Tăng cường hỗ trợ pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), là cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng. Với tỉnh Hà Nam, thời gian qua, chính quyền các cấp đã quan tâm chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện; hỗ trợ cung cấp thông tin; hỗ trợ đào tạo, tập huấn; hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); tư vấn và giải đáp pháp luật... qua đó làm tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.
Hiện nay, 1.057 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (đạt tỷ lệ 100%) của HĐND, UBND tỉnh Hà Nam ban hành đều đã được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. Các chính sách, thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư đều được công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố. Nội dung hệ thống chính sách, thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư tập trung giới thiệu, phản ánh một số vấn đề trọng tâm như: Thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh (được cập nhật hằng tháng, hằng quý, 6 tháng và hằng năm); Bản đồ tổng thể các đồ án quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; Thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Bảng giá đất hằng năm trên địa bàn tỉnh; Danh mục và thông tin các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh; Thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh; Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh; Các văn bản pháp luật của Trung ương và của tỉnh liên quan đến doanh nghiệp...
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp thường xuyên giới thiệu các VBQPPL mới, biên tập những tài liệu pháp luật liên quan đến DNNVV đăng tải trên chuyên trang Phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tra cứu văn bản, tiếp cận thông tin.
Sở Tư pháp phối hợp với UBND thị xã Duy Tiên tổ chức hội nghị hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thị xã. Ảnh: Khánh Chi
Cùng hướng tới mục đích hỗ trợ DNNVV, trong giai đoạn 2019 - 2023, tỉnh Hà Nam đã tổ chức 32 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng quản trị doanh nghiệp với tổng số 3.000 học viên tham gia. Nội dung các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào một số chuyên đề như: Khởi sự doanh nghiệp; hoạch định chiến lược kinh doanh; quản trị nhân sự, quản trị tài chính; kỹ năng và điều hành; phổ biến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn thi hành; phổ biến chính sách pháp luật về thuế…. Các sở, ngành trong tỉnh cũng đã tổ chức 4 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu, quản lý dự án cho khoảng 400 học viên thuộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn đấu thầu, quản lý dự án... Sở Tư pháp, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh phối hợp với Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (Bộ Tư pháp) tổ chức 10 hội nghị, lớp tập huấn cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cho biết: Riêng trong năm 2023, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức 3 hội nghị hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại huyện Kim Bảng, thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên, thu hút gần 500 doanh nghiệp tham dự với chuyên đề: Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp, thực tiễn và những vấn đề cần lưu ý. Trong đó, tập trung chỉ rõ một số vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: lao động; bảo hiểm xã hội; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thuế; môi trường; những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý trong việc chấp hành quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính… Thông qua hội nghị nhằm hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp nắm vững một số vấn đề cơ bản của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính để chủ động phòng ngừa vi phạm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong những trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng khi thực hiện TTHC, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC; hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện TTHC cho DNNVV. Qua đó, đã cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày xuống còn 1,5 ngày; cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư từ 32 ngày xuống còn 17 ngày; cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án từ 15 ngày xuống còn 6 ngày… Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng thường xuyên giải đáp, hỗ trợ pháp lý cho DNNVV thông qua nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp; giải đáp bằng văn bản; tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp... Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh cũng đã bố trí cán bộ trực và hỗ trợ để giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Sản xuất tại Công ty TNHH Dệt may Tân Tiến Thành, xã Hòa Hậu, Lý Nhân. Ảnh: Hải Yến
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Hệ thống VBQPPL trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch… liên quan đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp còn có bất cập, một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với thực tiễn, làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đội ngũ công chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu thường xuyên nên kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về lĩnh vực pháp luật chuyên ngành còn hạn chế. Hiệu quả tư vấn pháp luật của các tổ chức dịch vụ pháp lý còn có mặt chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Việc bố trí kinh phí dành cho chương trình hỗ trợ pháp lý đối với DNNVV còn hạn chế. Về phía đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ pháp lý - các DNNVV - vẫn còn tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp chủ yếu chỉ quan tâm đến những chi phí trực tiếp cho hoạt động SXKD, chưa quan tâm thỏa đáng đến những chi phí gián tiếp (như chi phí dịch vụ pháp lý, đội ngũ pháp chế…). Số lượng doanh nghiệp chủ động tra cứu, tìm hiểu pháp luật tại các trang cơ sở dữ liệu về pháp luật còn thấp.
Từ thực tế trên, để công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV thực sự đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa, thời gian tới, chính quyền địa phương cần tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đổi mới cách tiếp cận và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai hoạt động truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp, hiệu quả…