Tăng cường hòa giải, đối thoại tại tòa án

Một buổi hòa giải, đối thoại tại TAND TP Tuy Hòa. Ảnh: NGỌC DUNG

Sau gần 2 năm thực hiện, TAND hai cấp tỉnh Phú Yên đã nỗ lực đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (HGĐTTTA) đi vào cuộc sống. Qua đó góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử theo quy định của pháp luật tố tụng, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức của Nhà nước và các bên liên quan.

Trao đổi với Báo Phú Yên về nội dung nói trên, Chánh án TAND tỉnh Trần Huy Đức cho biết:

- Luật HGĐTTTA ra đời nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc.

Ông Trần Huy Đức

Ông Trần Huy Đức

* Năm qua, cùng với cả nước, TAND hai cấp tỉnh Phú Yên đã tích cực triển khai Luật HGĐTTTA trên địa bàn tỉnh. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?

- Luật HGĐTTTA có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 trong phạm vi cả nước. Nhưng năm 2021, cả nước gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, vì vậy luật này chính thức triển khai rộng rãi từ năm 2022. Đây là chế định mới được pháp luật quy định để tạo sự thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc các đương sự ngồi lại với nhau để hòa giải, đối thoại tìm ra tiếng nói chung. Qua đó góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng khối đoàn kết trong Nhân dân. Hòa giải, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để các tranh chấp mà không phải mở các phiên tòa; tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các bên liên quan, giúp Nhà nước, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết được khối lượng lớn công việc; đồng thời hạn chế những tranh chấp khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong xã hội.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại; thực hiện chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh Phú Yên đã nỗ lực triển khai thực hiện Luật HGĐTTTA. Đặc biệt năm 2022, TAND hai cấp đã tổ chức hòa giải đối thoại 140/189 trường hợp, đạt tỉ lệ 75%. Đây là nỗ lực rất lớn của TAND hai cấp tỉnh Phú Yên trong bối cảnh Luật HGĐTTTA là luật mới, chưa có sự thẩm thấu sâu trong xã hội. Một số đơn vị TAND cấp huyện có số lượng vụ việc chuyển qua hòa giải đối thoại tương đối nhiều như: TAND huyện Tuy An, TAND TX Sông Cầu…

* Hiện nay, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn không ngừng tăng khiến tòa án luôn trong tình trạng quá tải. Trước thực trạng trên, công tác hòa giải đối thoại có ý nghĩa như thế nào trong việc giải quyết áp lực cho tòa án?

- Việc triển khai Luật HGĐTTTA giúp cán bộ, công chức TAND hai cấp tỉnh Phú Yên nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết các tranh chấp xung đột trong xã hội, giúp giảm tải áp lực đối với các thẩm phán và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị chung của tòa án. Đồng thời góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước để người dân hiểu được tính đúng đắn trong quá trình giải quyết, xử lý các mâu thuẫn, tranh chấp, ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai luật này, TAND hai cấp cũng gặp một số khó khăn, bởi vì đây là luật mới, một phương thức giải quyết tranh chấp mới. Do vậy về mặt tâm lý, để người dân đón nhận, đòi hỏi cán bộ tòa án cũng như lực lượng hòa giải viên phải giải thích, thuyết phục, vì tâm lý khi người ta nộp đơn đến tòa án thì muốn giải quyết ở tòa. Để người dân biết nhiều về luật này, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân hiểu rằng đây cũng là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp được Nhà nước công nhận.

Khi tòa tiếp nhận đơn của công dân, trách nhiệm của tòa án là sẽ giải thích cho công dân về những ưu điểm của việc thực hiện giải quyết tranh chấp theo Luật HGĐTTTA, chẳng hạn như: thời gian giải quyết ngắn hơn, hạn chế việc đi lại, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước, cho công dân. Nếu công dân đồng ý thì sẽ chuyển sang hòa giải viên để họ giải quyết vụ việc theo quy định của luật này. Trong quá trình hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ, có sự hỗ trợ của thẩm phán, cán bộ tòa án. Nếu kết quả là hai bên hòa giải thành thì tòa án sẽ ra quyết định công nhận.

Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Tuy An tổ chức tập huấn tuyên truyền phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Ảnh: CTV

Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Tuy An tổ chức tập huấn tuyên truyền phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Ảnh: CTV

* Hòa giải viên có vai trò rất quan trọng khi tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án. Hiện nay, tình hình nhân lực của đội ngũ này ở Phú Yên như thế nào, thưa ông?

- Theo quyết định phân bổ của Chánh án TAND Tối cao, hòa giải viên của TAND hai cấp tỉnh Phú Yên là 131 người, trong đó cấp tỉnh 18 người, cấp huyện 113 người. Đến nay, TAND tỉnh đã lựa chọn bổ nhiệm 45 hòa giải viên tại tòa án. Đây là những thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên đã nghỉ hưu; luật sư và các nhà chuyên môn khác có nhiều kinh nghiệm trong công tác hòa giải, am hiểu pháp luật, có năng lực, trình độ đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định, có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Ở giai đoạn đầu trong quá trình thực hiện Luật HGĐTTTA, lực lượng cán bộ, thẩm phán TAND hai cấp Phú Yên vẫn phải hỗ trợ đội ngũ này, bởi đây là luật mới nên để cho hòa giải viên quen việc và xã hội chấp nhận. Nhưng khi việc triển khai luật này rộng khắp thì trách nhiệm chính sẽ thuộc về lực lượng hòa giải viên. Hiện nay, TAND Phú Yên vẫn đang tiếp tục thông báo tuyển chọn hòa giải viên với những điều kiện theo quy định của Luật HGĐTTTA.

* Thưa ông, để nâng cao hiệu quả thi hành Luật HGĐTTTA, thời gian tới, TAND hai cấp tỉnh Phú Yên sẽ triển khai các giải pháp gì?

- Để triển khai hiệu quả, thi hành rộng khắp Luật HGĐTTTA trên địa bàn Phú Yên, thời gian tới, TAND tỉnh cũng như TAND các huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến rộng rãi về ưu điểm của luật này để người dân nắm rõ các quy định, quyền lợi của công tác hòa giải, đối thoại tại tòa; tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong Nhân dân thực hiện theo Luật HGĐTTTA. Bởi vì, tâm lý của người dân khi thực hiện hòa giải đối thoại sẽ nhẹ nhàng hơn, thời gian rút ngắn hơn, không phải trải qua những quy trình tố tụng chặt chẽ như thực hiện ở tòa án. TAND Phú Yên sẽ tiếp tục tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên cũng như đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này. Đồng thời đưa việc triển khai Luật HGĐTTTA vào chương trình công tác của tòa án các cấp cũng như của địa phương. Qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, pháp lý, sự ổn định của các quan hệ xã hội.

* Xin cảm ơn ông!

HGĐTTTA là phương thức giải quyết tranh chấp đơn giản, gần gũi, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp; đồng thời phù hợp với xu hướng của quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, pháp lý, sự ổn định của các quan hệ xã hội.

NGỌC DUNG (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/164/294618/tang-cuong-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an.html