Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên, nhi đồng
Trong kỷ nguyên số, việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho những 'công dân số' là việc làm quan trọng, nhất là thanh thiếu niên, nhi đồng - đối tượng sử dụng nhiều nền tảng, ứng dụng công nghệ số. Sự việc mới đây càng cho thấy sự cấp thiết của công tác này.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vào ngày 19-7 là tổn thất và đau thương to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Trong thời điểm cả nước đau buồn và tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cá biệt có tài khoản mạng xã hội có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn khiến nhiều người bức xúc.
Cụ thể, có trường hợp thay đổi hình đại diện (avarta) trên trang cá nhân, chuyển sang chế độ hình trắng đen nhưng lại đăng hình ăn mặc phản cảm; có trường hợp phát ngôn, bình luận cợt nhả. Dù đây chỉ là một vài hiện tượng đơn lẻ, cá biệt xuất hiện trên mạng xã hội, bị cộng đồng mạng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ nhưng qua đây cũng cho thấy ý thức và văn hóa rất đáng báo động của một bộ phận người dùng mạng xã hội.
Người dân thể hiện sự kính trọng và tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong thời kỳ đổi mới. Với trí tuệ, tài năng và tầm nhìn chiến lược, cùng ý chí cách mạng kiên định, ông đã lãnh đạo đất nước phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và đại đoàn kết toàn dân, đưa đất nước đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện, có ý nghĩa lịch sử; để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Là Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn để lại dấu ấn sâu đậm trong nhân dân với những phát biểu chỉ đạo rất tâm huyết và quyết liệt, cùng những kết quả cụ thể, nổi bật, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, củng cố hơn nữa niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Trong đối ngoại, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn vô cùng quan trọng với đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, có những đóng góp to lớn cho hòa bình, hữu nghị và hợp tác khu vực và quốc tế.
Nhà lãnh đạo tài năng, xuất sắc ấy còn là một nhà văn hóa, một nhân cách lớn. Qua những câu chuyện đời thường được truyền thông khai thác về cô giáo cũ, căn phòng làm việc, chiếc áo sờn tay, chiếc xe công vụ đời cũ…; cũng như qua lời kể của những người đã trực tiếp làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dân càng kính trọng hơn một lãnh đạo nghĩa tình, có lối sống giản dị, gần gũi.
Một người đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đã, đang và mãi luôn được người dân trân trọng tưởng nhớ, biết ơn. Tình cảm đó được thể hiện rất rõ trong những ngày diễn ra quốc tang, hàng vạn người dân đến viếng, tiễn đưa hoặc thể hiện sự tiếc thương của cả dân tộc bằng nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực. Không những thế, lãnh đạo cấp cao và nhân dân nhiều nước, các tổ chức quốc tế còn gửi điện, hoa, thông điệp và trực tiếp đến viếng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bày tỏ sự chia buồn sâu sắc trước tổn thất to lớn của Đảng và Nhà nước, Nhân dân ta.
Ấy vậy mà, cá biệt có tài khoản mạng xã hội có những hành vi, phát ngôn lệch chuẩn, thể hiện sự bất kính đối với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời rất phản cảm ngay thời điểm cả nước muôn vàn tiếc thương trong những ngày diễn ra quốc tang.
Nhiều người dùng phần lớn thời gian trong ngày để sử dụng internet/mạng xã hội
Trên mạng xã hội, có lúc, có nơi, vẫn có thể bắt gặp những phát ngôn, hành vi thiếu chuẩn mực, phản văn hóa.
Tại Hội nghị Báo cáo viên thường kỳ trực tuyến tháng 7-2024, trình bày chuyên đề Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2023 trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên thông tin tổng quan về tình hình phát triển của internet ở Việt Nam.
Theo đó, số liệu tháng 1-2024 cho thấy, tổng số người dùng internet ở Việt Nam là 78,44 triệu người, chiếm tỷ lệ 79,1% trên tổng số dân. Số lượng cá nhân sử dụng internet luôn tăng qua các năm. Trong đó, tỷ lệ người dùng mạng xã hội so với người dùng internet là 92,7%. Qua đây cho thấy, người dân truy cập internet chủ yếu là để dùng mạng xã hội.
Đặc biệt, theo thống kê, thời gian sử dụng internet trung bình một ngày của người dân là 6 giờ 18 phút. Qua phân tích cho thấy, trong 24h mỗi ngày, trung bình có 1/3 thời giờ để ngủ, 1/3 thời giờ để học tập, lao động; trong 1/3 thời giờ còn lại, chủ yếu là sử dụng internet, phần ít sử dụng để sinh hoạt cá nhân, ăn uống, vui chơi, di chuyển…
Có thể thấy, việc sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng rất lớn đối với mỗi người, nhất là đối với giới trẻ. Trên xa lộ thông tin, có những thông tin tốt và những thông tin chưa tốt, thậm chí là thông tin xấu, độc đến từ những người được cho là “người nổi tiếng trên mạng xã hội”, những thế lực thù địch cài cắm. Do đó, nếu không hiểu biết đúng đắn, đầy đủ, người xem rất dễ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu, những quan điểm sai trái, thù địch… dẫn đến bị suy thoái, chệch hướng về tư tưởng, nhận thức, văn hóa...
Kết hợp hài hòa các hình thức giáo dục
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên, trong kỷ nguyên công nghệ số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng OTT (Over The Top - các ứng dụng trên internet) đòi hỏi phải tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng.
Việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng cần phải kết hợp đa nền tảng mạng xã hội; nội dung phù hợp với thuật toán và hành vi, nhu cầu, lứa tuổi người dùng của từng nền tảng mạng xã hội. Kết hợp hài hòa các hình thực giáo dục trên không gian mạng với giáo dục theo hình thức tuyên truyền miệng, phương thức hoạt động tương tác trực tiếp thông qua phong trào và phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Nội dung giáo dục cho thanh thiếu niên, nhi đồng tập trung vào 3 vấn đề chính: lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống văn hóa.
Cụ thể, về lý tưởng cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên sống có lý tưởng, có ước mơ, có hoài bão, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có “sức đề kháng” và khả năng “miễn dịch” trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Giáo dục hình thành đạo đức trong sáng để định hướng hành vi của mỗi đoàn viên thanh niên, là cơ sở để vững tin và tự lựa chọn con đường, đưa ra được những quyết định đúng đắn trong những hoàn cảnh cụ thể, không bị tác động bởi những yếu tố ngoại cảnh, nhất là những tiêu cực của xã hội.
Giáo dục và xây dựng cho thanh thiếu niên, nhi đồng lối sống đẹp, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, pháp luật được thực thi. Lên án và loại trừ những biểu hiện lệch chuẩn; suy thoái đạo đức, ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn xã hội, ma túy… Thường xuyên thực hành và lan tỏa những hình ảnh đẹp, các giá trị văn hóa tốt đẹp đến cộng đồng.