Tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND

Giám sát là một trong hai chức năng cơ bản, quan trọng của HĐND các cấp. Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh thể hiện rõ tính quyền lực Nhà nước thông qua việc HĐND, Thường trực các Ban, các tổ đại biểu HĐND theo dõi, xem xét, đánh giá việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND ở địa phương; phát hiện cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những hạn chế, vướng mắc và vi phạm trong thực thi pháp luật để kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nghị quyết của HĐND tỉnh.

Giám sát các vấn đề “nóng”, thời sự

Đấu thầu mua sắm tài sản công tập trung tại cơ quan hành chính Nhà nước; triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục... là những vấn đề “nóng”, thời sự trên địa bàn tỉnh, được cử tri quan tâm. Với tinh thần trách nhiệm cao, tại các hội nghị, cuộc làm việc, cùng với những giải đáp, chia sẻ với vai trò là đại biểu dân cử, các đại biểu HĐND, đồng thời là lãnh đạo tỉnh luôn có những chỉ đạo quyết liệt đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong các lĩnh vực này. Đặc biệt, giải quyết triệt để các vấn đề, HĐND tỉnh tổ chức các đoàn giám sát, đánh giá, ghi nhận, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời chấn chỉnh sai phạm.

Thường trực HĐND tỉnh giám sát hoạt động sau sắp xếp, sáp nhập thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại huyện Thuận Châu.

Thường trực HĐND tỉnh giám sát hoạt động sau sắp xếp, sáp nhập thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại huyện Thuận Châu.

Đảm bảo hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục sau sáp nhập hiệu quả, tháng 9/2022, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát, lựa chọn ngẫu nhiên các điểm trường trong đối tượng để giám sát. Thầy giáo Nguyễn Duy Vinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Bon Phặng, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Trường sáp nhập từ Trường tiểu học Bon Phặng và Trường THCS Bon Phặng. Hiện nay, có 1 điểm trường THCS và 2 điểm trường tiểu học, với 22 lớp, 651 học sinh. Sau sáp nhập, trường nhanh chóng đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần tinh giản đầu mối đơn vị, quản lý, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước... Tuy nhiên, việc bố trí lịch họp, các hoạt động chung gặp khó khăn trong quản lý, điều hành; cơ sở vật chất, thiết bị thiếu và xuống cấp.

Ngoài ra, qua hoạt động giám sát tại các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh, đã chỉ ra một số vướng mắc, bất cập, như: Sau sáp nhập, việc bố trí số lượng giáo viên khó khăn, nhất là giáo viên tham gia dạy học cả 2 cấp học, di chuyển đến các điểm trường khác nhau. Một số trường trước khi sáp nhập là trường bán trú, sau khi sáp nhập không đảm bảo tiêu chí học sinh ở bán trú, nên không được hưởng chế độ, chính sách của trường bán trú. Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất nhiều đơn vị trường sau sáp nhập còn thiếu phòng học chức năng, thư viện, phòng thí nghiệm, nhà ở học sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên, công trình vệ sinh, công trình nước và các hạng mục phụ trợ khác chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học. Việc dồn ghép các điểm trường lẻ về các điểm trung tâm khó khăn do diện tích, cơ sở vật chất còn thiếu, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ nuôi dạy bán trú ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các nhà trường.

Sau cuộc giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát các đơn vị trường học vượt quá quy mô số lớp theo quy định, có khoảng cách xa nhau, có nhiều điểm trường, trên cơ sở đó đề xuất chủ trương nhằm giải quyết các khó khăn tại các trường học; chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh sớm trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 140/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường mầm non và trường phổ thông công lập có học sinh bán trú; tham mưu giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các huyện, các đơn vị sự nghiệp giáo dục; rà soát tài sản dôi dư của các đơn vị trường học sau sắp xếp, sáp nhập.

Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ngành đã nghiên cứu, đề xuất cơ chế để các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động tìm kiếm, khai thác và phát triển các hoạt động sự nghiệp tăng nguồn thu; giao quyền tự chủ hoặc tự chủ một phần, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên. Đồng thời, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền có lộ trình tách trường đối với những trường có nhiều điểm trường, điểm trường xa nhau, đi lại khó khăn, quy mô lớn, số lớp lớn, học sinh đông.

