Tăng cường đối thoại vì quyền lợi người lao động

Với mong muốn để công nhân lao động phản ánh những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tăng cường kết nối, phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người lao động. Qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên.

Tiếng nói của công nhân được lắng nghe

Trong tháng 5 - Tháng Công nhân, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, hướng về công nhân lao động. Trong đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tăng cường kết nối, tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người lao động, để công nhân lao động có cơ hội phản ánh những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.

Điển hình như LĐLĐ đã phối hợp với UBND Thành phố tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô năm 2024. Tại đây, nhiều kiến nghị của công nhân lao động đã được bày tỏ.

Có trên 600 ý kiến, kiến nghị gửi về từ các đại biểu công nhân lao động và Công đoàn cơ sở. Qua tổng hợp, chủ yếu các ý kiến đề xuất với Thành phố và các sở, ngành liên quan, tập trung vào các nhóm vấn đề: Nhà ở cho công nhân; đời sống, việc làm của công nhân lao động; vấn đề thực hiện chính sách đối với công nhân lao động; an toàn giao thông; nâng cao trình độ chuyên môn và đào tạo nghề; đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp…

LĐLĐ đã phối hợp với UBND Thành phố tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô năm 2024.

LĐLĐ đã phối hợp với UBND Thành phố tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô năm 2024.

Cụ thể như anh Nguyễn Văn Nam (Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á, LĐLĐ huyện Gia Lâm) nêu kiến nghị, sau dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm không còn dự án nhà ở xã hội nào được xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, có nhiều công nhân, vợ chồng trẻ, phải đi thuê nhà trọ, đề nghị Thành phố xem xét có thêm các dự án nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội.

Không chỉ riêng cấp Thành phố, tại các quận, huyện, Công đoàn cấp trên cơ sở cũng đẩy mạnh hoạt động đối thoại vì người lao động. Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Thường Tín với công nhân, viên chức, lao động năm 2024 đã có hơn 100 câu hỏi gửi về.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh đã tiếp thu toàn bộ các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; đồng thời nhấn mạnh, đây đều là những ý kiến “đúng” và “trúng”, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đoàn viên, người lao động trên địa bàn huyện.

Hay tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn với công nhân, người lao động, đã có 300 lượt ý kiến, kiến nghị đại diện cho trên 13.000 đoàn viên là công nhân lao động từ Công đoàn cơ sở được ghi nhận. Công nhân lao động đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, phát triển kinh tế; lĩnh vực liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, thủ tục hành chính; lĩnh vực liên quan đến việc cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất. Vấn đề về lương và phụ cấp: Giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng, bảo vệ, y tế.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trực tiếp giải đáp kiến nghị của người lao động.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trực tiếp giải đáp kiến nghị của người lao động.

Vấn đề về đảm bảo đủ biên chế giáo viên, nhân viên tại các trường mầm non; xây thêm trường học để đảm bảo số học sinh trên lớp đúng qui định. Đề nghị điều chỉnh lương theo bằng cấp, và một số vấn đề khác như: Hồ sơ chuyên môn tại cấp học mầm non, vấn đề về khám chữa bệnh ngoài giờ….

Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn khẳng định, việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với người lao động, mục đích chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động được tốt hơn. Ngoài việc thực hiện tốt việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tổ chức Công đoàn cũng góp phần tích cực tuyên truyền để đoàn viên, công nhân lao động nghiêm túc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tháo gỡ “trúng” và “đúng”

Hiệu quả của việc đối thoại được thể hiện rõ ở việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp để giải quyết ngay kiến nghị công nhân lao động nêu. Đơn cử, tại Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô năm 2024, vấn đề nhà ở xã hội được công nhân lao động quan tâm được người đứng đầu chính quyền Thành phố giải đáp thỏa đáng.

Anh Nguyễn Văn Nam (Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á, LĐLĐ huyện Gia Lâm) nêu kiến nghị tại Hội nghị đối thoại.

