh tranh 2018, quy định kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã được sửa đổi, bổ sung dựa trên tư duy pháp lý kết hợp với tư duy kinh tế; trong đó, tập trung đánh giá bản chất của hành vi vi phạm tới cạnh tranh trên thị trường. Quy định được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện theo hướng mở rộng và thay đổi cách quy định cấm, thay vì quy định cấm dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận.

Luật Cạnh tranh 2018 cũng quy định các tiêu chí đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Quy định của luật cho phép kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, cả theo chiều ngang và theo chiều dọc, gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

Tuy nhiên, từ thực tế những năm qua tại Việt Nam, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cho rằng, việc sửa đổi pháp luật cạnh tranh chỉ là “điều kiện cần” trong việc tăng cường công tác điều tra, xử lý vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Bên cạnh đó, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự dịch chuyển số hóa và xu hướng kinh doanh toàn cầu, việc điều tra hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo phương thức truyền thống không còn phù hợp với sự biến đổi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, để thúc đẩy hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh nói chung, điều tra và xử lý vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nói riêng, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cho rằng, cần có hệ thống giải pháp tổng thể, từ việc định hướng hoàn thiện quy định pháp luật tới các giải pháp nâng cao năng lực thực thi của cơ quan cạnh tranh cũng như các giải pháp phụ trợ khác như: nâng cao nhận thức pháp luật cạnh tranh của cộng đồng, tăng cường hợp tác giữa cơ quan cạnh tranh và cơ quan nhà nước có liên quan và tăng cường hợp tác quốc tế trong cạnh tranh...

Để đạt được các mục tiêu tạo lập môi trường công bằng, bình đẳng, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và quyền lợi người tiêu dùng như đã đề ra tại Chính sách cạnh tranh, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cho biết, đơn vị đang thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường điều tra và xử lý vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại Việt Nam”.

Theo đó, đề tài đã xác định một trong những khó khăn, vướng mắc tiềm ẩn liên quan đến công tác điều tra và xử lý vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là quy định về hình sự hóa hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhưng chưa có các chính sách đối trọng để giúp doanh nghiệp thực hiện đầu thú.

“Nhóm tác giả đã tập trung phân tích mối quan hệ giữa pháp luật về cạnh tranh và Bộ Luật hình sự trong điều tra và xử lý vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, từ đó nêu ra các vướng mắc pháp lý trong quá trình xử lý vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật” - Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cho hay.

Lê Na

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-dieu-tra-va-xu-ly-vu-viec-thoa-thuan-han-che-canh-tranh-354770.html