Đổi mới hoạt động thẩm tra, giám sát

Xác định giám sát là việc đồng hành cùng các cơ quan nhà nước, các đơn vị thực thi nhiệm vụ, trên cơ sở thực tiễn để quan sát, theo dõi, kiểm tra việc đó có thực hiện đúng theo chương trình, kế hoạch, quy định pháp luật hay không, HĐND tỉnh đã tập hợp, nghiên cứu để lựa chọn kỹ vấn đề quan trọng, cần thiết, phù hợp đưa vào chương trình giám sát. Nhờ đó, các nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm.

Đoàn giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra thực tế tại Nhà máy thủy điện Suối Sập 2, huyện Phù Yên.

Đoàn giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra thực tế tại Nhà máy thủy điện Suối Sập 2, huyện Phù Yên.

Đồng chí Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 27 cuộc khảo sát, giám sát chuyên đề, như giám sát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất cho thuê đất, nhưng chậm triển khai thực hiện; giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp; tình hình phát triển thủy điện trên địa bàn các huyện Phù Yên, Bắc Yên... Tăng cường giám sát chuyên đề, kết hợp giữa giám sát qua nghe báo cáo của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát, với việc giám sát trên các văn bản có liên quan và khảo sát, giám sát thực tế tại địa bàn cơ sở để nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của đối tượng chịu sự giám sát.

Trong quá trình giám sát, HĐND tỉnh đi sâu, tìm hiểu kỹ tình hình thực hiện tại cơ sở, yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết; trong giám sát có sự thảo luận, chất vấn để làm rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế, có biện pháp giải quyết, khắc phục hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đặc biệt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát; công tác đôn đốc, giải quyết các kiến nghị sau giám sát được Thường trực HĐND tỉnh thực hiện quyết liệt.

Các ban của HĐND tỉnh được phân công theo dõi giám sát thường xuyên và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện các kết luận thuộc các lĩnh vực các ban phụ trách. Vì thế, các kiến nghị được giải quyết triệt để và kịp thời hơn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước, đề cao trách nhiệm các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Đồng chí Quàng Thị Xuyến, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, chia sẻ: Để chọn những nội dung giám sát phù hợp, chúng tôi quan tâm đến những đề xuất của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đại biểu HĐND và các thành viên của Ban. Bên cạnh đó, xem xét các kiến nghị của cử tri, các ý kiến chất vấn của đại biểu tại các kỳ họp, tại các buổi tiếp công dân; những vấn đề dư luận quan tâm.

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND tỉnh

Việc lựa chọn các vấn đề thời sự, hoạt động giám sát của HĐND các địa phương có những chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện các kết luận, yêu cầu, kiến nghị mà đoàn giám sát đưa ra ở một số đơn vị còn chậm, mang tính hình thức, chưa dứt điểm, chưa thực sự thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan, đơn vị được giám sát. Việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện các kết luận, kiến nghị, yêu cầu giám sát có lúc còn thiếu liên tục, chưa sâu sát, thiếu biện pháp khắc phục.

Thường trực HĐND huyện Mộc Châu giám sát tại cơ sở.

Thường trực HĐND huyện Mộc Châu giám sát tại cơ sở.

Đồng chí Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết thêm: Ngoài việc ban hành các công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện, Thường trực HĐND tỉnh thực hiện giám sát kết quả triển khai thực hiện các kiến nghị cử tri; giám sát việc khắc phục những tồn tại hạn chế và triển khai thực hiện những kiến nghị, đề xuất của Đoàn giám sát HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND.

Đồng thời, bảo đảm giám sát toàn diện từ khâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện đến kết quả thực hiện của đối tượng được giám sát. Chú trọng khâu “hậu giám sát”, đảm bảo hiệu quả của hoạt động giám sát. Đối với những vấn đề sau giám sát còn nhiều vướng mắc, chưa được các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ, giải quyết dứt điểm sẽ được đưa ra giải trình, chất vấn tại các phiên giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh hoặc phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh.

Việc đổi mới, thực hiện tốt hoạt động giám sát đã khẳng định vai trò, vị thế của HĐND tỉnh, phát huy trách nhiệm của cơ quan dân cử. Vì thế, ý chí và nguyện vọng của cử tri, quyền lực của nhân dân được đảm bảo và phát huy.

Nhóm PV

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/tang-cuong-hieu-luc-hieu-qua-giam-sat-cua-hdnd-1XDVCmy4g.html