Tăng cường đoàn kết là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh
'Phong cách giản dị, khiêm tốn, thân thiện, dễ gần… của Bác Hồ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người và trở thành tấm gương để những người Cộng sản học tập'.
Đây là chia sẻ của ông Lăng Đức Quyền - lưu học sinh Trung Quốc từng học tập tại Việt Nam, và cũng có thời gian khá dài công tác tại Hà Nội với vai trò là Trưởng phân xã Tân Hoa xã, một nhà nghiên cứu về Việt Nam - khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam Lăng Đức Quyền trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Quang Hưng/PV TTXVN tại Trung Quốc
Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Lăng Đức Quyền đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc về vị lãnh tụ mà ông từng nhiều lần gặp gỡ khi còn là lưu học sinh Trung Quốc tại Việt Nam vào những năm 1960.
Ông hồi tưởng một trong những cuộc gặp khó quên nhất diễn ra vào ngày 3/10/1964, khi Bác Hồ - cách gọi trìu mến và tôn kính của mọi người dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, nồng nhiệt tiếp đón hơn 30 thanh niên nam nữ Trung Quốc mới đến Việt Nam tại Phủ Chủ tịch. Hình ảnh Bác Hồ bước vào sảnh lễ tân trong bộ áo bà ba màu nâu sẫm và đôi “giày cao su kháng chiến” đã để lại trong ông ấn tượng sâu đậm. Dù là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, phong thái và trang phục giản dị ấy khiến Bác trông gần gũi như một vị cha già phúc hậu nơi thôn quê.
Ông Lăng Đức Quyền hồi tưởng trong không khí hân hoan, Bác Hồ liên tục mời mọi người ngồi xuống ổn định. Đại sứ Trung Quốc khi đó Chu Kỳ Văn (Zhu Qiwen) đã đề nghị sinh viên Trung Quốc hát bài “Ca ngợi Hồ Chí Minh”. Bác Hồ đã nhẹ nhàng khoát tay từ chối và đề nghị cả hội trường cùng hát bài “Đông Phương Hồng” - một ca khúc nổi tiếng ở Trung Quốc.
Ông Lăng Đức Quyền nhấn mạnh, mặc dù những chi tiết và hành động ấy đã diễn ra cách đây 60 năm, nhưng vẫn phản ánh trọn vẹn những phẩm chất cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một con người cần kiệm, khiêm nhường. Bác Hồ cũng luôn giữ tình cảm sâu đậm đối với Chủ tịch Mao Trạch Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Theo ông, đó là tình cảm của mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” gắn bó mật thiết giữa hai dân tộc.
Ông Lăng Đức Quyền xúc động chia sẻ: “Năm 1964, khi đó tôi mới 18 tuổi và lần đầu đến Việt Nam, bây giờ tôi đã 80 gần tuổi. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, tôi đã nhiều lần đến Việt Nam và vào Lăng viếng Bác. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác Hồ. Tôi vô cùng trân trọng ký ức về những đóng góp to lớn của Bác Hồ cho nền độc lập dân tộc và sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, cho việc xây dựng và phát triển tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng trong kỷ nguyên mới, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam và việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược Trung Quốc - Việt Nam chắc chắn sẽ không ngừng được đẩy mạnh và tiếp tục đạt được những thành quả mới”.
Nói về vai trò của tinh thần đoàn kết trong Tư tưởng Hồ Chí Minh, ông Lăng Đức Quyền dẫn lại lời Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, cho rằng đây là nguyên lý xuyên suốt và có ý nghĩa quyết định đối với mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Theo ông, tư tưởng đoàn kết của Người bao gồm ba cấp độ: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Theo ông Lăng Đức Quyền, giữ vững và tăng cường đoàn kết là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh và là “vũ khí thần kỳ” đưa cách mạng và xây dựng đất nước Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ông đánh giá cao việc lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần ấy trong bối cảnh đất nước phát triển và bước vào kỷ nguyên mới, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trích dẫn bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Tổng Bí thư Tô Lâm, ông Lăng Đức Quyền nhấn mạnh tầm nhìn của lãnh đạo Việt Nam về chính sách hòa hợp dân tộc. “Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng, để các thế hệ mai sau không bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chia ly và hận thù, mất mát như cha ông từng đối mặt”.
Ông Lăng Đức Quyền cũng khẳng định: “Tôi hoàn toàn nhận thức được những hy sinh to lớn của nhân dân Việt Nam để giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Đồng thời, tôi cũng nhận thức đầy đủ rằng hậu quả của chiến tranh Việt Nam vẫn chưa thể được khắc phục hoàn toàn. Một nhóm nhỏ các thế lực thù địch vẫn đang lên kế hoạch và thực hiện những âm mưu thầm kín trong bóng tối để gieo rắc bất hòa, chia rẽ và phân cực”. Theo ông, trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi “hai mục tiêu 100 năm” xây dựng Đảng, xây dựng đất nước của Việt Nam.
Ông Lăng Đức Quyền đánh giá, “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” là chủ trương nhất quán của Việt Nam được thực hiện theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Dù là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ hay 40 năm Đổi mới, chính sách này đã được chứng minh là đúng đắn, hiệu quả và vẫn có sức sống mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã phát biểu: Dân tộc Việt Nam “đang tiếp tục viết nên một bản hùng ca mới - bản hòa ca của đổi mới, hội nhập, phát triển và ý chí vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI”. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam cần phải có bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo để phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Tổng Bí thư cũng khẳng định tầm quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân. “Trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của kết nối toàn cầu, mỗi người Việt Nam ở khắp năm châu đều có thể góp phần vào công cuộc dựng xây đất nước bằng chính tri thức, sự sáng tạo, lòng yêu nước và trách nhiệm công dân”.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta không thể để đất nước tụt hậu. Chúng ta không thể để dân tộc đánh mất cơ hội. Chúng ta không thể để lặp lại những vòng xoáy của lịch sử”. “Nhìn về phía trước, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào tin tưởng vào sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam”. “Dân tộc Việt Nam - với tất cả những bài học từ quá khứ, với tất cả sự đoàn kết hôm nay - nhất định sẽ viết tiếp những chương mới rực rỡ trong hành trình phát triển của mình. Vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn vinh, văn minh, thịnh vượng, có vị thế và tiếng nói quan trọng trong cộng đồng quốc tế.”
Ông Lăng Đức Quyền cho rằng, những phát biểu này của Tổng Bí thư Tô Lâm rất vang dội và mạnh mẽ. Đó là tiếng gọi của thời đại cho một hành trình mới xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, giàu mạnh, tươi đẹp hơn, thể hiện khát vọng của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam.