Tăng cường giải pháp xử lý thông tin xấu, độc

Một trong những vấn đề làm nóng phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua là quản lý tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên mạng.

Thanh niên xem Triển lãm Giao lưu ảnh đẹp các nước ASEAN tỉnh Đồng Nai lần thứ I-2024. Ảnh: L.Viên

Thanh niên xem Triển lãm Giao lưu ảnh đẹp các nước ASEAN tỉnh Đồng Nai lần thứ I-2024. Ảnh: L.Viên

Là một trong những nước có tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội (MXH) cao nhất thế giới, Việt Nam những năm qua vẫn luôn quan tâm đến vấn đề quản lý tin giả, thông tin xấu, độc… trên không gian mạng.

Tin giả, xấu, độc vẫn xuất hiện

Lợi dụng sự phát triển của MXH, những tin giả, sai sự thật, xấu, độc vẫn không ngừng được dàn dựng và phát tán trên các trang MXH. Với những động cơ, mục đích khác nhau, từ đơn giản như muốn “câu like”, “câu view” để nổi tiếng, đem lại các lợi ích về kinh tế, cho đến âm mưu thâm độc tác động đến tư tưởng, niềm tin của người dân, một bộ phận người dùng MXH đã tung nhiều thông tin bịa đặt, vu khống hoặc cắt - ghép, bóp méo thông tin trên nhiều nền tảng MXH.

Các tin giả, tin xấu, độc thường liên quan đến những sự kiện được dư luận quan tâm, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội như: các tin tức về dịch bệnh Covid-19, bệnh bạch hầu; tình hình thiên tai, bão lũ; về tài chính - ngân hàng; tin nhân sự cấp cao… Thậm chí, có những tin giả đã từng gây “bão” mạng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 9-11-2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng, trong đó có việc ngăn chặn và gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Chẳng hạn như đợt Quốc tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong khi cả nước tiếc thương tiễn biệt nhà lãnh đạo vì nước, vì dân thì trên một số trang MXH lan truyền những thông tin ghép hình ảnh cố Tổng Bí thư gắn với những câu nói giả mạo là phát ngôn của cố Tổng Bí thư.

Tại Đồng Nai, ngày 17-9, tài khoản MXH Facebook “Tôi Yêu Xuân Lộc” đăng tải thông tin sai sự thật về vụ cướp tài sản tại đường Xuân Hiệp - Lang Minh qua đoạn hầm chui đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, thuộc xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc. Từ bài đăng này, đã có nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ thông tin gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Qua xác minh, cơ quan công an cho biết, không có sự việc bị cướp tài sản như tài khoản này đăng tải, người này nhận thức được hành vi vi phạm của mình gây ra, chủ động gỡ bỏ nội dung và cam kết không tái phạm.

Hay như ngày 8-11 vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với P.T.A (ngụ huyện Nhơn Trạch) vì đã có hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Thế lực thù địch sử dụng các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới

Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị triệt để sử dụng các nền tảng MXH xuyên biên giới do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, gây nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng.

Hệ thống lại, mục đích của các thông tin xấu, độc này được các thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhắm đến là: phủ nhận thành tựu cách mạng của Đảng, Nhà nước; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoặc tổ chức; gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo, “đòi đa nguyên, đa đảng”, “đòi phi chính trị hóa trong quân đội”, “phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “đòi tam quyền phân lập”…, từ đó kích động, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự xã hội. Việc tuyên truyền chống phá được các thế lực thù địch khéo léo lồng ghép trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị đến kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường… một cách rất mưu mô và thâm độc khi khoác lên mình chiếc áo “dân chủ”, “nhân quyền”, “khoa học”… để tạo dựng niềm tin.

Điều đáng nói là những thông tin hết sức mập mờ, lấp lửng, cắt - ghép, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng; những thông tin xấu độc, thông tin chống phá Đảng, Nhà nước… lại thu hút được một bộ phận người dùng MXH thiếu hiểu biết. Việc các thông tin xấu, độc này xuất hiện trên MXH và tiếp cận được người dùng như liều thuốc tạo hưng phấn, kích thích các chủ tài khoản MXH tiếp tục “sản xuất” ra các thông tin tương tự.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông NGUYỄN MẠNH HÙNG khẳng định, Việt Nam là nước có chủ quyền và luật pháp trên không gian mạng, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam. Hiện nay, các nền tảng MXH phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm mang tính phổ quát đã được định nghĩa tường minh như: cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố…; đồng thời, hiện có thể xác định được danh tính khi vi phạm…

Tăng trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội

Chất vấn về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thông tin xấu, độc, phản cảm xuất hiện nhiều và từ lâu song đến nay chúng ta vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để; đồng thời, đặt vấn đề cần tăng trách nhiệm đối với các nền tảng MXH.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và truyền thông đã đạt kết quả rất tích cực như tăng tỷ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10-20% năm 2018 đến nay là trên 95%, thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 tiếng và 12 tiếng, trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 tiếng; đồng thời, gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam, mà mang tính toàn cầu. Về giải pháp, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế. Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng MXH khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng MXH khi vi phạm pháp luật Việt Nam. Trước đây, chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng MXH. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các nền tảng MXH phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc. Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong không gian mới là không gian số trong khoảng 10 năm trở lại đây. Vì vậy, vấn đề truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng trong không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai là rất cần thiết…

Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được các cấp, các ngành rất quan tâm. Công tác tuyên truyền, thông tin tích cực trên báo chí, truyền thông, MXH, internet ngày càng phong phú, hấp dẫn. Việc “phủ xanh thông tin”, lấy cái đẹp dẹp cái xấu giúp các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức hơn trong đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước...

Bên cạnh đó, công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ thông qua tập huấn, tọa đàm, triển lãm, về nguồn… được tổ chức thường xuyên cũng góp phần tích cực trong định hướng thông tin, tạo sức đề kháng cho giới trẻ.

Tham quan triển lãm và tham dự chương trình khai mạc Triển lãm Giao lưu ảnh đẹp các nước ASEAN tỉnh Đồng Nai lần thứ I-2024, sinh viên Trần Phúc Huy Hoàng (ngành Logistics, Trường đại học Lạc Hồng) cho biết, qua xem những bức ảnh đẹp về các nước trong khu vực Đông Nam Á, nghe thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực đối ngoại, anh có thêm kiến thức và hiểu biết hơn về lĩnh vực này. Những kiến thức này không chỉ phục vụ cho việc học và việc làm trong tương lai, mà còn giúp anh có những ứng xử đúng đắn, phù hợp trong những trường hợp cụ thể, nhất là trên MXH.

Lâm Viên - Thảo Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202411/tang-cuong-giai-phap-xu-ly-thong-tin-xau-doc-83d6d33/