Anh Nguyễn Văn Nam (Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á, LĐLĐ huyện Gia Lâm) nêu kiến nghị tại Hội nghị đối thoại.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, nhà ở là vấn đề quan trọng đối với mỗi người lao động nói chung. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội triển khai việc này còn chậm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong bối cảnh mọi thủ tục, quy trình như thủ tục đầu tư, thủ tục thuê mua nhà đều được các cơ quan, ban, ngành triển khai rất thận trọng.

Việc triển khai nhà ở xã hội còn chậm là lỗi của Thành phố, của sở, ban, ngành, trong đó cả cả quận, huyện, thị xã liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, trong năm 2024 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ, phải khởi công được các khu nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch. Các sở, ban, ngành phải xác định đây là món nợ với người lao động, với công nhân lao động trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Sở Xây dựng cùng với các sở, ban, ngành khác phải xử lý công việc với tinh thần nhanh nhất, quyết liệt để có quỹ nhà cung ứng cho người lao động.

Sau đó, chủ trì phiên họp nghe báo cáo về công tác lựa chọn nhà đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới và việc triển khai các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, trước mắt, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ; các sở, ngành, địa phương phải cam kết bảo đảm đến 1/10/2024, có thể khởi công ít nhất một dự án và phải bảo đảm chất lượng lâu dài.

Hay kiến nghị về việc khám chữa bệnh cần đảm bảo thuận tiện cho công nhân lao động, tại các buổi đối thoại, đại diện Bảo hiểm xã hội Thành phố khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường nguồn lực để tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày lễ, ngày nghỉ.

Một trong những kiến nghị được giải quyết kịp thời nữa đó là việc ôn luyện, thi nâng cao tay nghề cho công nhân lao động. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với LĐLĐ thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện phong trào “Ôn lý thuyết, luyện thi tay nghề, thi thợ giỏi. Các cấp Công đoàn đã phối hợp tổ chức “Hội thi thợ giỏi” các cấp. Qua đó tay nghề của công nhân được nâng lên, nhiều người lao động, công nhân giỏi được tuyên dương, khen thưởng kịp thời…

Công nhân lao động mong mỏi chế độ lương sẽ tốt hơn và sớm được tiếp cận nhà ở xã hội.

Công nhân lao động mong mỏi chế độ lương sẽ tốt hơn và sớm được tiếp cận nhà ở xã hội.

Tại cuộc đối thoại của người đứng đầu quận Bắc Từ Liêm với công nhân lao động, lãnh đạo quận cũng yêu cầu các phòng, ban, ngành liên quan tích cực tuyên truyền, triển khai các quy định đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động.

Đối với kiến nghị liên quan đến hạ tầng cụm công nghiệp, bổ sung các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, Quận ủy đề nghị UBND quận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thoát nước mặt và bàn giao hạng mục vỉa hè trong cụm công nghiệp trong tháng 6/2024.

Cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, đề xuất các quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà văn hóa, điểm vui chơi công cộng, thể dục thể thao, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Là người tham gia buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô năm 2024, anh Đào Minh Đức (Công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam) khẳng định, đây là dịp giúp anh mạnh dạn nói lên nguyện vọng chính đáng của mình. Kiến nghị của anh cũng được các cấp, ngành quan tâm, giải quyết. Đơn cử như việc cải tạo hạ tầng các khu công nghiệp và ứng dụng chuyển đổi số để đáp ứng với yêu cầu công việc trong tình hình mới.

“Qua mỗi lần tham dự Hội nghị, tôi đều thấy sự đổi khác và thiết thực bởi các ý kiến, đề xuất của công nhân lao động với Thành phố đều được lãnh đạo Thành phố, LĐLĐ Thành phố tiếp thu, quan tâm, giải quyết thấu đáo. Tôi mong muốn, thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm nhiều Hội nghị đối thoại để người lao động được gần gũi, chia sẻ những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng tới lãnh đạo Thành phố, đề xuất các kiến nghị để sở, ban, ngành Thành phố xem xét, có hướng xử lý cho phù hợp, đúng theo quy định”, anh Đức bày tỏ.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-cuong-doi-thoai-vi-quyen-loi-nguoi-lao-dong-171552.html