Tăng cường hiệu quả phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa
Công nghệ blockchain phát triển nhanh chóng mang lại những cơ hội tăng trưởng đột phá cho ngành tài chính, nhưng cũng đặt ra thách thức mới cho nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thông qua các giao dịch tiền mã hóa.
Quy định ban hành không ít, nhưng chưa theo kịp các thủ đoạn mới
Phát biểu tại hội nghị "Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 20/9, tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và NHNN đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật.
Quá trình xây dựng Luật, nghị định và thông tư, VNBA luôn phối hợp chặt chẽ với đơn vị soạn thảo, đặc biệt là Cục Phòng, chống rửa tiền (NHNN) để tham gia góp ý. Các ngân hàng hội viên cungx đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả cao nhất trong việc phòng và chống rửa tiền.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế, cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hóa) - nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng nêu về các thủ đoạn với loại tội phạm rửa tiền. Ví dụ, khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền thông qua trung gian thanh toán, ví điện tử, các đối tượng có thể thực hiện hành động này ở bất cứ đâu trên thế giới và bất cứ thời điểm nào. Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ cũng không thể xác minh danh tính thực sự của cá nhân truy cập vào tài khoản… nên các đối tượng ít có khả năng bị theo dõi hơn.
Khẩn trương lấp lỗ hổng quản lý tiền ảo, tài sản số
Theo Cục Phòng, chống rửa tiền, với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu, nên tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền, vì chúng có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung, tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021-10/2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD... Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn giao dịch Binance, theo báo cáo gần đây của Wall Street Journal.
Đại diện Hiệp hội Blockchain cho biết thêm, theo Văn phòng Ma túy và tội phạm trực thuộc LHQ, tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể ngang bằng 2-5% GDP toàn thế giới, tương đương 800-2.000 tỷ USD (đây là một ước tính thấp). Đặc biệt, rửa tiền thường liên quan đến việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, buôn người... Vì vậy, công tác phòng, chống rửa tiền là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam từ rất sớm.
"Tính tới thời điểm hiện nay mới chỉ có một số quốc gia, vùng lãnh thổ kịp ban hành quy định pháp lý để ngăn chặn tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao và công nghệ blockchain, như EU với đạo luật Thị trường tài sản mã hóa (MiCA). Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2024, MiCA mới chính thức có hiệu lực", đại diện Hiệp hội Blockchain cho biết.
Các nền kinh tế năng động khác, như Mỹ, Hàn Quốc... cũng ban hành nhiều quy định để tăng cường tính minh bạch.
Tại Việt Nam, do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số, nên mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ 1/3/2023, nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan Nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.
Trước tình hình đó, từ đầu năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố dự án chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer, một trong 4 chương trình trọng điểm.
Mục đích của ChainTracer là nhằm thúc đẩy tính minh bạch và công khai của các dự án tại Việt Nam và quốc tế, góp phần phòng chống tội phạm công nghệ cao liên quan đến hoạt động blockchain. Đồng thời, đây cũng là nơi để cộng đồng kiểm tra tính minh bạch của một dự án blockchain, cho phép giám sát chủ động và giúp tránh xung đột lợi ích trong cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Blockchain cho rằng, để thực thi các hoạt động phòng chống rửa tiền một cách hiệu quả mà cần thay đổi nhận thức, tầm nhìn từ chính các lãnh đạo ngân hàng, tổ chức tài chính và sự quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Có cùng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA khẳng định: Giám sát trong lĩnh vực tiền mã hóa là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
NHNN đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền. Thông tư quy định, giao dịch tiền điện tử trong nước từ 500 triệu đồng trở lên và chuyển tiền điện tử quốc tế có từ 1.000 USD thì các ngân hàng phải báo cáo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, siết giao dịch đáng ngờ không hẳn chỉ là con số mà phải bằng các nghiệp vụ, bởi nguy cơ rửa tiền vẫn luôn rất lớn, nhất là khi có nhiều công nghệ mới, kinh tế số phát triển…
Tại hội nghị, các chuyên gia góp ý: Để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống rửa tiền cần bổ sung bao quát tất cả lĩnh vực có thể diễn ra hoạt động rửa tiền, gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo…
Các chuyên gia nêu các khuyến nghị nhằm nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tài sản số, như: Cần nhận diện tài sản số là một loại tài sản mà Bộ luật Dân sự Việt Nam đã công nhận; các định chế tài chính cần xây dựng quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản số đối với các giao dịch qua tài khoản cá nhân; cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật.
Thông qua hội nghị, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng đại diện VNBA cam kết thúc đẩy các nguyên tắc quản trị và tuân thủ theo thông lệ quốc tế từ các tiêu chuẩn cao nhất của Basel cũng như quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH-15, quy tắc chống rửa tiền AML/CFT của FAFT cũng như các tổ chức quốc tế, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các định chế tài chính nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong các lĩnh vực trên.