Tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường
PTĐT - Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TN&MT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, những hạn chế...
PTĐT - Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TN&MT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, những hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này sớm được nhận diện, có giải pháp khắc phục kịp thời. Nhờ đó, các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân đã nâng cao ý thức, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phú Thọ có trữ lượng tài nguyên khoáng sản đa dạng, bao gồm các loại khoáng sản như nước khoáng nóng, caolin- fenspat, quặng sắt, mi ca, cát, sỏi lòng sông, sét… Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản, tỉnh đã tích cực chỉ đạo, điều hành về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương; nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức cá nhân trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường...
Cùng với đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản, hàng năm Sở Tài nguyên &MT và các địa phương tổ chức, phối hợp thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện các nội dung như chấp hành quy định pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác tài nguyên khoáng sản; kinh doanh bến bãi, khai thác nước khoáng nóng; cải tạo, san hạ cốt nền trên đất vườn, đất ở, đất lâm nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản... Đặc biệt, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở với ngành Công an trong việc chấp hành Luật BVMT, Luật Khoáng sản và Luật Đất đai trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên sông, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm khai thác cát, sỏi trái phép, tịch thu hàng trăm nghìn tấn quặng, cát cùng nhiều phương tiện, tiến hành xử phạt...
Xác định đất đai là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện lập Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 cấp huyện; thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của các huyện và thành phố Việt Trì, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất của tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay ngành Tài nguyên và MT đã thẩm định trình UBND tỉnh thu hồi, giao đất, cho thuê đất 59 dự án với diện tích 200ha, ký 71 hợp đồng thuê đất với các tổ chức được giao cho thuê đất. Việc thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh được thực hiện đảm bảo về thời gian theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và theo đúng quy định của Luật Đất đai. Sở Tài nguyên và MT cũng thường xuyên phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Lĩnh vực BVMT luôn được ngành đặc biệt quan tâm, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, giám sát ô nhiễm tại các nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hoạt động thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ đối với một số dự án trên địa bàn, phê duyệt 19 báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT; kiểm tra cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường cho 13 đơn vị; cấp mới và điều chỉnh sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 22 đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo đúng quy trình và thời gian quy định; đề xuất đo đạc các thông số môi trường phục vụ thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp tại 17 đơn vị. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên và BVMT nhân các ngày Môi trường thế giới, Khí tượng thủy văn thế giới, Giờ trái đất...Nhờ quyết liệt thực hiện các giải pháp, đến nay công tác quản lý Nhà nước về TN&MT trên địa bàn tỉnh được tăng cường, cơ bản ổn định, nhất là đã ngăn chặn, xử lý nghiêm việc khai thác không đúng quy định về tài nguyên cát, sỏi và khoáng sản. Các doanh nghiệp nâng cao ý thức, từng bước chấp hành tốt các quy định trong khai thác tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách; một số doanh nghiệp chủ động tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng cho địa phương nơi có mỏ, đồng thời quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc khai thác, chế biến khoáng sản theo sản lượng được cấp phép, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho thị trường trong tỉnh cũng như các vùng lân cận, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và nguyên liệu gốm sứ cao cấp; chủ động thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong khu vực được cấp giấy phép khai thác, làm cơ sở thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ TN&MT. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nhìn chung phục vụ tốt nhu cầu nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng của địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động.Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được tăng cường và chuyên sâu. Đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TN&MT của các tổ chức trên địa bàn tỉnh. Qua đó chỉ ra những tồn tại, vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường để các tổ chức, cá nhân khắc phục, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các tồn tại, vi phạm theo quy định của pháp luật. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, tỉnh thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản và đôn đốc, chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định của luật, các lĩnh vực của ngành quản lý; kịp thời yêu cầu khắc phục các tồn tại. Điển hình như thực hiện đôn đốc, giám sát Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, đầu tư vận hành các công trình bảo vệ môi trường; giám sát việc tiêu hủy nguyên, phụ liệu dư tại 3 đơn vị; tổ chức kiểm tra các công trình xử lý chất thải để vận hành thử nghiệm đối với 8 dự án; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với Công ty CP ván ép Hà Nam để giải quyết trả lời công dân theo đề nghị của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức kiểm tra tại các cụm công nghiệp Tử Đà, Phú Gia. Sở TN&MT đã thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 2 đơn vị, kiểm tra 9 cuộc theo nội dung đơn phản ảnh, trong đó điển hình về lĩnh vực khoáng sản và môi trường tại các huyện Đoan Hùng, Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa… Đến nay, UBND tỉnh, Sở TN&MT đã tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm với số tiền trên 3,5 tỷ đồng.Ông Nguyễn Xuân Toản - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước, ngành TN&MT tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn; chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai, môi trường tới cơ sở, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2013. Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản, xem xét, điều chỉnh bổ sung quy hoạch khoáng sản, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, thực hiện chặt chẽ trong thẩm định và thiết kế cơ sở các dự án đầu tư khai thác tài nguyên khoáng sản, đảm bảo công nghệ khai thác tiên tiến, hạn chế các yếu tố ảnh hưởng về môi trường, công suất khai thác, đảm bảo phù hợp với quy hoạch và thực tế khai thác, bảo vệ môi trường; đồng thời, thực hiện nghiêm việc quản lý đất công, đất tập thể; rà soát công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ về đất đai; chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi giải quyết các công việc, tránh gây phiền hà trong dân.